Trò chuyện với Thủ khoa hôm nay sẽ giới thiệu đến các sĩ tử những chia sẻ hữu ích về phương pháp học tập tốt các bộ môn khối C của Hồ Thị Trúc Giao (SN 1999) - thủ khoa đầu vào khối C năm 2017 trường Đại học Luật - Đại học Huế với tổng điểm 28,75.
Theo chia sẻ của Trúc Giao, đối với 3 môn khối C muốn học tốt thì học phần nào phải nắm vững kiến thức phần đó, không nên học qua loa từng phần để tránh mất kiến thức cũng như thời gian. 'Kiến thức học ở sách giáo khoa chỉ là phần lý thuyết, còn ở đề thi thì không phải hoàn toàn 100% lý thuyết có sẵn trong sách mà rất nhiều câu vận dụng, cần sự phân tích và khả năng tư duy cao. Để có thể vận dụng lý thuyết vào đề thi tốt thì đòi hỏi phải thường xuyên giải đề thi thử, làm nhiều câu trắc nghiệm từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau để tạo cho mình khả năng tư duy, sự nhạy bén khi cần phân tích và giải quyết vấn đề' - cô bạn thủ khoa chia sẻ.
Đối với từng môn học, Trúc Giao cũng bật mí những phương pháp và cách học riêng phù hợp với từng môn.
Về môn Văn, điều thiết yếu đó là phải thường xuyên tìm và làm các đề thi thử để rèn luyện kỹ năng viết bài, cách phân bố thời gian hợp lý để mình chủ động hơn trong việc học.
'Ở phần đọc hiểu thì phải học và nắm chắc lý thuyết, đồng thời làm nhiều đề để quen với cách làm và các dạng bài khác nhau. Với các tác phẩm văn học khi học ở lớp xong thì về nhà nên đọc và phân tích kỹ lại nội dung của bài. Với phần nghị luận xã hội cần đọc nhiều để có nhiều kiến thức về đời sống xã hội, cách nhìn nhận các vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau, tạo cho mình những quan điểm, lối tư duy riêng trong suy nghĩ' - Trúc Giao nói.
Với môn Lịch sử - bộ môn mà Trúc Giao đạt được 9,5 điểm trong kỳ thi năm ngoái, cô bạn khuyên các sĩ tử rằng, khi học cần phải hệ thống lại kiến thức, xâu chuỗi các sự kiện lịch sử xuyên suốt và thống nhất với nhau theo trình tự thời gian, không gian.
Để dễ nhớ được các mốc thời gian và sự kiện lịch sử, Trúc Giao thường đặt các câu hỏi kiểu như: sự kiện lịch sử đó có thời gian giống hay gần giống với các sự kiện, các mốc thời gian quan trọng là sinh nhật, ngày kỷ niệm… của bản thân, gia đình hay bạn bè không? Có liên quan đến các ngày lễ lớn trong năm không?
Việc gắn các mốc thời gian và sự kiện lịch sử với các mốc thời gian quan trọng là sinh nhật, ngày kỷ niệm… của bản thân, gia đình hay bạn bè là cách giúp Trúc Giao đạt được 9,5 điểm môn Lịch sử
Ở môn Địa lý thì kỹ năng khai thác Atlat là điều rất quan trọng, nó có thể giúp giải quyết được rất nhiều câu hỏi trong đề thi chứ không chỉ đơn thuần là các câu đề bài yêu cầu sử dụng Atlat. Khi học lý thuyết thì phải kết hợp xem và đối chiếu với bản đồ trong Atlat mới có thể hiểu và nhớ được. Phải tìm hiểu và rèn luyện các kỹ năng xử lý số liệu, vẽ và nhận xét biểu đồ…
Trúc Giao cũng cho biết thêm, ngoài việc áp dụng các phương pháp và cách học trên thì việc trao đổi những vấn đề thắc mắc với giáo viên về nội dung bài học hay về cách tìm các nguồn tài liệu bổ ích cũng là một yếu tố quan trọng để cải thiện kiến thức cho bản thân. Ngoài ra, cô bạn cũng khuyên các sĩ tử nên phân bố thời gian ôn thi và nghỉ ngơi hợp lý, khi còn khoảng 10 ngày nữa đến kỳ thi thì không học thêm kiến thức mới mà chỉ nghỉ ngơi, thư giản và ôn lại kiến thức cũ.
Lời khuyên mà cô nàng thủ khoa này muốn nhắn gửi đến các bạn sĩ tử năm nay đó là: 'May mắn là một yếu tố cần trong mọi hoàn cảnh nhưng nó không phải là yếu tố quyết định đến kết quả của mọi vấn đề, đặc biệt trong việc học tập và thi cử. Nên các bạn hãy học và ôn tập thật tốt để thật sự tự tin về kiến thức mình đã có cho kỳ thi. Ngoài ra, các bạn hãy cố gắng để tinh thần thật sự thỏa mái trước và trong kỳ thi bởi tâm lý ổn định sẽ hỗ trợ rất nhiều để làm bài thi một cách tốt nhất'.
Cô bạn thủ khoa cũng không quên gửi lời chúc đến các bạn sĩ tử năm nay sẽ thật sự tự tin để hoàn thành tốt mục tiêu mà mình đã đặt ra. 'Hãy tin rằng mọi nỗ lực sẽ được đền bù xứng đáng' - Trúc Giao khẳng định.