Theo đuổi võ thuật đến nay đã gần 20 năm, Nguyễn Phúc Thịnh (1992) hiện vừa là vận động viên (VĐV) võ thuật nằm trong đội tuyển quốc gia, vừa là thầy giáo dạy võ Vovinam tại Trường ĐH FPT.
Trong bộ sưu tập hơn 200 huy chương từ các giải đấu quốc gia và giải đấu thế giới của Phúc Thịnh, đếm ra hiếm hoi có hơn 10 chiếc huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng, còn lại tất cả đều là huy chương Vàng. Mới đây, Phúc Thịnh đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen và Cục trưởng cục TDTT chứng nhận danh hiệu Kiện tướng quốc tế - cũng là danh hiệu cao quý nhất đời VĐV.
Từ khi khoác lên người bộ võ phục đi thi đấu năm học lớp 5, Phúc Thịnh đã sớm bộc lộ tài năng và tinh thần của một VĐV chuyên nghiệp. Suốt những năm học phổ thông và đại học, Thịnh đều đặn đại diện cho trường, tỉnh và quốc gia tham dự các giải đấu danh giá.
Là thành viên ít tuổi nhất trong đội tuyển quốc gia Việt Nam, dù chiếm trọn lòng tin của khán giả và các thành viên trong đội, nhưng Thịnh vẫn luôn chăm chỉ tập luyện. Từ nhỏ cậu đã quen với việc ép cân và giữ thể lực để đấu đối kháng.
Với Phúc Thịnh, khi đứng trên đỉnh vinh quang của các đấu trường khu vực và thế giới, việc khó khăn nhất là giữ được chiếc huy chương Vàng trên cổ qua các mùa. Để giữ danh hiệu VĐV đạt huy chương Vàng là sự nỗ lực vượt qua hàng chục VĐV xuất sắc. Vì vậy, Thịnh luôn kiên trì khổ luyện cống hiến cho võ thuật và thể thao nước nhà. Có những buổi tập luyện xong, Thịnh không thể nhấc nổi chân lên nữa, khát là chỉ còn cách bò ra để lấy nước.
Những chấn thương đau điếng về xương khớp, dây chằng chẳng phải là điều lạ đối với chàng thanh niên này. Không ít VĐV trên con đường theo đuổi ước mơ gặp phải những chấn thương nguy hiểm, nhanh chóng suy giảm sức khỏe, nhưng Phúc Thịnh không những không sợ khó mà còn luôn chuẩn bị sẵn tinh thần nhận những trận đau buốt tận xương ấy. Thịnh tâm sự: “Đau thì ai cũng sợ, nhưng mình chắc lì từ nhỏ rồi nên vẫn đi theo võ thuật đến giờ”.
Không chỉ nuôi dưỡng đam mê của mình, Phúc Thịnh còn cống hiến cho các thế hệ tương lai bằng cách trở thành một thầy giáo dạy võ ở đất Cần Thơ.
Biết đến ĐH FPT là trường đầu tiên tại Việt Nam đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy như một môn giáo dục thể chất, Phúc Thịnh đã kiên nhẫn và tận tình với các sinh viên nơi đây. Hiện tại, là một thầy giáo tại ĐH FPT, và cũng là một VĐV triển vọng trong đội tuyển quốc gia, Phúc Thịnh vẫn đang tiếp tục cống hiến cho nền võ thuật và thể thao nói chung, truyền dẫn đam mê và duy trì nét văn hóa Việt võ đạo cho thế hệ tương lai của Việt Nam nói riêng.