Trước đây, khi Youtube chưa thịnh hành, các bảng xếp hạng âm nhạc được tính theo số lượng băng đĩa được bán ra hoặc do các chủ tiệm băng đĩa tự xếp hạng theo cảm nhận cá nhân. Do đó, thành công của các ca sĩ lúc bấy giờ phải "đánh đổi" rất nhiều vì không có sự hỗ trợ của Youtube hoặc các bảng xếp hạng, báo mạng…
Ấy thế mà vẫn có nhiều cái tên khi nhắc đến hầu hết ai cũng biết. Điển hình như nam ca sĩ Lâm Chấn Huy, người đã thành công rất xuất sắc khi từng “thống lĩnh” nhiều bảng xếp hạng doanh số bán băng đĩa hoặc do các chủ tiệm băng đĩa bình chọn và luôn để top 1 mỗi khi có sản phẩm mới.
Các chàng trai, cô gái 8x, 9x ngày nào trông chờ từng chiếc đĩa nhạc của thần tượng về đến tiệm băng đĩa gần nhà giờ cũng đã "ngấp nghé" tuổi 30. Bất chợt khi nhìn lại thấy thời gian trôi sao nhanh quá.
Mới đây, dân tình vô tình “đào mộ” lại một ca khúc của nam ca sĩ Lâm Chấn Huy khiến nhiều người (8x, 9x đời đầu) nhớ về tuổi sinh viên của mình, không internet, không phải ai cũng có máy tính cá nhân hay smartphone,….
Và khi xem lại, nhiều bạn sinh viên Đại học Nông Lâm TP.HCM nhận ra ngay bối cảnh trong MV này chính là hình ảnh ngôi trường thân thuộc nhưng là thời điểm cách đây hơn 14 năm về trước.
Diện mạo mới của ĐH Nông Lâm – Phim trường của những MV triệu views
Tọa lạc ở khu phố 6 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM), ĐH Nông lâm TP.HCM được xem là một trong những ngôi trường có diện tích rộng nhất trên địa bàn TP.HCM với gần 118 ha.
Ngoài việc sở hữu một khuôn viên rộng lớn, bao phủ toàn cây xanh thì ngôi trường này được nhiều thế hệ sinh viên biết đến bởi cảnh quan đẹp, không khí trong lành.
Thiên Lý, tòa nhà là một điểm nhấn của sự hiện đại giữa một không gian thiên nhiên bao phủ.
Các khu giảng đường của trường được đặt theo tên các loài hoa. Một điểm nhấn cho một ngôi trường rất thiên nhiên. Nếu một lần đến Nông Lâm, bạn sẽ cảm thấy như trở về với quê nhà mình. Có những bóng cây ngả rợp, có con đường mòn, có luống rau, ao cá…
Một góc khác của Giảng đường Phượng Vỹ, có thể nói về khía cạnh quy hoạch, mảng xanh của trường rất được chú ý đến. Điều này được xem là xu hướng của sự quy hoạch tổng thể nhà máy, trang trại, công xưởng, được trường ĐH Nông Lâm TPHCM áp dụng khá thành công.
Cạnh Nhà thi đấu có hẳn 6 sân bóng mini và 1 sân bóng lớn. Thể thao là điều không thể thiếu đối với sinh viên trường. Điều này cũng đã góp phần trong việc thành công của đội bóng trường với danh hiệu: “Một trong những đội bóng sinh viên mạnh nhất toàn quốc” với nhiều thành tích đáng nể.
Khu KTX Cỏ Mây gắn liền với tên tuổi của "người thầy không bục giảng" Phạm Văn Bên. Người thầy này đã dành 40 tỷ để xây dựng KTX và 15 tỷ mỗi năm để chu cấp cho sinh viên sống tại KTX này. Dù đã ra đi trong sự kính nể, tiếc nuối của biết bao người dân, người thầy ấy vẫn sống mãi trong lòng những người biết về ông, về tấm lòng đáng quý ấy.
Lý do các nhà làm phim thường chọn ĐH Nông Lâm TPHCM là nơi để các “đứa con tinh thần” của mình chào đời đó chính là cảnh quan và kiến trúc – một sự kết hợp giữa hoài cổ và hiện đại.
Được xây dựng vào những thập niên 50 của thế kỉ 20 bởi thiết kế bởi Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – tác giả của Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn… đến nay, sau nhiều lần trùng tu, trường vẫn giữ gìn được lối kiến trúc lịch sử ấy.
Bối cảnh của trường phù hợp cho các MV có nội dung từ những năm 90. Thật khó để tìm được một nơi có không gian rộng lớn, có thể kết hợp được nhiều “góc máy thời gian” như vậy ở Sài Gòn này.
Ngoài các kiến trúc ra, trường còn có các cánh đồng rau xanh, ao cá… một vùng quê thu nhỏ tại các trại thực nghiệm Nông học.