Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết ngành y tế đang khẩn trương đánh giá lại công tác phòng chống dịch thời gian qua, từ đó có giải pháp để bước vào giai đoạn chống dịch mới.
Khẳng định giai đoạn sắp tới ngoài việc tiếp tục duy trì các trạng thái sẵn sàng hoạt động của Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, Sở Y tế TP.HCM giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) phối hợp với Bộ Tư lệnh TP khảo sát, tham mưu việc thêm các cơ sở có thể triển khai cách ly tập trung và kế hoạch bố trí nhân sự tại từng khu cách ly.
Các khu cách ly này sẽ thay thế cho khu cách ly tại ở các ký túc xá (KTX) được trả lại cho các trường đại học. Với sự chuẩn bị này, TP.HCM tiếp tục sẵn sàng cách ly y tế số lượng lớn người nhập cảnh, người tiếp xúc với ca bệnh, người có nguy cơ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau hơn một tháng hoạt động đến thời điểm này KTX ĐH Quốc gia TP.HCM đã hoàn thành “sứ mệnh” tiếp nhận người đến cách ly. Khác với những hình ảnh đông đúc trước đó, giờ đây KTX khu A ĐH Quốc gia đã dần vắng vẻ, chỉ còn lại lực lượng quân đội đang dọn dẹp vệ sinh phòng ở trả lại khung cảnh bình yên vốn có cho nơi này.
Ông Lê Văn Phương - phó giám đốc điều hành khu cách ly tập trung KTX ĐH Quốc gia - cho biết đến sáng 21-4 trường hợp cuối cùng hết thời hạn cách ly và đã rời khỏi khu cách ly. Tuy vậy, khu cách ly vẫn chưa được lệnh kết thúc, những ngày này lực lượng quân đội đang dọn dẹp, khử khuẩn và lau chùi sạch sẽ tất cả các phòng ở và khóa cửa cẩn thận.
“Hết cách ly nhưng đội ngũ y bác sĩ và ban điều hành với hơn 200 người vẫn đang ở lại đây để tự cách ly và nghỉ ngơi, hơn 400 người của quân đội vẫn túc trực thường xuyên. Mỗi tòa nhà vẫn bố trí thêm 2-3 người để trông coi và dọn dẹp” - ông Phương nói.
Hơn một tháng hoạt động (từ 19-3), KTX ĐH Quốc gia tiếp nhận gần 7.000 người cách ly tập trung. Hiện toàn thành phố chỉ còn lại là 36 người cách ly tập trung.