Phủ nhận trách nhiệm ?
Đã từng đề nghị giải thể Trường ĐH Đông Đô
Theo ông Trần Bá Giao, nguyên Phó chánh thanh tra, Bộ GD-ĐT, trước đây khi còn công tác, ông cùng một số cán bộ của Thanh tra Bộ và Vụ Giáo dục ĐH đề nghị lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng cho giải thể Trường ĐH Đông Đô, vì những sai phạm có hệ thống của trường này. Khi đề nghị giải thể trường, ông và các đồng nghiệp cũng đã tính đến phương án cho sinh viên chuyển về các trường ngoài công lập khác ở Hà Nội để đảm bảo quyền lợivà nguyện vọng được học tiếp của các em.
“Trường ĐH Đông Đô nhiều lần bị xử phạt. Có lần hiệu trưởng cũng bị ra tòa… Hơn thế nữa, qua nhiều lần thanh tra và kiểm tra đều cho thấy, trường không có khả năng đảm bảo các tiêu chí về tài chính, về cơ sở vật chất (không có đất để xây dựng trường…). Nội bộ kiện cáo lẫn nhau nhiều lần. Không đủ tỷ lệ giảng viên cơ hữu (có người đã mất vẫn được ghi danh là giảng viên thỉnh giảng của trường)”, ông Giao nói, và bày tỏ: “Lần này Bộ GD-ĐT phải kịp thời và kiên quyết trong việc giải thể Trường ĐH Đông Đô trước sự việc vi phạm nghiêm trọng của cả một ê kíp lãnh đạo trường hiện nay. Đồng thời, Bộ cần kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của các trường ĐH, qua thanh tra và kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT”.
Sau khi Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô bị bắt vì có hành vi giả mạo trong công tác, Bộ GD-ĐT phản ứng rất chậm trước các đề nghị được cung cấp thông tin với cơ quan truyền thông.
Chẳng hạn, sau một loạt bài của các báo đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trước vụ việc này, các báo đều có câu hỏi gửi tới lãnh đạo Bộ, nhưng gần 2 tuần sau, Bộ này mới có văn bản trả lời. Lý do chậm trễ được một lãnh đạo Văn phòng Bộ giải thích là vì nội dung trả lời liên quan tới nhiều đầu mối quản lý: Vụ Giáo dục ĐH, Cục Quản lý chất lượng, Vụ Kế hoạch tài chính, Thanh tra… Đến khi có văn bản trả lời thì nội dung cũng rất chung chung, và theo chiều hướng phủ nhận trách nhiệm bằng cách viện dẫn các quy định để cho rằng các trường phải “tự chịu trách nhiệm”, mà lờ đi vai trò quản lý nhà nước của mình.
Chẳng hạn, về việc Bộ có biết Trường ĐH Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 không, văn bản của Bộ nêu câu trả lời của Vụ Giáo dục ĐH là khi báo cáo về tuyển sinh, trường không thông tin gì về đào tạo văn bằng 2, và do trường không gửi hồ sơ xin phép nên vụ này cũng không yêu cầu trường báo cáo. Còn việc cung ứng phôi bằng cho trường, thì “quả bóng trách nhiệm” được “đá” ngay sang cho Văn phòng Bộ, nơi phụ trách một xưởng in, để khẳng định mối quan hệ giữa Bộ và trường là mối quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. Trong khi vai trò kiểm tra việc quản lý văn bằng, chứng chỉ của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, thì không hề được đả động.
Liên quan tới hoạt động thanh tra, kiểm tra riêng về đào tạo và cấp văn bằng 2, Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết chỉ mới tiến hành trong năm 2019 với các trường ĐH: Chu Văn An, Thành Đô và Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên), còn trước đây thì gộp vào với hoạt động thanh tra, kiểm tra chung. Bộ còn cung cấp thông tin: triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của trường này (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19.9.2018). Tuy nhiên, trường này đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.
Nhưng căn cứ vào những tài liệu mà PV Thanh Niên hiện có cho thấy, trường này không hề có ý định giấu Bộ việc mình đang đào tạo và cấp phát “chui” văn bằng 2. Chỉ có điều, các cơ quan của Bộ nhìn vào mà không thấy.
