Cách đây khoảng một tuần, Trường THPT Kiến Thụy vừa tổ chức kỳ thi Học sinh giỏi môn văn lớp 11 năm học 2018 - 2019. Trong đó, câu 1 (3 điểm) có chủ đề “Hiện tượng mạng Khá Bảnh với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái”. Đề thi trích một đoạn bài viết trên báo với nội dung miêu tả Khá Bảnh từ điệu nhảy “múa quạt” (VinaHey) đến những clip “quẩy” trong bar, livestream chửi tục, nói bậy, phát ngôn gây sốc, dàn hàng ngang chụp hình trên cao tốc… cho đến việc nhân vật này trở thành hiện tượng với Fanpage, YouTube thu hút giới trẻ cũng như được một số người trẻ chào đón như thần tượng.
Đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng được đề cập trong bài viết.
Ngay khi đề thi này được học sinh đưa lên mạng, làn sóng tranh cãi về đề thi đã nhanh chóng lan rộng. Trên một trang Fanpage có đa số người trẻ tham gia, các ý kiến trái chiều nhau nổ ra dữ dội giữa hai bên. Một phía cho rằng đề thi rất hay, để giới trẻ biết nhận thức về hiện tượng này và đây là một bài học thực tế cho giới trẻ. Một phía khác phản đối vấn đề này được đưa vào đề thi.
Ngay cả các giáo viên dạy môn văn cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Một số giáo viên viết trên Facebook cá nhân rằng những hiện tượng tiêu cực này không nên đưa vào đề thi. Muốn giáo dục học sinh, người lớn hãy lấy những sự việc tốt để làm gương cho các em noi theo. Nhiều ý kiến khác lại ủng hộ cách ra đề thi này.
Giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cũng cho biết: “Câu hỏi trình bày hiện tượng đặt ra trong đó là khá mơ hồ. Nếu phải lựa chọn vấn đề ý nghĩa tích cực và tiêu cực thì nên chọn ý nghĩa tích cực cho học trò để biện luận xã hội”.
Sáng ngày 8.4, ông Ngô Hồng Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng), xác nhận trường ra đề thi này trong cuộc thi học sinh giỏi môn văn cấp trường của lớp 11. Ông cho biết mình chỉ đạo cho các tổ nhóm chuyên môn soạn đề thi học sinh giỏi các môn. Trường ra đề thi văn này có ý tốt là để học sinh tránh các hiện tượng, trào lưu xấu trong xã hội.
Nhưng ông Tân cũng cho biết sau khi thi với đề thi này, trường có nhận được các phản hồi trên mạng xã hội với nhiều cách hiểu khác nhau. Có người hiểu tích cực, có người lại hiểu theo hướng ngược lại. Giáo dục là lĩnh vực rất nhạy cảm. Vì thế, sau khi có những ý kiến này, trường đang tổ chức họp rút kinh nghiệm và báo cáo lên cấp trên.
Giáo viên ngữ Văn Nguyễn Hà Hương Ly, người ra đề thi này, cho biết kỳ thi diễn ra cách đây một tuần, nhưng bà đã chuẩn bị đề thi từ lâu. Và khi ra đề thi thì Khá Bảnh mới bị bắt. Trong quá trình tìm hiểu những vấn đề để ra thi, thì có hiện tượng Khá Bảnh nổi lên và khá gần gũi với học sinh, được người trẻ quan tâm, nên bà đưa vào đề thi. Sở dĩ đưa hiện tượng Khá BảnH vào vì muốn từ một hiện tượng tiêu cực như vậy, để học sinh có thể bàn luận, nói ra suy nghĩ, rút ra được hai vấn đề. Một là văn hóa thần tượng của giới trẻ hiện nay. Hai là tâm lý muốn khẳng định bản thân, nhưng một bộ phận còn lệch lạc, chưa biết cách để tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Học sinh tham gia làm đề thi này tỏ ra khá hào hứng và làm bài khá tốt. Đa số học sinh cũng làm đúng theo ý của người ra đề thi.
Trao đổi về đề thi này, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, cho biết Sở đã nắm được thông tin dư luận quanh đề thi này. Người cho rằng đề thi hay, trường cho là đề thi dở. Với góc độ quản lý, cần xác định cái gì mở, hợp lý thì nên ra đề thi cho học sinh. Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo đối với các đề bài kiểm tra trở lên, nên có đề thi mở để tạo tính thông minh, năng động của học trò.
Ông Trường cũng cho biết Sở đang yêu cầu trường báo cáo xung quanh quá trình ra đề thi này. Điều gì tốt thì phát huy, điều gì không tốt thì rút kinh nghiệm. Phải xem xét vấn đề ở góc độ thật hợp lý.