Mỹ vẫn là quốc gia xuất sắc dẫn đầu với 44 trường lọt vào bảng xếp hạng, Đông Nam Á có 2 đại diện góp mặt trong danh sách.
Năm nay, Đại học Harvard vẫn giữ vững vị trí quán quân trong bảng xếp hạng giáo dục đại học uy tín hàng đầu thế giới - Times Higher Education (THE). Như vậy, đây là năm thứ 8 ngôi trường vang danh thế giới tiếp tục khẳng định thương hiệu dẫn đầu của mình.
Raphaelle Soffe, sinh viên năm nhất Đại học Harvard khẳng định vị trí của Harvard trong bảng xếp hạng THE đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cô lựa chọn trường.
“Vị trí quán quân của Harvard ở bảng xếp hạng giúp tôi có cái nhìn tổng quan về các cơ sở giáo dục, nghiên cứu hàng đầu thế giới”, Soffe nói.
Cũng theo BXH này, Viện công nghệ Massachusetts xếp thứ 2, ĐH Stanford xếp thứ 3. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về: ĐH California, Berkeley (6), ĐH Princeton (7), ĐH Yale (8), ĐH California, Los Angeles (9) và ĐH Chicago (9).
Vương quốc Anh có 2 trường lọt vào vị trí số 4 và số 5 là ĐH Cambridge và ĐH Oxford.
ĐH Tokyo (Nhật Bản) là đại diện đến từ châu Á chiếm vị trí cao nhất trong top 100 đại học danh tiếng thế giới 2018. Theo sau là ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc, xếp ở vị trí 14.
Ở Đông Nam Á, chỉ có Singapore lọt vào bảng xếp hạng với ĐH Quốc gia Singapore chiếm vị trí 24, và ĐH Công nghệ Nanyang được xếp trong nhóm vị trí từ 51-60.
Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới do Tạp chí Times Higher Education công bố hàng năm, dựa trên những chuẩn mực nghiêm ngặt với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe để đánh giá các sứ mệnh của các trường đại học trên toàn thế giới.
Các tiêu chí đó bao gồm giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế. Kết quả của bảng xếp hạng nhận được sự tin tưởng của học sinh, sinh viên, phụ huynh, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng như lãnh đạo các trường và chính phủ các nước.
Bảng xếp hạng áp dụng 13 chỉ số đánh giá được định chuẩn kĩ lưỡng, đưa ra những so sánh toàn diện và cân đối nhất. Các chỉ số này được phân thành 5 nhóm:
- Giảng dạy (môi trường học tập)
- Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng)
- Trích dẫn (ảnh hưởng nghiên cứu)
- Triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên, nghiên cứu)
- Đầu vào ngành (chuyển giao kiến thức)