Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Thi THPT quốc gia trên máy tính - cần thí điểm theo lộ trình

Đề xuất của Bộ GD-ĐT về phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020 bằng cách cho thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính đã khiến nhiều nhà giáo dục lo lắng, quan tâm.

Sẽ áp dụng đồng thời giữa thi trên giấy và tiến tới thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi

Thí sinh được lợi khi thi nhiều lần

Phương án đổi mới thi THPT quốc gia sau năm 2020 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, trong đó điểm được nhiều người quan tâm là việc sẽ áp dụng đồng thời giữa thi trên giấy như hiện nay và tiến tới thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Theo phương án này, đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại những địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GD-ĐT. Kết quả đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh nếu có nhu cầu.

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc tổ chức thi trên máy tính đã được thế giới nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ thông qua các tổ chức khảo thí độc lập như: ETs, ACT…. Đối với Việt Nam, thành công của mô hình thi đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội) và triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính. Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trước 1 năm. Cụ thể các nội dung này sẽ gồm: phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi… để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, giai đoạn ban đầu sẽ thi trên giấy và trên máy tính, nhưng từng bước sẽ tăng dần thi trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm không phải điều quá khó trong tổ chức thi trên máy tính. Tuy nhiên, hệ thống vận hành cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh các vấn đề có thể xảy ra.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cơ bản cũng đồng ý với lộ trình và hướng đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Nguyên Phó Chủ tịch nước ủng hộ việc đưa công nghệ vào kỳ thi này, tiến tới cho học sinh thi trên máy tính, nhưng phải chuẩn bị kỹ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Ngoài ra, với ngân hàng đề thi, bà Nguyễn Thị Doan lưu ý Bộ GD-ĐT phải huy động các chuyên gia, giáo viên, ngay cả học sinh vừa tốt nghiệp, học sinh giỏi trong các kỳ thi để phát triển ngân hàng đề thi.

Cần thí điểm trước, chưa nên áp dụng rộng rãi

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận định: “Mấy năm nay chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều nhưng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính thì phải tính đến yếu tố này và chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy”. Ông Dũng nhấn mạnh, việc thi trên máy tính cần được thí điểm ở một số thành phố lớn, đủ điều kiện trước chứ không nên vội vàng áp dụng trên cả nước bởi Việt Nam có nhiều vùng phát triển không đồng đều.

Ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội góp ý thêm: “Việc đưa công nghệ vào thi cử là đương nhiên, nhưng những nơi xa xôi, hẻo lánh hoặc khu vực đồng bào còn nhiều khó khăn thì chưa áp dụng ngay được. Phải thí điểm và đánh giá nghiêm túc phương thức này để triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) cho rằng, việc thi trên máy tính chia thành nhiều đợt có thể khả thi vì nếu thi tập trung một lần sẽ không đủ điều kiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Xuân còn băn khoăn về mức độ may rủi với hình thức thi này. “Một kỳ thi muốn đánh giá chính xác phải hạn chế thấp nhất tính may rủi. Tuy nhiên với các phương án trả lời có sẵn, việc học sinh không hiểu và đánh bừa câu trả lời cũng có khả năng đúng đáp án. Như vậy sẽ không công bằng. Điều này cần tính toán kỹ” - ông Nguyễn Quý Xuân chia sẻ.

Băn khoăn về hiệu quả của thi trắc nghiệm trên máy tính, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Không chỉ với môn thi xã hội mà ngay cả môn Toán nếu chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm để đánh giá học sinh thì chưa ổn. Nhiều yêu cầu về tư duy mà trắc nghiệm không thể đánh giá đúng”. Trong khi chưa thể tiến hành ngay và đồng loạt kỳ thi THPT quốc gia trên máy tính, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, kỳ thi THPT quốc gia hiện nay cần được xây dựng theo hướng trao chủ động cho địa phương và tăng cường giám sát bằng công nghệ. “Thanh tra không cần phải xuống tận phòng thi mà có thể ngồi một chỗ xem hình ảnh từ camera kết nối qua mạng. Giá thành lắp đặt camera thực tế không quá cao so với việc bố trí một lực lượng lớn giám thị, thanh tra để đến từng cơ sở thi. Giám sát coi thi bằng công nghệ thông tin và tiến hành chấm chéo sẽ hạn chế tiêu cực mà Bộ GD-ĐT cũng không phải can thiệp, thay đổi nhiều” - TS Tùng Lâm phân tích.

“Không máy móc nào thay thế được con người, máy tính tốt, phần mềm tốt nhưng đội ngũ cán bộ không được chuẩn bị tốt, tâm thế tốt, kỹ thuật tốt thì vẫn có thể dẫn đến những sai sót, sự cố đáng tiếc. Năng lực tổ chức thi của các cán bộ là điều chúng tôi đặc biệt quan tâm trong phương án đổi mới thi. Song song với việc đổi mới hình thức tổ chức thi nói trên, ngành giáo dục tới đây sẽ tăng cường chất lượng đội ngũ khảo thí, chuẩn bị tốt nhất về nguồn nhân lực để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc” .

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo ANTĐ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?