Tôi tên DVC tức Dịch Vụ Cười
Mở đầu câu chuyện, thầy giáo Dương Văn Cẩn cười tươi rói giới thiệu: “Tên tôi viết tắt là DVC nên học trò thường đọc thành Dịch Vụ Cười. Còn tôi luôn muốn học trò đã đi học là phải được vui cười, hạnh phúc”.
Vì muốn học trò được vui nên ngoài con chữ, các lớp học của thầy giáo Cẩn chưa bao giờ thiếu đi tiếng cười. Những thế hệ học trò 9X của thầy vẫn nhớ mãi về những bài thơ được “Thánh thơ Vật lý” gieo vần:
“Photon là sóng điện từ
Không điện, không khối sống lâu vô cùng
Vận tốc xưng bá xưng hùng
300 triệu đấy ai thời hơn không?”.
Nhờ thơ ca, những bài học Vật lý khô khan được biến hóa thành câu từ dễ thuộc, dễ đi vào lòng người khiến lũ học trò thích thú.
“Nhưng dạy Lý bằng thơ là cách tôi áp dụng từ hơn chục năm về trước. Giờ học trò không còn thích học qua thơ nữa”, thầy Cẩn nói.
Thế là thầy bắt đầu tìm cách lồng ghép cảm xúc vào mỗi bài giảng.
Dạy đến bài Bước sóng, có cậu học trò chợt quên công thức áp dụng, chỉ cần thầy giáo vu vơ đọc câu thần chú “Ai ngồi trên đê nhìn sóng”, cậu học trò vội gãi đầu nhớ ra ngay.
Mỗi bài giảng thường được thầy Cẩn đưa ra ví dụ cụ thể, sinh động từ đời sống hay bằng chính những câu chuyện vui để hút hồn học sinh vào môn học. Tiết học vì thế cũng không còn trở nên đáng sợ nữa mà học trò có những giây phút thoải mái, vui vẻ nhất để sẵn sàng tiếp nhận kiến thức mới.
“Đôi khi chỉ là một đường vẽ, một cái “like tay” hay một âm thanh đặc biệt cũng có thể “tấn công” vào cảm xúc học trò ngay tức thì. Muốn có những ví dụ gần gũi, cứ trò chuyện với học trò, lăn vào tâm hồn chúng sẽ hiểu. Nhờ vậy bản chất hiện tượng cũng được học sinh hiểu tường tận chứ không phải thuộc bài một cách máy móc, không có tính hệ thống”.
Theo thầy Cẩn, học Vật Lý là để đưa vào cuộc sống chứ không phải là đưa vào đầu, viết vào bài thi, thi xong là quên ngay.
Thầy Cẩn lý giải, sở dĩ học trò ngày nay thường chán học những môn khô khan là bởi giáo viên chưa biết cách làm thế nào để khơi gợi cảm xúc tới học sinh. Tại các trường đào tạo sư phạm, nghiệp vụ tạo cảm xúc cho học sinh cũng chưa từng xuất hiện trong chương trình. Trong khi, đó là điều then chốt quyết định giờ dạy có thành công hay không.
Với cách dạy vui vẻ, có những học trò ban đầu không biết gì về Vật Lý, tới mức thầy Cẩn phải thốt lên rằng “Không phải em mất gốc, mà là chưa bao giờ có gốc để mất”, nhưng qua bài giảng của thầy, những học sinh này cũng dần vỡ vạc tư duy và đã thi đỗ đại học.
Yêu thích văn chương lại giỏi thơ ca nhưng thầy Cẩn đã chọn Vật lý làm lĩnh vực để gắn bó. Sư phạm là nghề thầy coi như “định mệnh” bởi từ những năm học lớp 8 trường làng, cậu bé Cẩn đã được hai thầy giáo dạy Toán là thầy Phạm Đình Năng và thầy Hoàng Thọ Sản trao cho giáo án giảng bài thay thầy trong những tiết học phụ đạo.
Những tiết dạy “đầu tay” đã khiến bạn bè gọi cậu bằng cái tên “thầy giáo Cẩn”. Cứ thế, tình yêu với nghề cầm phấn nhem nhóm dần khiến Dương Văn Cẩn dự thi và đỗ vào khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Trong những năm tháng theo nghiệp Toán, Dương Văn Cẩn được giảng viên khoa Vật Lý là Th.S Phan Văn Đồng phát hiện ra tố chất. Nghe lời thầy, Dương Văn Cẩn nộp đơn xin “vượt rào” sang khoa Vật lý và được tuyển thẳng.
Sau này, khi trở thành giáo viên dạy Vật Lý của Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), thầy giáo Cẩn luôn tâm niệm, đã làm nghề cầm phấn, không thể để viên phấn trở nên vô hồn. Đó phải là viên phấn truyền được cảm hứng khiến học trò đam mê với Vật lý.
Vì thế, thầy giáo Cẩn luôn chú trọng đến sự tương tác giữa thầy và trò. Các thế hệ học trò cũng truyền nhau rằng, hễ đến tiết học Lý của thầy Cẩn luôn phải “tỉnh táo”. Thầy Cẩn thường dạy học theo kiểu “bẫy sai”. Thỉnh thoảng, thầy sẽ ghi sai lên bảng để học trò phát hiện lỗi và “tố ngược” lại thầy.
