Kỳ thi tốt nghiệp THPT này, bà Chi 64 tuổi là thí sinh lớn tuổi nhất của TP.HCM.
Quyết tâm đậu đại học...
Khi được hỏi về việc học, thí sinh U70 Ngô Thị Kim Chi chia sẻ, đây là kỳ thi mà bà mơ ước được tham dự hơn 30 năm qua. Thuở nhỏ, vì nhà nghèo, bà phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Bản thân bà luôn tự ti khi có ai đó khoe tốt nghiệp trường này, có bằng cấp trường kia, còn mình thì chỉ mới học đến lớp 8.
Bà Chi quan niệm, có kiến thức sẽ làm việc tốt hơn, cuộc sống cũng tốt và ý nghĩa hơn. Nên theo bà, học không bao giờ là đủ và cũng chẳng bao giờ là muộn.
Với suy nghĩ đó, 6 năm trước, khi các con đã thành danh, yên bề gia thất, “cơm áo gạo tiền’’ không còn là nỗi lo thường trực, bà Chi quyết tâm trở lại trường để theo đuổi ước mơ học hành.
Những ngày đầu đi học lại, bà gặp không ít khó khăn, trở ngại. Bà Ngô Thị Kim Chi bộc bạch: "Lúc đầu đi học tôi cũng gặp nhiều khó khăn lắm vì trở ngại về tuổi tác, sức khỏe. Đến trường thì xung quanh toàn là mấy bạn nhỏ, còn mình thì lớn tuổi cảm thấy rất ngại và lạc lõng. Thầy cô thì cũng có nhiều người lớn tuổi hơn, hoặc bằng tuổi và có cả thầy cô nhỏ hơn chỉ đáng tuổi con cháu mình. Được thầy cô quý mến, tôi cảm thấy vui, tự tin hơn dần dần quên đi nỗi mặc cảm đó".
Suốt 6 năm liền trở lại trường lớp, bà Chi rất nỗ lực, chưa bao giờ đi muộn, vượt qua mặc cảm để luôn vui vẻ, gương mẫu, tích cực xây dựng bài.
Em Bùi Minh Mẫn, lớp phó học tập lớp 12A1 của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 7, cho biết, trong lớp bà Chi như người mẹ ân cần, dịu dàng với tất cả thành viên. Nghị lực và tinh thần ham học hỏi của "nữ sinh U70" này cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều em học sinh cá biệt của Trung tâm để các em tiến bộ hơn: "Tinh thần học tập của lớp chúng em so với đầu năm có thay đổi rất nhiều. Hồi đầu năm, các bạn rất thụ động, không có tinh thần xung phong phát biểu, xây dựng bài học. Nhưng khi có cô Chi thì cô luôn là người chủ động, tiên phong xây dựng bài học. Nghị lực đó của cô đã truyền động lực cho tụi em rất là nhiều".
… để mở lớp tình thương
Nhận thức rõ ở cái tuổi ngoài 60, việc lấy bằng cấp cũng chẳng còn cơ hội để lao động, nhưng bà Chi vẫn quyết tâm phải đậu trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Lý giải về suy nghĩ khác người, bà Chi tâm sự bà muốn có kiến thức để mở lớp học tình thương nhằm giúp các em nhỏ có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn biết mặt chữ, con số.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, bà Chi đăng ký thi các môn Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh với mong muốn có thể ứng tuyển vào ngành Sư phạm Toán của trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Ở tuổi bà vốn nói trước quên sau, để đạt mục tiêu đã đặt ra, bà Chi rất nỗ lực và dành thời gian học rất nhiều. Ngoài giờ học trên lớp, bà còn học thêm, có hôm phải thức tới 2 - 3h sáng để giải bài: "Có hôm tôi học tới 2 - 3 giờ rất mệt, nhưng phải cố gắng nhiều hơn mấy bạn trẻ thì mình mới theo kịp. Với lại tôi muốn khi học là phải có kết quả tốt, chứ không chấp nhận kết quả 1, 2 điểm miễn đậu là được. Học là phải tiếp thu được kiến thức để có thể giúp đỡ người khác. Chỉ như vậy là tôi cảm thấy vui rồi, chứ không dám đòi hỏi gì cao xa hơn".
Nhận xét về người học trò đặc biệt này, thầy Nguyễn Quang Phú, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ, đó là người ham học, nghị lực và quyết tâm rất cao: "Cô Chi luôn trong tư thế sẵn sàng học, tại vì cô biết bản thân lớn tuổi hay quên. Chính vì hay quên nên cô tự ôn tập lại rất nhiều kiến thức. Cứ cảm thấy bản thân quên, khuyết chỗ nào là cô ôn lại. Quá trình học, cô Chi ghi chép trình bày vở rất khoa học và đầy đủ, mỗi năm học cô đều hệ thống toàn bộ kiến thức trong một cuốn sổ. Tôi thấy phong độ của cô Chi rất ổn định, hiện do kiến thức quá nhiều nên cô Chi cũng quên và phản xạ làm bài thi trắc nghiệm vẫn còn chậm".
Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, thí sinh lớn tuổi nhất của TP.HCM - Ngô Thị Kim Chi sẽ viết tiếp ước mơ của mình. Dù kết quả có ra sao, bà cũng đã có kế hoạch, dự định cho riêng mình. Đó là, đậu điểm cao thì bà vào đại học - ngành sư phạm Toán, còn thấp hơn thì vào cao đẳng - ngành Giáo dục tiểu học. Bởi ước mơ lớn nhất của bà là dạy học miễn phí nhưng phải có trình độ đứng lớp bài bản để giúp các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn được tiếp thu, trang bị kiến thức, từng bước vươn lên trong cuộc sống.