Cách đây 2 năm về trước, cũng trong đợt tuyển sinh vào mùa hè nắng nóng năm 2016, cộng đồng mạng được phen xôn xao trước câu chuyện một chàng trai tên Hùng được 10 điểm môn Lý.
Điểm đáng lưu tâm của câu chuyện này nằm ở chỗ, 3 thí sinh tên Hùng có SBD gần nhau cùng đạt điểm 10 môn Vật lý. Trong khi 2 bạn trùng Nguyễn Mạnh Hùng cùng xuất sắc vượt qua kỳ thi tốt nghiệp cũng như có tổng điểm thi khối A (Toán, Lý, Hóa khá cao) thì sĩ tử Nguyễn Sỹ Hùng lại “trượt vỏ chuối” khi “lĩnh” điểm liệt môn Toán.
Sự trùng hợp hy hữu này đã làm nảy sinh nhiều nghi ngờ rằng, nam sinh trượt tốt nghiệp chính là người đã khoanh bừa đáp án trắc nghiệm.
Đây chính là trường hợp hy hữu của thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng, người tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016 với số báo danh 7452 tại cụm thi thành phố Vinh (Nghệ An).
Theo đó, kết quả các bài thi THPT Quốc gia năm 2016 của nam sinh này như sau: Vật lý: 10; Hóa học: 8; Toán: 0; Ngữ Văn: 2,5 và Tiếng Anh: 2,13.
Vào thời điểm công bố kết quả của mùa thi đại học năm 2016, câu chuyện này đã gây xôn xao cộng đồng mạng suốt một thời gian dài.
Theo loạt bài trên báo Tuổi trẻ, thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng thừa nhận đạt 10 điểm môn Vật lý nhờ “ăn may”, “khoanh bừa”.
Trong khi đó, với kết quả 0 điểm cho môn Toán, Hùng cũng từ chối làm đơn phúc khảo và mạnh dạn thừa nhận: “Môn Toán em nộp giấy trắng nên bị 0 điểm là đúng rồi!”.
Về trường hợp này, ông Đinh Xuân Khoa (Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, Chủ tịch Hội đồng coi thi cụm thi Vinh) đã khẳng định “không có sai sót trong quá trình coi thi, chấm thi, và kết quả chấm thi về điểm thi của thí sinh Hùng đều đúng”.
Cũng theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ vào tháng 8/2016, không có căn cứ xác định vi phạm quy chế thi đối với trường hợp của thí sinh Nguyễn Sỹ Hùng. Đây chính là kết quả kiểm tra của phòng An ninh Chính trị Nội bộ Công an tỉnh Nghệ An.
Mặc dù sự việc hy hữu này đã xảy ra từ 2 năm về trước, nhưng mỗi khi đến mùa thi Đại học, cư dân mạng vẫn thường nhắc lại câu chuyện của thanh niên tên Hùng này và coi đó là minh chứng của câu nói: “Học tài thi phận”.
Dù vậy, đối với đề thi có tính phân loại cao như năm nay, việc đạt điểm tuyệt đối cho bất kỳ môn nào đều là một thách thức lớn với tất cả các thí sinh. Trong bối cảnh đề thi (đặc biệt là khối khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa…) được đánh giá quá khó như năm nay thì nhiều sĩ tử lại mong chờ vận may có lẽ sẽ đến với mình.
“20 câu cuối đề toán mình khoanh bừa, có lẽ nào cũng gặp may như bạn này“, một nickname bình luận.
Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng, dù khoanh bừa được điểm cao môn Lý nhưng vì không chú tâm học hành nên thí sinh này vẫn trượt thi tốt nghiệp. Vì thế, thay vì chia sẻ như một sự ngưỡng mộ do gặp may, mọi người nên nhận thấy đây là một bài học cảnh tỉnh.
“Nói là học tài thi phận nhưng chung cuộc thì bạn này vẫn rớt thi thôi. Đây là bài học cảnh tỉnh chứ không phải trường hợp đáng ngưỡng mộ vì không thể giải đề nhưng do ăn may vẫn đạt điểm cao“, bạn Q.T bày tỏ.