Liên quan đến vụ việc thầy Dương Khắc Nghệ - Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh ra câu hỏi ôn tập môn Sinh giống đề chính thức thi tốt nghiệp THPT 2021, đại diện truyền thông của Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã nắm được vấn đề thông qua mạng xã hội. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh sự việc.
Thông tin bên lề do Bộ GD&ĐT cung cấp, Thầy Phan Khắc Nghệ năm nay không có trong Ban ra đề thi, thông tin trên báo Tiền Phong.
Như thông tin đã đưa, trên mạng xã hội, thầy giáo có tên Đ.Đ.H bày tỏ sự băn khoăn, thầy H. cho rằng, các đề tổng ôn kiến thức này với đề thi thật có sự tương đồng đến 80% (32/40 câu có nội dung tương tự nhau).
Thầy Đ.H viết: "Nếu đây là sự đoán trước đề của một giáo viên thì thực sự là chuyện vô cùng lạ ở Việt Nam. Vì bên cạnh các nội dung dạng chữ, còn có nhiều hình vẽ không có trong sách giáo khoa hay bất kì đề nào trước đó. Đặc biệt, một số câu có sự trùng lặp từng câu chữ một cách chính xác, nguyên vẹn như trong đề thi. Liệu rằng đây có thể là do sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nhưng nếu đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên và có một lí do khác thì quả thực tôi không dám nghĩ tới, vì nó sẽ là một vấn đề quá sức của cá nhân tôi.
Với một tỉ lệ 'đoán đề' cao như vậy, những học sinh ở mức 6-7 có thể dễ dàng nâng lên được điểm 9-10 chỉ trong vòng một vài ngày. Điều này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến điểm chuẩn của khối ngành Y Dược. Học sinh thi môn Sinh phần lớn có mục tiêu vào các trường Y dược, điểm chuẩn vô cùng cao, chỉ tiêu rất ít, bản thân mỗi học sinh phải trải qua học tập khổ cực 3 năm liền mới đạt được, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của cha mẹ và các em trong từng trang vở. Đó chính là hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ, là khát khao mang trong tôi chiếc áo blouse trắng, trở thành những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm bảo vệ Nhân dân và Tổ quốc'".
Tôi vẫn hy vọng rằng, sự trùng hợp quá lớn này chỉ là một sự ngẫu nhiên để tính công tâm của một kì thi được đảm bảo. Với post này, tôi mong được sự chia sẻ và góp ý về chuyên môn của các giáo viên Sinh học trong cả nước, các chuyên gia giáo dục, báo chí, để xem xét lại khả năng liệu đây có thể là một sự trùng lặp ngẫu nhiên? Liệu có cần thành lập 1 hội đồng thẩm định sự trùng hợp này hay không? Chúng ta có quyền đòi lại công bằng cho hàng triệu học sinh đã dày công khổ luyện trong nhiều năm để đạt được những thành tích xuất sắc! Là giáo viên, chúng ta không bao giờ được phép dập tắt những ước mơ mãnh liệt, những nỗ lực tột cùng của học sinh chỉ vì những điều không nên có.
Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nói gì?
Trước nhiều nghi vấn mà thầy Đ.Đ.H cũng như các cư dân mạng đặt ra, tối ngày 13/7, thầy giáo Phan Khắc Nghệ (Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) đã chính thức có những chia sẻ cụ thể trên trang cá nhân.
Nguyên văn dòng chia sẻ của thầy như sau:
"Các thầy cô đồng nghiệp và các em học sinh thân mến!
Mình yêu và đam mê Sinh học từ thời còn bé. Lúc còn là học sinh phổ thông, mình đã từng nhiều năm là HSG môn Toán, vậy nên việc mình đi học Sư phạm Sinh là điều gây bất ngờ với nhiều người. Ngay cả người thân của mình cũng đặt câu hỏi lớn là: nếu có đi Sư phạm thì phải là môn Toán, chứ sao lại chọn môn Sinh? Nhưng rồi, với sự đam mê Sinh học, trong suốt bao năm qua, từ khi còn là sinh viên cho đến khi trở thành giáo viên trên bục giảng, mình đã luôn trăn trở, nghiên cứu sâu, tìm tòi, viết ra nhiều sáng kiến đổi mới giảng dạy. Kết quả là liên tục tiến bộ về chuyên môn và đến nay đã xuất bản 48 ĐẦU SÁCH giá trị giúp giáo viên và học sinh trên toàn quốc nâng cao năng lực hiểu biết Sinh học.
Nhận thấy việc viết sách thì vẫn chưa đủ để giúp các em học sinh, mình quyết định tham gia dạy online, những mong học sinh ở mọi vùng miền có cơ hội tiếp thêm kiến thức, hiểu biết về Sinh học. Với mục đích đó, mình tiếp tục cháy hết mình cùng việc dạy học, ôn tập cho các em, có những giai đoạn thầy trò say sưa truyền thụ kiến thức, giảng và chữa bài đến 24 giờ mỗi đêm.
Trong quá trình ôn thi, với bao năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và ra đề thi, mình luôn bám sát hướng dẫn giảng dạy hàng năm của Bộ, đề tham khảo của Bộ, phủ kín kiến thức kỹ năng giới hạn và cày kĩ phần ôn tập để học sinh đạt điểm dưới 7, sau đó mới mở rộng và nâng cao những câu hỏi phân loại để các em chinh phục điểm 10.
Những buổi ôn tập cuối cùng luôn là buổi học mà giáo viên dành hết công lực để bao vây kiến thức, loại trừ và cô đọng trọng tâm nhất nhằm mong sao trúng càng nhiều nội dung càng tốt, học sinh điểm càng cao càng tốt. Chính vì vậy, năm nào mình cũng đưa ra các đề chống liệt để giúp học sinh trên cả nước vượt qua điểm 5 của môn Sinh học. Và năm nay cũng vậy, mình đưa ra 6 đề chống liệt, live FREE trên trang cá nhân, đăng lên YOUTUBE. Tối hôm qua, thầy Đ.Đ.H có viết bài nêu vấn đề băn khoăn việc đề tổng ôn cuối cùng của thầy Nghệ có tới gần 80% nội dung trùng đề thi chính thức của Bộ.
Xin khẳng định, có một số câu trúng y nguyên (đây là những câu được ghi rõ trong SGK, ở mức nhận biết kiến thức), một số câu thì có nội hàm tương tự nhau; một số câu thì khi thầy Nghệ giảng bài và mở rộng kiến thức thì nội dung thầy Nghệ mở rộng bao phủ phần kiến thức đó nó có phần gần gần giống với nội dung kiến thức mà câu hỏi đặt ra trong đề thi (Xin thưa: đề thi cũng phát triển từ nội dung SGK, thầy Nghệ giảng bài cũng phát triển kiến thức sách giáo khoa, hai nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau).
Thầy H. có băn khoăn 3 hình vẽ sao mà giống nhau thế. Xin thưa, hình vẽ về thực hành hô hấp của thực vật thì đó là hình của SGK, thầy cô nào cũng dạy và đề thi liên tục có 1 câu thực hành, mà năm 2020 đã thi về thực hành động vật thì năm 2021 đương nhiên sẽ suy ra khả năng cao là thi về thực hành thực vật (thực hành thực vật, có duy nhất 2 bài trong SGK, trong đó 1 bài đã thi, vậy năm nay đương nhiên thi bài còn lại (hình này) là chắc rồi).
Về hình ảnh của các đảo ở câu tiến hóa, thì tôi tham khảo từ đề thi thử của tỉnh Nghệ An (tỉnh Nghệ An luôn có đề thi chất lượng, nên thầy Nghệ luôn nghiên cứu kĩ những câu hỏi mới mẻ để phát triển và dự đoán đề). Về hình vẽ mô tả diễn thế sinh thái thì đề của thầy Nghệ không hề có. Khi giảng bài và phân tích câu hỏi của kiến thức về diễn thế sinh thái, thì thầy Nghệ đưa ra các tình huống vận dụng mà đề thi có thể hỏi, trong đó hình vẽ đồ thị là một kiểu vận dụng, và hình mô phỏng khi thầy Nghệ giảng bài nó gần giống y nguyên hình mà đề thi ra (Đây chính là cùng logic tư duy phát triển một khái niệm có trong SGK).
Toàn bộ nội dung mà thầy giáo Đ.Đ.H băn khoăn đều là nội dung kiến thức ở mức cơ bản (có các câu hình vẽ là ở mức vận dụng thấp nhưng nguồn tham khảo rất rõ ràng). Cần nói rõ thêm rằng, nội dung kiến thức trong 2 buổi cô đọng kiến thức mà thầy Đ.Đ.H băn khoăn đều là nội dung được cô đọng từ 6 đề chống liệt mà thầy Nghệ đã gửi cho học sinh trên cả nước và đã live chữa để các em chống liệt môn Sinh.
Liên tục từ khi tham gia luyện thi đến nay, khi các em rời khỏi phòng thi thì năm nào học sinh của thầy Nghệ cũng làm tốt bài thi. Bí kíp nằm ở sự tận tâm và liên tục nghiên cứu sâu hướng dẫn giảng dạy, đề tham khảo của Bộ và cô đọng, loại trừ những kiến thức đã thi trong 2 năm trước đó.
Với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm luyện thi, cùng sự đam mê và tâm huyết của mình, thầy Nghệ nhất định sẽ tiếp tục hướng dẫn ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất. và luôn mong ôn tập trúng đề. Ở mùa thi năm 2022 sắp tới, học sinh tiếp tục tri ân và lại tung hô như những năm qua, thì cũng xin các bạn đừng đố kị với mình nữa nhé!
Cảm ơn quý thầy cô và các thế hệ học sinh đã luôn cùng đồng hành với thầy Nghệ qua các bài giảng và sách tham khảo."