Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu

Người Lao Động Theo dõi Saostar trên google news

Sáng 14/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cùng dự cuộc gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 60 cán bộ, nhà giáo tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2021 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng các nhà giáo đến dự cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa nhân Ngày 20/11 - Ảnh: VGP

Được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thời gian qua đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu Ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. ảnh: Dung Bùi

"Các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay chính là những đại diện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước. Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Đó cũng là các giảng viên có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu Ảnh 3
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành giáo dục

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, được gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ là niềm vinh dự lớn của các thầy cô. Nhân dịp này, Bộ GD&ĐT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đúng theo tinh thần ‘Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam’.

Tại cuộc gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ suy nghĩ, nêu những giải pháp, kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp trồng người.

Phát biểu tại buổi gặp gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những thành tích và nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của đội ngũ nhà giáo trên cả nước. Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu Ảnh 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những thành tích và nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của đội ngũ nhà giáo trên cả nước - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu, giao Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục. Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vắc-xin.

Thứ hai, đối với giáo viên, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. "Một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm hơn nữa là sự tôn vinh với các thầy cô giáo bằng nhiều hình thức sâu sắc, rộng rãi hơn để toàn xã hội nhận thức hơn nữa vai trò, vị trí của ngành giáo dục và người giáo viên nhân dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, đối với các học sinh. Thủ tướng cho biết Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các học sinh, nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vẫn có một số nơi chưa làm. 

"Về việc này, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập. Tôi đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do Covid-19, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi" - Thủ tướng chỉ đạo.

Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" hiệu quả hơn.

* Trong khuôn khổ những sự kiện lớn hướng đến kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11, cũng trong sáng 14/11, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, báo Giáo dục và Thời đại tổ chức Lễ Tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu trong toàn ngành năm 2021 với sự góp mặt của 7 Nhà giáo nhân dân, 72 Nhà giáo ưu tú và 191 Nhà giáo tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Đó là những tấm gương tiêu biểu nhất từ các trường phổ thông có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; là các giảng viên thực sự gương mẫu đi đầu trong việc kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cập nhật kiến thức tiên tiến, hiện đại, với những công trình nghiên cứu khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội.

Tối 14/11, các nhà giáo tiêu biểu dự chương trình truyền hình trực tiếp "Thay lời tri ân 2021 - Gieo mầm" trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Người Lao Động

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất