Trong Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 của bậc học mầm non TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM - ông Lê Hoài Nam đánh giá trong năm học 2021-2022 này, mầm non là bậc học chịu thiệt thòi nhất do khó triển khai các giải pháp dạy và học.
Cũng theo ông Nam, Sở GD&ĐT đã xây dựng các tiêu chí, giải pháp, phương án an toàn phòng chống dịch nhưng chưa xác định ngày cho trẻ trở lại trường.
Nếu dịch tiếp tục phức tạp, các trường sẽ triển khai giải pháp dạy học gián tiếp như gửi clip, phối hợp với phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nhà trường phải nghiên cứu các giải pháp mang tính lâu dài, chú trọng giáo dục đặc biệt cho trẻ 5 tuổi.
Lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các trường rà soát bộ tiêu chí an toàn trường học, chủ động khi được phép hoạt động trở lại.
Năm nay, TP.HCM có hơn 1.360 trường mầm non, trong đó khối công lập có 472 trường. Ngoài ra, thành phố có hơn 1.800 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Tổng số trẻ bậc học này là hơn 355.000.
Dự kiến, TP.HCM cho mở cửa trường học từ ngày 10/12 tại địa phương có dịch cấp độ 1 và 2. Địa bàn có dịch cấp độ 3 sẽ dạy học trực tiếp kết hợp gián tiếp. Địa bàn có dịch cấp độ 4 vẫn học trực tuyến.
Theo kế hoạch này, thời gian đầu các trường mầm non chỉ nhận giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các lớp được chia đôi số lượng học sinh và bố trí lệch buổi.
Địa phương phân công các trường mầm non công lập tiếp nhận trẻ khi trường ngoài công lập ngừng hoạt động. Giáo viên, nhân viên phải tiêm đủ hai mũi vaccine ít nhất 14 ngày trước khi đón trẻ.
Sau mỗi tuần, phòng GD&ĐT đánh giá lại độ an toàn, các điều kiện để tham mưu UBND quận/huyện/thành phố điều chỉnh nới rộng các điều kiện như cho tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp.