Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra để lấy ý kiến. Theo đó, những nội dung cơ bản đối với công tác chấm thi vẫn được Bộ GD&ĐT duy trì như phần mềm chấm thi, phòng chấm thi, lưu trữ bài thi đều có camera bật 24/24. Theo dự thảo, khâu coi thi năm nay không còn sự tham gia của các trường ĐH với tỷ lệ 50%-50% tại các phòng thi.
Thay vào đó là giáo viên của địa phương, chỉ đổi chéo giữa các trường trong cùng một tỉnh. Theo vị chuyên gia, đứng ở góc độ quyền lợi của địa phương, quy định về coi thi của Bộ có cũng như không, vì địa phương có xu hướng thích thành tích, thích đem lại cái lợi cho con em mình.
Trong khi đó, GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, vấn đề tiêu cực thi cử xảy ra không phải nằm ở việc trường ĐH có tham gia vào quá trình coi thi, chấm thi hay không, mà nằm ở chế tài xử lý chưa nghiêm nên một số người vì lợi ích mà bất chấp tất cả. Chế tài xử lý thật nghiêm sẽ hạn chế được tình trạng tiêu cực thi cử.
Dưới góc độ một chuyên gia giáo dục độc lập, bà Đỗ Thị Ngọc Quyên cho rằng, thi tốt nghiệp nằm trong phạm vi quản lý của Sở GD&ĐT, nên Sở phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức làm là chuẩn nhất; việc đưa các trường ĐH tham gia vào trước đây chỉ là giải pháp tình thế. Theo bà Quyên, kẽ hở để có thể thực hiện được tiêu cực thi cử nằm ở quy trình tổ chức, giám sát, thực thi, triển khai và chế tài xử lý.
Nếu năng lực thực thi quy chế, năng lực giám sát của Bộ GD&ĐT tốt thì sẽ giảm được nguy cơ. Tương tự, quy trình chặt chẽ sẽ giảm được nguy cơ. Theo bà, tiêu cực 2018 chủ yếu do 2 vấn đề: thực hiện giám sát (ở đây chính là đội ngũ thanh tra) yếu kém; quy trình áp dụng công nghệ thông tin vào chấm, lưu, chuyển và bảo mật bài thi có nhiều lỗ hổng.
Đứng ở góc độ trường ĐH sẽ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để xét tuyển, PGS.TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo – ĐH Kinh tế Quốc dân, tin rằng, kỳ thi sẽ nghiêm túc, không có khác biệt so với năm 2019. Theo ông Triệu, khi kỳ thi diễn ra, cả hệ thống chính trị vào cuộc; những tấm gương tày liếp về tiêu cực thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vẫn còn hiện hữu.
“Thói quen dây rớt từ thời Đồi Ngô (tiêu cực thi cử tại điểm thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang năm 2012 – PV) chắc sẽ hết trong năm nay. Giống như chống dịch Covid-19, cứ khoá chặt biên giới, bảo vệ cộng đồng là dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, kinh tế sẽ dần phục hồi”, ông nói.
Ông cho biết, ĐH Kinh tế Quốc dân cho thôi học 500-700 sinh viên. Đây là quá trình sàng lọc để siết chuẩn đầu ra. Nếu vào trường không đáp ứng được yêu cầu, sinh viên cũng sẽ bị loại.
Năm 2018, sau 3 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (không còn tách hai kỳ thi như trước mà chỉ còn 1 kỳ thi với 2 mục đích), tiêu cực thi cử xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Rút kinh nghiệm từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã siết chặt khâu chấm thi, như khắc phục kẽ hở phần mềm chấm thi, yêu cầu bật camera 24/24 tại phòng chấm thi và phòng bảo quản bài thi…