Nỗ lực vượt COVID-19
- Thưa Thứ trưởng, năm học 2021 - 2022 vừa qua có nhiều khó khăn, thách thức với ngành giáo dục, do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ông nhìn nhận thế nào về những việc mà ngành đã làm được?
Năm học 2021 - 2022 có nhiều khó khăn với ngành giáo dục. Đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh theo hướng tập trung dạy học nội dung cốt lõi của chương trình. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành nỗ lực vượt khó khăn, linh hoạt, thích ứng, chuyển trạng thái hoạt động từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, qua đó hoàn thành mục tiêu kép. Đó là vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Đây cũng là năm học thứ hai ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh nhiều thách thức do dịch bệnh.
Trong năm học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6; đặc biệt đối với các môn học/hoạt động giáo dục mới. Đồng thời, các trường tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với các lớp còn lại; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục.
Năm học 2021 - 2022 ghi nhận chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Đây là năm các đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olympic khu vực và thế giới được đánh giá đạt kết quả tốt nhất từ trước tới nay với 38/38 em tham gia dự thi đoạt giải (13 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng, 5 bằng khen).
Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế cả 4 thí sinh dự thi đều giành huy chương vàng, xếp thứ hai thế giới. Olympic Toán học quốc tế xếp thứ tư thế giới. Olympic Vật lý quốc tế xếp thứ năm thế giới. Đặc biệt, ở đội tuyển Olympic Toán học quốc tế, một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42. Đã 19 năm kể từ lần cuối cùng (năm 2003), Việt Nam mới có học sinh giành điểm tối đa.
Thành tích xuất sắc của các đội tuyển khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; đồng thời, khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông, ngay cả trong 3 năm học chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.
Kết quả năm học 2021 - 2022 còn được thể hiện qua việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công, nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,57%. Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến cho thí sinh đang học lớp 12. Việc đăng ký dự thi của thí sinh theo hình thức trực tuyến diễn ra thuận lợi, chính xác, được Thủ tướng đánh giá là thiết thực và tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí cho người dân.
- Năm học mới 2022 - 2023, nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là triển khai những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp 3, 7, 10. Một số giáo viên được giao kiêm nhiệm dạy 2 - 3 môn/phần nội dung kiến thức. Bộ GD&ĐT có định hướng gì cho các địa phương để sớm giải quyết bài toán thiếu giáo viên?
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.
Ngày 18/7/2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Ngay sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, đề nghị các địa phương tập trung những giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu…
Đồng thời, Bộ tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp, môn học đến năm 2026, báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW, nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp linh hoạt như bố trí giáo viên dạy liên trường; bố trí linh hoạt giáo viên các môn học đặc thù giữa các cấp học; hợp đồng với trung tâm đào tạo ngoài nhà trường… Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, trước mắt. Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.
Đội ngũ giáo viên là lực lượng quyết định thành công của đổi mới giáo dục, trong giai đoạn đang tiến hành đổi mới giáo dục phổ thông như hiện nay rất cần sự quan tâm từ địa phương để đảm bảo đội ngũ đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Thành công của đổi mới giáo dục phổ thông cũng là nền tảng để địa phương có được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho mục tiêu lâu dài phát triển kinh tế - xã hội.
Đổi mới, nâng cao chất lượng
- Xin Thứ trưởng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm, cũng như khẩu hiện của ngành trong năm học mới 2022 - 2023?
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị năm học 2022 - 2023, trong đó xác định chủ đề năm học là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Năm học 2022 - 2023, toàn ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo trong năm học này, bao gồm triển khai dạy học theo chương trình mới đối với lớp 3, 7, 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc, tài liệu giáo dục địa phương và chuẩn bị biên soạn sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Qua 2 năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, 2, 6, các địa phương, cơ sở giáo dục đều đã có kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, nhất là với những địa bàn vùng sâu, xa, khó khăn. Điều này cho thấy, để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, còn rất cần sự tập trung đầu tư, quan tâm nhiều hơn nữa từ các địa phương trong năm học này và những năm tiếp theo của quá trình đổi mới.
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm học 2022 - 2023, khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, ngành giáo dục tiếp tục dành sự ưu tiên, tập trung cho việc bù đắp, củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn khó lường, ngoài ra còn tiềm ẩn các nguy cơ khách quan khác về dịch bệnh, thiên tai. Ngành giáo dục tiếp tục chủ động, linh hoạt trong ứng phó để đảm bảo hoàn thành năm học với chất lượng cao nhất.
- Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD&ĐT có định hướng, kế hoạch tổ chức như thế nào, có sự thay đổi, cải tiến không, thưa Thứ trưởng?
Năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT được chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các Bộ ngành, địa phương và đồng thuận của xã hội, đã diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Trên cơ sở kết quả của năm 2022, Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022 và xây dựng phương án tổ chức kỳ thi cho năm học 2024-2025 theo hướng đảm bảo phù hợp lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, báo cáo xin ý kiến Chính phủ.
- Nhân dịp năm học mới, Thứ trưởng muốn gửi gắm điều gì tới đội ngũ giáo viên và học sinh?
Năm học 2021 - 2022 có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng trong khó khăn ấy, ngành mới thấy hết sự sáng tạo, linh hoạt nỗ lực vượt khó, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh mới của đội ngũ thầy cô giáo, các em học sinh, hoàn thành mục tiêu kép vừa kết thúc năm học theo kế hoạch, vừa đảm bảo mục tiêu chất lượng giáo dục.
Năm học mới đã tới, được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, lại là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 3, 7, 10. Tôi mong thầy, cô giáo vì trách nhiệm cao với sự nghiệp trồng người, tình yêu thương với học trò, tiếp tục nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để cùng toàn ngành thực hiện thành công những mục tiêu đặt ra cho năm học.
Tôi mong muốn các em học sinh nỗ lực phấn đấu vươn lên, tìm thấy niềm vui trong học tập, trong từng ngày đến trường, luôn biết trân trọng sự nỗ lực của thầy cô để cố gắng học tập đạt kết quả tốt.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Xem thêm: Kỳ thi THPT Quốc gia 2022 và những câu chuyện dở khóc dở cười |