Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Từ bao mì gói, thầy giáo sáng tạo ra sản phẩm kỷ lục Việt Nam

Thầy Lê Quốc Toàn đã có 4 năm thu gom khoảng 20.000 bao mì gói để tạo ra từng chiếc túi xách. Bộ sưu tập 44 chiếc túi xách của thầy Lê Quốc Toàn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất".

Năm 2003, thầy giáo Lê Quốc Toàn (SN 1980, quê huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) học tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng. Sau đó, thầy Toàn về giảng dạy bộ môn Mỹ thuật ở Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (TP Sóc Trăng).

Khi còn học trung cấp, thầy Toàn đã bắt đầu thực hiện ước mơ sáng tác nghệ thuật của mình bằng công việc vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu, tranh gạo, vỏ trứng,…

Thầy Lê Quốc Toàn đang làm một sản phẩm.

Thầy Lê Quốc Toàn cho biết, hàng ngày thấy bao bì của các loại thực phẩm như mì gói, túi cà phê, gói snack,… sau qua sử dụng không bán ve chai hay tái sử dụng lại được mà chỉ bỏ đi, khó phân hủy, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Lúc này, thầy nghĩ tại sao không tận dụng các loại vỏ bao bì nói trên để tạo ra sản phẩm phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt của con người.

Ban đầu, thầy Toàn chỉ dùng một ít bao mì gói ở căn-tin của trường về vệ sinh sạch sẽ rồi cắt ra và se lại thành cọng để đan thành những chiếc túi xách nhỏ nhắn, xinh xinh. Khi mang sản phẩm giới thiệu cho đồng nghiệp, ai cũng thích. Từ đó, thầy tiếp tục thực hiện niềm đam mê của mình. Cho đến nay thầy đã có bộ sưu tập 44 túi xách với đủ kích thước, kiểu dáng cũng như màu sắc.

Bộ sưu tập túi xách làm từ bao mì gói của thầy Toàn.

Một số túi xách đẹp mắt, độc đáo trong bộ sưu tập của thầy Toàn.

Theo thầy Lê Quốc Toàn, để thực hiện một chiếc túi xách bằng vỏ bao mì gói phải qua nhiều công đoạn như tạo ý tưởng về hình dáng, kích thước, màu sắc của túi xách, chọn bao bì phù hợp với ý tưởng, tiếp theo là vệ sinh, cắt, se bao bì và đan theo kích thước của bản vẽ trước đó.

“Công đoạn se từng mảnh bao bì thành cọng để đan được xem là khó nhất vì phải khéo léo để các cọng kết nối với nhau cho vừa vặn, đảm bảo kích thước sau khi sản phẩm hoàn chỉnh. Sau khi đan xong thì may phần ruột túi xách để ghép vào các mảnh bao bì đã được đan và cuối cùng là trang trí thêm cườm, hoa văn,… để sản phẩm hợp thời trang và nổi bật”, thầy Toàn tiết lộ.

Để làm được bộ sưu tập túi xách độc đáo này, thầy Toàn đã có 4 năm kiên trì, tranh thủ thời gian thu gom khoảng 20.000 bao mì gói để tạo ra từng chiếc túi xách với nhiều kích cỡ khác nhau. Thời gian để hoàn thành một chiếc túi nếu làm liên tục thì phải mất 2 ngày cho túi nhỏ, 3 ngày cho túi lớn.

Ngày 26/8/2018, bộ sưu tập 44 chiếc túi xách của thầy Lê Quốc Toàn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.

Cây đèn ngủ.

Hộp đựng quà.

Sọt đựng đồ.

Nhớ lại lúc bắt tay tạo túi xách, thầy Toàn kể: “Năm 2015 - 2016, tôi đưa sản phẩm túi xách của mình tham dự cuộc thi về khoa học công nghệ ở địa phương nhưng… bị trượt. Sau lần đó, tôi buồn quá, đã từng có suy nghĩ sẽ “nghỉ chơi” với loại túi này. Giữa lúc đó, cô Hiệu trưởng nhà trường biết và khuyên tôi tiếp tục thực hiện vì cô thấy sản phẩm này đẹp, có giá trị sử dụng. Tôi lại bắt tay vào thực hiện và bây giờ đã có được thành công.

Nhận xét về người đồng nghiệp của mình, cô Phạm Phương Chi - Hiệu trưởng Trường TH-THCS Lý Thường Kiệt cho biết: “Thầy Toàn là người rất tài hoa. Thầy đã tạo ra nhiều sản phẩm vừa độc đáo, vừa tiện dụng, có tính nghệ thuật cao, lại rẻ tiền, trong đó có những chiếc túi xách. Tôi đã sử dụng hơn một năm nhưng vẫn còn tốt”.

Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao xác nhận kỷ lục: “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.

Được biết, sau khi thầy Lê Quốc Toàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục thì có rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước liên lạc với mong muốn được sở hữu một vài sản phẩm. Tuy nhiên, thầy chưa nhận lời vì sản phẩm được làm thủ công nên số lượng chưa nhiều.

“Tôi rất muốn sản phẩm của mình được đem ra thị trường nhưng vốn chưa có nên rất muốn mời gọi nhà đầu tư hỗ trợ, hoặc chuyển giao ý tưởng. Tôi sẵn sàng truyền nghề cho người lao động để tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề từ khâu đan bao bì, may, định hình sản phẩm,… để các mặt hàng của mình có mặt trên thị trường, nhất là việc thu hút thị hiếu của khách du lịch nước ngoài”, thầy Toàn bày tỏ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố