Những ngày qua, sau khi UBND TP HCM quyết định áp dụng Chỉ thị 10 về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19, dư luận băn khoăn về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT có diễn ra trong đợt 1 (vào ngày 7 và 8-7) hay dời lại như công bố về các đợt thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Ôn tập đến sát ngày thi
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), cho biết thời gian qua, nhà trường tổ chức ôn tập trực tuyến cho học sinh (HS) khối 12 đến sát ngày thi theo lịch của Bộ GD-ĐT. Giáo viên chủ nhiệm cũng duy trì liên lạc mỗi ngày, luôn dặn dò các em những thông tin cần thiết.
Theo ông Hải, những năm trước, thầy cô trong trường thường tổ chức... nấu chè đậu đỏ cho các em thêm tinh thần bước vào kỳ thi nhưng năm nay vì dịch bệnh, nhà trường sẽ tặng mỗi em một bìa sơ mi đựng giấy báo thi và các vật dụng được mang vào phòng thi. Nhà trường cũng sẽ dặn dò, động viên tinh thần các em bước vào kỳ thi với tâm trạng thoải mái, an tâm.
Ôn tập trực tuyến đến sát ngày thi là cách mà nhiều trường THPT tại TP HCM tổ chức để củng cố kiến thức cho HS trước kỳ thi quan trọng. Theo ông Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú), nhà trường vẫn tổ chức ôn tập trực tuyến cho HS khối 12 theo thời khóa biểu hằng ngày. Lịch thi phụ thuộc vào quyết định của lãnh đạo các cấp nhưng nếu trong trường hợp lịch thi dời lại thì nhà trường sẽ tiếp tục ôn tập cho HS đến sát ngày thi của đợt sau.
Còn theo hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, nhà trường cố gắng duy trì ôn tập trực tuyến, có biện pháp động viên HS vượt qua khó khăn. "Đa phần HS có nguyện vọng muốn thi trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, không cần vội vàng theo kiểu thi cho xong" - vị hiệu trưởng nói.
Trình phương án phù hợp thực tế
Theo tìm hiểu của phóng viên, căn cứ vào diễn biến của dịch Covid-19 tại TP HCM, dự kiến Sở GD-ĐT TP HCM với sự tham mưu của Sở Y tế TP sẽ trình UBND TP phương án thi tốt nghiệp trước ngày thi đợt 1 là 10 ngày. Khoảng thời gian này vẫn bảo đảm hội đồng sao in đề thực hiện các công việc theo quy trình tổ chức kỳ thi. "Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và sẽ trình UBND TP HCM phương án thi tốt nghiệp THPT phù hợp với tình hình thực tế của TP" - ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, nhấn mạnh.
Hiện nay, Sở GD-ĐT TP HCM đang phối hợp với ngành y tế rà soát thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 để tham mưu với UBND lên phương án thi tốt nghiệp THPT; thực hiện xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên làm công tác thi và xét nghiệm cho tất cả cán bộ được cách ly làm nhiệm vụ thi.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và tuyển sinh lớp 10 ở TP HCM, tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, chuyên viên phụ trách y tế học đường có trách nhiệm thường xuyên cập nhật hằng ngày, ngay khi có sự thay đổi số lượng các F0, F1, F2 và người trong khu phong tỏa. Trong đó, bổ sung chi tiết số lượng HS lớp 9 và 12 để báo cáo trực tuyến mỗi ngày.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP HCM, năm nay TP có 88.774 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 3.249 thí sinh tự do. TP HCM dự kiến có 160 điểm thi và 3.868 phòng thi. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi là 15.000 người. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia chấm thi chính thức gồm làm phách, lên điểm, chấm thi trắc nghiệm, tự luận... là 3.000 người. Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT TP đã hoàn tất việc rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức kỳ thi, đặc biệt chú ý các điều kiện phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự... Sở cũng đã hoàn thành tổ chức tập huấn, triển khai kỹ lưỡng việc thực hiện hệ thống phần mềm dùng chung của Bộ GD-ĐT.
Ưu tiên tiêm vắc-xin cho cán bộ, giáo viên phục vụ thi
Dự kiến trong tuần này, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế TP lập danh sách đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiêm vắc-xin Covid-19. Trong đó, đội ngũ giáo viên phục vụ các kỳ thi (kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT) được ưu tiên tiêm trước.
Trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn TP, đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19 do Sở GD-ĐT xác lập là cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường từ mầm non đến phổ thông; trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc, kể cả các trường ngoài công lập.