Trong số phát sóng Đường lên đỉnh Olympia chiều ngày 1/11, khán giả truyền hình đã được chứng kiến những phần thi hấp dẫn và đầy kịch tích của 4 nhà leo núi bao gồm: Phạm Đình Tân (trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Kom Tum), Ngô Đức Trung (trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM), Đặng Tuấn Linh (THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên) và Nguyễn Tiến Phương, (THPT Hoài Đức B, Hà Nội).
Kết thúc các phần thi, nam sinh đến từ TP.HCM Ngô Đức Trung giành được vòng nguyệt quế của tuần 2, tháng 2, quý 1. Đứng ở vị trí thứ hai là đại diện đến từ Hưng Yên Đặng Tuấn Linh với 250 điểm. Tuy nhiên, người gây chú ý nhất trong chương trình tuần này lại không phải là Quán quân mà lại chính là Á quân - Tuấn Linh.
Cụ thể trong phần thi Về đích của mình, Tuấn Linh nhận được một câu hỏi được nhiều khán giả xem là khá rắc rối. Nội dung câu hỏi được Tuấn Linh đặt ngôi sao hy vọng là: “Vào giây thứ 3661 của một ngày bất kỳ trong năm tương ứng với mấy giờ mấy phút mấy giây”.
Sau một lúc suy nghĩ, đại diện đến từ Hưng Yên đưa ra đáp án là “1 giờ 1 phút 1 giây”. Câu trả lời này sau đó đã được MC công nhận là đáp án chính xác giúp nam sinh đem về 20 điểm. Nhiều người dùng đã trầm trồ thán phục trước khả năng tính toán của nam sinh vì trong một quãng thời gian ngắn như trong cuộc thi thì vừa đọc đề bài, vừa giải là một điều vô cùng khó khăn mà không phải ai cũng làm được.
Trên thực tế, bài toán của Tuấn Linh không hẳn là quá khó nếu người giải có thời gian nhiều cũng như tìm ra được mấu chốt của câu hỏi. Cách giải của bài toán này tương đối dễ:
- Một phút sẽ có 60 giây, một giờ có 60 phút, thế nên 1 giờ sẽ có: 60 x 60 = 3600 giây
- Lấy 3661 chia cho 3600, ta được kết quả số nguyên là 1, số dư là 61. Tiếp tục lấy 61 chia cho 60 ta được số nguyên 1, dư 1. Như vậy giây thứ 3661 tương ứng với: 1 giờ 1 phút 1 giây
Bên dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng đã để lại những lời tán thưởng, khen ngợi cho Tuấn Linh trước cách giải bài toán siêu nhanh của nam sinh, đồng thời cho rằng, mặc dù chỉ là người về nhì, thế nhưng anh bạn nói riêng cũng như các thí sinh Olympia khác nói chung chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.
- “Đừng để cho bố mẹ các bạn xem được chương trình, không thì lại khổ đấy!”.
- “Mình đọc đề xong đã xỉu lên xỉu xuống rồi chứ còn bản lĩnh đâu mà giải”.
- “Kiểu cứ như cái máy lập trình sẵn hay sao ấy, cứ nhập số liệu sẵn vào là ra đáp án”.
- "Nhìn cặp mắt kính dày cộm của anh bạn là biết anh bạn này học giỏi cỡ nào rồi".
- “Bài toán không khó như nhiều người tưởng tượng như giải trong vòng vài chục giây, trước áp lực của khán giả, tất cả mọi thứ nên đâm ra lại khó hơn gấp nhiều lần”.