“Học sinh bị thầy “lừa” như thế tức lắm. Đứa nào không tỉnh táo cứ ghi đầy vở, kiểu gì trong cả buổi học cũng phải gạch đi 2, 3 lần. Bị gạch đi nhiều nên chúng biết rằng, không cần thiết phải ghi chép dài dòng. Ngồi lắng nghe bài giảng để nhớ, nhớ rồi thì không cần ghi”, thầy Cẩn nói.
Cách dạy này mặc dù mất thời gian nhưng thầy Cẩn cho rằng sẽ đem đến cảm xúc rất tốt vì học trò có cơ hội được tranh luận.
“Không gì dễ hiểu bài bằng chuyện… cãi nhau”. Thầy Cẩn luôn dạy học trò, “học môn Vật Lý nên không vô lý được”. Do vậy, học trò sẽ phải vắt óc suy nghĩ tìm lỗi sai và đưa ra đủ mọi lý lẽ để chứng minh điều mình nói là đúng.
Mỗi tiết học Lý vì thế luôn khiến học sinh hào hứng. Học sinh được quyền nói, được quyền thảo luận về tất cả những nội dung liên quan đến bài học.
“Mình làm tốt, xã hội sẽ trả công như một quy luật”
Người ta có đủ thú vui như chơi chim, chơi cá, chơi cây cảnh còn thầy Cẩn chỉ có đam mê duy nhất là uốn nắn học trò.
“Mỗi khi nhìn “chậu cây” mình chăm bẵm mọc thêm một chiếc lá, nở thêm một nhành hoa, tôi lại thấy mình hạnh phúc”, thầy Cẩn nói.
Trong quãng thời gian “gieo hạt”, thầy Cẩn cảm thấy mãn nguyện vì đã uốn nắn được nhiều cái cây xơ xác trở nên tươi xanh, đủ sức che chở cho bản thân và nhiều người khác.
Có cậu học trò bố phải vào tù và không lâu sau qua đời. Cậu bé suy sụp đến mức vứt bỏ tất cả trong gang tấc. Biết chuyện, thầy giáo Cẩn đã đến tìm gặp và khuyên nhủ. Sau nhiều lần thuyết phục, cậu học trò lạc lối đã quyết thi lại và đỗ Trường Đại học Bách khoa. Giờ đây, cậu đã tốt nghiệp và có tổ ấm nhỏ của riêng mình.
Thầy Cẩn bộc bạch: “Tôi thấy hài lòng vì những việc mình làm. Hôm nay học trò bi quan gặp thầy phải trở nên lạc quan. Nếu học trò có hành động tiêu cực, người thầy phải khiến chúng trở nên tích cực. Theo tôi, đó mới đúng nghĩa của từ giáo dục.”
“Có nhiều người hỏi tôi rằng đông học trò như thế chắc phải kiếm được nhiều tiền lắm nhỉ? Nhưng đó không phải điều tôi quan tâm. Mỗi ngày đi dạy tôi chỉ nghĩ, hôm nay đi dạy sẽ có bao nhiêu học trò trưởng thành. Còn khi mình làm tốt, xã hội sẽ tự “trả công” cho mình như một quy luật công bằng, dù bằng cách này hay cách khác”.
Sống tận tâm với nghề nhưng có lần thầy Cẩn bị đặt điều đến mức tự ái, thầy quyết định xin nghỉ dạy. Thế nhưng, các học trò của thầy nhất định không cho thầy rời bục giảng.
Chúng kéo nhau đến tận nhà, cùng nhau viết thư gửi đến các tòa soạn báo yêu cầu phải lấy lại danh dự cho thầy giáo. Thấy nước mắt của học trò, thầy lại không nỡ bỏ nghề.
Cũng có một vài trường tư mời thầy về làm hiệu trưởng nhưng thầy từ chối vì sợ phải xa viên phấn.
“Có quãng thời gian tôi chuyển sang làm… lãnh đạo. Nhưng vì nhớ nghề, tôi lại quay về công việc giảng dạy. Chỉ cần học trò còn muốn học, tôi sẽ không ngừng dạy”.
Với quan điểm đem tình yêu thương cho học trò, học trò sẽ đáp trả tình yêu thương, nên mỗi dịp 20-11 đến, thầy Cẩn luôn hạnh phúc vì biết bao thế hệ học trò quay trở về thăm thầy.
“Có đứa mang cả chồng, con đến thăm. Chúng vẫn nhớ và quan tâm thầy theo những cách giản dị, thân tình. Có đứa còn tặng thầy cả bấm móng tay. Chúng bảo không biết thầy thiếu cái gì nên tặng cái này thầy đỡ phải mua. Sự quan tâm của học trò có lẽ là niềm hạnh phúc nhất của những người làm nghề giáo”.
Với thầy Cẩn, hạnh phúc chính là được làm nghề gắn với bảng đen phấn trắng. Hạnh phúc chính là nghĩa tình thầy trò được thầy ghi lại bằng những vần thơ:
“Cả cuộc đời tôi úp mặt vào bảng đen,
Để đem lại cho đời bao khuôn mặt tươi sáng.
Cả cuộc đời tôi cầm viên phấn bạc
Viết cho đời những dòng chữ ân tình!”.