Nhiều trường ĐH đã công bố mức điểm trúng tuyển dự kiến ở mức cao chót vót khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn có thể trượt ĐH.
Theo thông báo của Trường ĐH Bách khoa ngày 7-9, mức điểm chuẩn dự kiến của trường này cao hơn nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, mức điểm trúng tuyển dự kiến vào các ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều từ 28-29 điểm. Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào hai ngành này lần lượt là 27,42; 26,85 và 27 điểm.
Ngành công nghệ thông tin của trường này cũng có mức điểm chuẩn dự kiến cao ngất ngưởng là 27-28 điểm, ngành kỹ thuật điện tử viễn thông từ 26,5 đến 27,5 điểm. Với ngành kỹ thuật điều khiển - tự động hoá, từ 27,5 đến 28,5 điểm thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển.
Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng ở tổ hợp khối A, số thí sinh đạt mức điểm từ 24 điểm trở lên của năm 2020 là 35.980 em, từ 25 điểm trở lên là 30.413 em. Ở khối D, có tới 31.831 thí sinh đạt 24 điểm trở lên, 23.423 thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên. Từ phổ điểm này cho thấy điểm chuẩn dự kiến của các trường tốp trên năm nay sẽ rất cao.
Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội công bố mức điểm sàn xét tuyển cao chót vót, trung bình 9 điểm/môn.
Cụ thể, với chương trình tiên tiến kinh tế đối ngoại, phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT là tổng điểm hai bài thi (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn toán và một môn khác không phải là ngoại ngữ) đạt từ 18 điểm trở lên, trung bình 9 điểm/môn.
Đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và định hướng nghề nghiệp quốc tế còn lại (không bao gồm các chương trình chất lượng cao ngành ngôn ngữ), mức nhận hồ sơ là từ 17 điểm trở lên. Điểm sàn của chương trình ngôn ngữ thương mại là 16,5 điểm, chỉ xét tổ hợp hai môn toán - văn.
Với phương thức xét tuyển hoàn toàn trên điểm thi tốt nghiệpTHPT, điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho tất cả các tổ hợp của tất cả các ngành đào tạo tại hai cơ sở ở Hà Nội và TP HCM là 23 điểm.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cũng công bố ngưỡng điểm đầu vào cho tổ hợp xét tuyển ba môn theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 20 điểm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm chuẩn năm nay dự kiến tăng mạnh do tính chất kỳ thi năm nay không giống như kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Đề thi được giảm độ khó, phạm vi kiến thức trong đề thi bị thu hẹp để phù hợp với chương trình được tinh giản do dịch Covid-19.
Theo lịch trình của Bộ GD-ĐT, từ ngày 19 đến 27-9, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH. Theo các chuyên gia, để có cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc mức điểm của mình trên tương quan phổ điểm thi và điểm chuẩn của các trường các năm trước để có quyết định phù hợp.
PGS-TS Phạm Huyền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyên thí sinh vẫn nên chọn ngành mình thích để đăng ký là NV1 (không quan tâm điểm dự báo là bao nhiêu). Sau đó dựa trên điểm mình đạt được, tham khảo điểm dự báo, chọn những ngành gần để tăng cơ hội trúng tuyển.