Mới đây, Trường tiểu học công lập Ashokapuram ở Karnataka (Ấn Độ) đã nhận được nhiều lời khen ngợi khi “hô biến” các toa tàu cũ thành lớp học mới để thu hút học trò và các giáo viên mặn mà hơn với việc đến trường.
Trước đó, khi phát hiện số học sinh đến lớp ngày càng giảm, ban giám hiệu nhà trường vô cùng lo lắng và đau đáu tìm giải pháp. Họ cho rằng lý do là vì nhà trường không có các lớp học cố định, đủ tiêu chuẩn, mà học sinh cứ phải nay học ở địa điểm này, mai lại sang địa điểm khác.
Tuy nhiên, để xây dựng một trường học khang trang ở hiện tại là điều bất khả thi bởi nhà trường không có đủ kinh phí. Do đó, ban giám hiệu đã liên lạc với công ty Đường sắt Tây Nam để “xin” hai toa tàu cũ không thể sử dụng phục vụ ngành đường sắt để… làm lớp học mới.
Ngay lập tức, phía công ty Đường sắt Tây Nam đồng ý và cùng bắt tay với nhà trường sửa sang, trang trí lại 2 toa tàu. Với chi phí tổng cộng 915 đôla (khoảng 21 triệu đồng), lớp học toa tàu đã được làm lại các bậc thang, sơn màu sắc rực rỡ ở bên ngoài, lắp những chiếc bàn, quạt, đèn bên trong, và treo cả các bức tranh đẹp đẽ trên “tường”.
Sau khi 2 lớp học này được hoàn thành, các giáo viên và học sinh tỏ ra khá phấn khởi bởi giờ đây đã có chỗ học cố định, không phải “nay đây mai đó” nữa.
Trước đó, một trường nghệ thuật ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cũng từng sử dụng tàu hỏa cũ, bỏ hoang làm ký túc xá cho sinh viên.
Mỗi toa tàu được biến thành một phòng ở. Người ta kê giường tầng bằng gỗ trong các toa tàu nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên cũng như tăng diện tích sinh hoạt trong mỗi phòng.
Thậm chí, các phòng được trang bị điều hòa cùng bình nóng lạnh nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho sinh viên. Ban quản lý quy định giờ mở cửa và sinh viên phải chấp hành một cách nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh.