Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Thầy giáo 'soái ca' kể chuyện bị tỏ tình khi đi dạy và tuyệt chiêu 'né thính' để tránh phiền lòng phụ huynh

Anh chàng cựu thủ khoa ngành Nội thất của Đại học Kiến Trúc TP.HCM, đồng thời là giáo viên môn Vẽ tại một trung tâm luyện thi có tiếng đã có những chia sẻ rất hài hước về con đường đi dạy muôn vàn "cám dỗ" của mình.

Bị stress vì rớt đại học đến thủ khoa đầu vào của trường Đại học Kiến Trúc

Nhìn anh thầy giáo Hoàng Duy Tùng (26 tuổi) luôn tràn đầy năng lượng, hoạt bát đứng lớp mỗi giờ hiếm ai nghĩ rằng Tùng đã từng trải qua quãng thời gian đen tối do stress vì rớt đại học. Tùng chia sẻ, trước đây mình cũng là một ngôi sao sáng trong lớp luyện thi, thế nên khi cầm kết quả thi và biết mình trượt, Tùng đã rất sốc. Một thời gian dài, cậu chôn chân tại nhà, không dám đi đâu vì sợ bị hỏi thăm về điểm số thi:

“Hồi đó, đáng lí mình thi công an, nhưng trong lòng cũng có niềm đam mê nghệ thuật di truyền từ bố là họa sĩ, thêm anh trai và chú cũng học Kiến Trúc nên mình quyết đổi ngành. Mình đã chăm chỉ rèn luyện suốt hàng năm trời, điểm thi cũng không quá tệ nhưng vướng một môn điểm liệt, mà ước mơ bước chân vào trường tan thành mây khói”.

Thực sự mà nói, dù rằng nhiều người bảo rằng rớt đại học có gì lớn lao đâu, nhưng những ai đã từng kinh qua cái sự thi trượt ấy mới biết rằng nó ám ảnh thế nào. Đầu ngõ, cuối xóm hễ thấy mặt đứa nào vừa thi đại học xong thì hàng xóm cũng nhẹ nhàng xã giao bao nhiêu điểm, đậu hay rớt… Dù đôi khi, câu hỏi ấy chỉ đơn thuần mang tính quan tâm nhưng cũng khiến các thí sinh ngã ngựa được một phen nhói lòng.

Và Tùng cũng không ngoại lệ, bao nhiêu hy vọng gia đình, thầy cô đặt lên đôi vai nhưng cuối cùng kết quả không như ý, khiến anh chàng trốn mất tăm. Khi ấy, Tùng sợ đối mặt với những câu hỏi của mọi người và nhận về nỗi thất vọng từ họ. Nhưng may thay, cơn bão lòng đen tối ấy cũng đã nhanh chóng vượt qua cậu, thay vì mãi khóc giữa đống tro tàn, Tùng đã lấy đó làm động lực để giúp mình thành công.

“Mình thay đổi thái độ, chấp nhận thất bại và sẵn sàng làm lại. Mình cố gắng gấp đôi, gấp 3 lần mùa luyện thi trước. Có những tượng mình vẽ cả chục lần, cả chục góc độ để rèn luyện tay nghề. Lúc ấy, mình chỉ có một quyết tâm là phải đậu đại học năm sau, chứ không nghĩ nhiều về việc sẽ thủ khoa. Tới lúc biết điểm, mình còn không tin vào mắt mình”, Tùng nhớ về con đường học hành gian lao của mình và cái kết viên mãn.

Mọi nỗ lực của anh chàng đã được đền đáp xứng đáng, năm đó bảng vàng đã xướng tên Tùng ở vị trí cao nhất, thủ khoa đầu vào của ngành nội thất Đại học Kiến Trúc năm 2012.

Thầy giáo “soái ca” chuyên né thính và lạnh lùng đến độ được đặt biệt danh “thầy giáo bão”

Có thể nói, ngôi vị thủ khoa đầu vào của trường đại học danh tiếng top đầu là bước đệm lớn cho con đường sự nghiệp những ngày tháng sinh viên của Tùng. Nhờ vào kỹ thuật vẽ tốt cùng lối dẫn dắt, giảng bài dễ hiểu, Duy Tùng được mời về làm trợ giảng của một trung tâm luyện thi Vẽ. Những ngày đầu đi dạy, cậu không tránh khỏi bỡ ngỡ cũng như sự nhiệt tình thả thính của một số cô học trò lém lỉnh.

“Lúc mới đi dạy thì mình đang là sinh viên năm 2 thôi, còn khá trẻ. Mấy cô học trò thì ngày càng tinh quái, thấy mình cởi mở nên cũng kèo cưa lắm. Ban đầu là nhờ chỉ bài, sau đó nhắn tin tâm sự, rồi tỏ tình trực tiếp làm mình trở tay không kịp luôn”, Duy Tùng hài hước chia sẻ.

Nhưng anh thầy giáo này không phải dạng vừa đâu, thay vì im lặng cho qua Tùng lại dùng chiêu “một lần cho tất cả” để dứt điểm chiêu trò câu dụ của các nữ sinh: “Mình chỉ muốn các bạn học thật tốt, phụ huynh an lòng. Mấy vụ thả thính này, mình sẽ trả lời thẳn thắn một lần là mình không đồng ý, sau đó tỏ ra cứng rắn và nghiêm chỉnh hơn. Hạn chế chat riêng với các bạn để phụ huynh an lòng. Và mình tự tin là đi dạy gần 6 năm rồi, mình vẫn vững như kiềng 3 chân, chưa bị đổ bất kỳ cô học trò nào, đến độ bị đặt cho danh hiệu là Thầy giáo bão luôn vì quá khó tán“, Tùng hài hước chia sẻ.

Đứng trước mặt giảng bài là một anh giáo trẻ trung, bảnh trai, hài hước và tràn đầy kiến thức thì hỏi cô gái nào không mê cho được. Chưa kể đa phần học trò của Tùng đều ở tuổi cập kê, nên dễ dàng rung động trước những anh chàng tài giỏi thế này thì cũng phải thôi. Nói vậy, không có nghĩa là con đường đi dạy của Duy Tùng trải toàn màu hồng, bên cạnh nhiều fan hâm mộ là học trò nữ, thì Tùng cũng thường đau đầu trước các học trò quái chiêu, cố chấp.

“Cách dạy của mình cởi mở nhưng không có nghĩa là dễ dãi, Tùng vẫn sẽ luôn có những lời răn đe nặng nhẹ đối với các bạn học sinh lười. Nhiều bạn cứng đầu thì ghét Tùng ra mặt, trả lời cộc lốc, bài giao không làm rồi vô số hành vi chống đối khác khiến mình không biết đường mà lần luôn”, cậu bạn chia sẻ thêm về con đường đi dạy gian nan của mình.

Duy Tùng chụp cùng học trò của mình.

Đối với những trường hợp cá biệt đó, Tùng cũng áp dụng chiêu thức cũ, hai mặt một lời. Cậu sẽ giải thích cho bạn hiểu bạn sai ở đâu, Tùng rầy la vì mong muốn bạn giỏi hơn chứ không phải vì thù ghét gì. Và bạn học viên cũng sẽ được trải hết lòng mình với anh thầy trẻ, nói ra những ấm ức của mình để từ đó hai bên hiểu nhau, có cách điều chỉnh dạy và học phù hợp nhất.

Hiện tại, Duy Tùng đã tốt nghiệp và đang làm Kiến trúc sư tại một công ty nội thất tiếng tăm, nhưng anh vẫn không bỏ nghề 'gõ đầu trẻ' của mình dù rất bận rộn.

Niềm vui to lớn của anh giáo trẻ là thấy học trò của mình đậu cao

“Hồi trước, mình dạy một tuần 4-5 buổi, giờ công việc nhiều quá chỉ còn đứng lớp được 1 buổi trong tuần thôi. Đi dạy là niềm vui của mình, thấy các lứa học trò đậu cao, trưởng thành qua năm tháng chính là thù lao lớn nhất mà mình nhận được”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Trân Trân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vỡ oà với Tuấn Hải
iPhone 17: Công nghệ màn hình cao cấp sẽ trở thành tiêu chuẩn?