Không phát hiện sai phạm vì có nhiều đầu mối quản lý ?
Bộ này có biết Trường ĐH Đông Đô đào tạo và cấp phát văn bằng 2, chỉ có điều là đào tạo có phép hay đào tạo chui thì Bộ… chưa “quan tâm”.
Gần đây nhất, tháng 10.2018, Bộ đã thành lập Đoàn kiểm tra số 1 kiểm tra cam kết thành lập trường ĐH ngoài công lập tại Trường ĐH Đông Đô. Đoàn kiểm tra có 5 thành viên, do một phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm trưởng đoàn. Theo biên bản kiểm tra mà đoàn kiểm tra lập, cả 2 bên (đoàn kiểm tra và trường) cùng thống nhất về nội dung, cùng ký thì Trường ĐH Đông Đô có quy mô đào tạo trình độ ĐH (23 ngành) 1.935 sinh viên chính quy, trong đó ĐH văn bằng 2 chính quy là 323 sinh viên. Rõ ràng là đoàn kiểm tra số 1 của Bộ đã biết và thậm chí ghi nhận vào biên bản là Trường ĐH Đông Đô có đào tạo văn bằng 2. Còn đoàn có phát hiện ra đó là đào tạo chui hay không, rồi có báo cáo lại với lãnh đạo Bộ hay không, chỉ có nội bộ của Bộ này biết với nhau!
Chưa hết, các năm từ 2015 - 2017, Trường ĐH Đông Đô đều đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 với Bộ và đều có thông báo xác nhận lại.
Theo đó, năm 2015, Trường ĐH Đông Đô đăng ký đào tạo 500 chỉ tiêu văn bằng 2; năm 2016 là 150 ở khối ngành III, V và VII; năm 2017 cũng 150 ở khối ngành này. Nơi nhận các thông báo này không chỉ có Trường ĐH Đông Đô, mà còn có các lãnh đạo Bộ (để báo cáo), Vụ Giáo dục ĐH, Thanh tra Bộ GD-ĐT.
Việc quản lý đào tạo văn bằng 2 được thực hiện theo Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22.6.2001 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Cơ sở đào tạo muốn đào tạo văn bằng 2 phải có văn bản đề nghị với các ĐH quốc gia, ĐH vùng (nếu là thành viên của các ĐH này), hoặc với với Bộ (qua Vụ Giáo dục ĐH và Vụ Kế hoạch tài chính). Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy hằng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 cho các cơ sở có đủ điều kiện.
Vậy mà, một mặt Bộ GD-ĐT khẳng định chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2. Mặt khác, Bộ lại có văn bản thông báo xác nhận chỉ tiêu văn bằng 2 cho trường!
Trường ĐH Đông Đô có trong 111 cơ sở được phép đào tạo và cấp văn bằng 2
Trước đó, ngày 14.8.2018, Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng, đã gửi công văn sang Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ này cung cấp danh sách các cơ sở đào tạo của VN được công nhận đủ điều kiện cấp văn bằng cử nhân ĐH văn bằng 2 ngôn ngữ nước ngoài, và tổ chức khảo thí được quốc tế và VN công nhận cấp chứng nhận chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên, hoặc chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên.
Trong công văn phúc đáp ngày 21.8.2018, Cục Quản lý chất lượng trả lời: “Tại danh mục GD-ĐT cấp IV trình độ ĐH ban hành kèm Thông tư 24/2017/TT - BGDĐT ngày 10.10.2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài có mã ngành là 72202. Quý Cục tham khảo danh mục các cơ sở giáo dục ĐH có mã ngành 72202 tại Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”.
Căn cứ vào phúc đáp trên, Cục Nhà trường đã đưa ra hướng dẫn về quy trình, nội dung xác định trình độ ngoại ngữ đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2018 và những năm tiếp theo. Hướng dẫn đã liệt kê ra danh sách gồm 111 cơ sở đào tạo của VN được phép đào tạo và cấp văn bằng ĐH ngoại ngữ văn bằng 2. Trong danh sách này, ở ngành ngôn ngữ Anh, tên Trường ĐH Đông Đô đứng ở vị trí 11.