Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Thủ Đức, cho biết theo phương án mà phòng tham mưu với UBND TP Thủ Đức, những học sinh (HS) đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ trở lại trường học từ ngày 3/1/2022. Cụ thể, HS các khối 7, 8, 10, 11 sẽ đến trường bên cạnh khối lớp 9 và 12 đang học trực tiếp.
Chỉ học một buổi
Ông Nguyên cho hay các cơ sở giáo dục cũng sẽ tổ chức dạy học tùy theo cấp độ dịch như quy định của UBND TP HCM. Riêng bậc tiểu học và mầm non, sau Tết Nguyên đán, tùy tình hình cụ thể, phòng sẽ có tham mưu sau.
Tại quận 6, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD&ĐT quận, thông tin phòng cũng đề xuất cho HS các khối 7, 8, 10, 11 và những HS lớp 6 đã được tiêm vắc-xin trở lại trường. "Khi quay trở lại trường học tập trực tiếp, HS chỉ học 1 buổi/ngày để bảo đảm sử dụng 50% công suất. Qua khảo sát sơ bộ, tỉ lệ phụ huynh đồng ý cho HS khối 7, 8 trở lại trường khá cao. Vừa qua, tỉ lệ phụ huynh khối 9 đồng ý cho con trở lại trường vào khoảng 96%" - ông Uyên nói.
Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, quận đề xuất cho HS từ khối 7 đi học trở lại. Riêng khối 6, HS chưa tiêm vắc-xin có thể tiếp tục học trực tuyến...
Lãnh đạo các phòng GD&ĐT cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề sĩ số HS đông nếu thành phố mở dần dạy học trực tiếp. Theo lãnh đạo một phòng GD&ĐT, nếu dạy học trực tiếp từ khối 7 thì hầu hết các trường phải chia tách lớp để bảo đảm yêu cầu giãn cách, như vậy số phòng học sẽ không đủ để chia.
Ông Trần Trọng Khiêm cho biết hiện nay, mỗi trường chỉ có 1 khối đi học trực tiếp nên đội ngũ giáo viên tham gia nhiều, nếu xảy ra tình huống phát sinh thì sẽ có động lực lượng tham gia hỗ trợ, bao gồm cả y tế địa phương. Khi thêm nhiều khối cùng học, lực lượng chia nhỏ ra thì sẽ vất vả hơn. Trong khi đó, phương án mà nhiều quận, huyện đưa ra khi mở rộng dạy học trực tiếp là bố trí dạy học theo ngày chẵn - lẻ.
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết các cơ sở giáo dục sẽ sắp xếp, chia đôi số HS, một nửa đi học vào ngày chẵn và nửa còn lại đi học ngày lẻ. Các trường dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú để tránh tình trạng HS phải đi về giữa trưa, ảnh hưởng đến thời gian và kế hoạch đưa đón của phụ huynh.
Băn khoăn khối mầm non, tiểu học
Ở khối mầm non và tiểu học, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể khi nào đi học lại. Khi khảo sát ý kiến phụ huynh, tỉ lệ đồng thuận cho HS quay trở lại trường còn thấp.
Lý do lớn nhất, theo người phụ trách khối mầm non một phòng GD&ĐT, là phụ huynh chưa an tâm vì độ tuổi trẻ còn nhỏ. Còn ở khối tiểu học, qua khảo sát ý kiến phụ huynh ở một số cơ sở giáo dục, tỉ lệ đồng thuận cũng khá thấp. Theo bà Hoàng Thụy Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), khảo sát ý kiến phụ huynh toàn trường cho thấy chỉ 39% đồng ý cho con quay trở lại học tập trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên, hiệu trưởng nhiều trường mầm non cho hay dù đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để đón trẻ nhưng vẫn phải chờ quyết định của thành phố. Theo bà Huỳnh Lê Diễm Kiều, Hiệu trưởng Trường Mầm non 3 (quận 4), vừa qua, khi trường khảo sát ý kiến phụ huynh, hơn 90% mong muốn trường mở cửa vào tháng 1-2022.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7 cho biết khi khảo sát ý kiến phụ huynh, tỉ lệ đồng thuận khác nhau ở từng lớp, từng khối lớp. Chẳng hạn, có những lớp tỉ lệ đồng thuận rất cao, 30/35 phụ huynh HS nhưng cả khối lớp lại thấp.
Hiệu trưởng này băn khoăn: "Phụ huynh có tâm lý thăm dò và cũng theo phong trào. Nếu trong lớp có phụ huynh đồng ý thì họ đồng ý theo. Phụ huynh cũng sẽ theo dõi các khối HS lớp lớn, nếu đi học an toàn thì mới yên tâm cho con trở lại trường. Vì vậy, trường đã đề xuất các kịch bản dạy học phù hợp. Chẳng hạn, nếu một khối lớp có khoảng 50% phụ huynh đồng ý thì có thể dạy học trực tiếp".