Giải thưởng này chỉ được trao cho 40 giáo viên trên toàn nước Mỹ mỗi năm để ghi nhận sự tận tụy, xuất sắc và cảm hứng khoa học họ đã khơi dậy ở học trò.
Ben Hoàng Nguyễn là giáo viên môn tự động hóa, chế tạo và robotics tại Trường trung học Sunrise Mountain ở thành phố Las Vegas, bang Nevada (Mỹ).
“Giải Oscar cho giáo dục”
* Trước hết, xin chúc mừng anh về giải thưởng Milken Educator Awards. Giải thưởng có ý nghĩa thế nào với anh?
- Giải thưởng Milken Educator Awards do Quỹ gia đình Milken thành lập nhằm tôn vinh các nhà giáo dục đang ở giai đoạn bắt đầu hoặc giữa sự nghiệp trồng người.
Về cơ bản, nó như một sự tưởng thưởng cho sự xuất sắc và để truyền cảm hứng cho những người khác trong cộng đồng nhà giáo ở Mỹ khi có quá ít những giải thưởng “nổi tiếng” được trao cho những người giảng dạy.
Giải thưởng là một lời nhắc nhở tôi phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, tiếp tục tận tụy cống hiến và mài giũa kiến thức cũng như năng lực giảng dạy trong các lĩnh vực đã chọn.
* Ngay từ đầu anh có mơ ước trở thành giáo viên không? Cha mẹ muốn anh làm nghề gì?
- Theo lẽ thường, hầu hết các gia đình đều không muốn con mình theo nghề sư phạm. Nhiều người trong chúng tôi còn được nhắc nhở về điều này mỗi khi có tin tức các giáo viên biểu tình, phản ứng về điều kiện làm việc cũng như tình trạng bị đối xử bất công.
Cha mẹ tôi, vì rất nhiều lý do, muốn tôi trở thành bác sĩ. Cha tôi từng thi đậu vào ngành này khi học xong phổ thông. Mẹ tôi cũng từng mơ được làm y tá, mẹ hiểu rõ tầm quan trọng của nghề này, những đòi hỏi về trình độ kiến thức rất cao cũng như cả tâm đức của người làm nghề đó nên mẹ cũng muốn tôi theo nghề y.
* Vậy lý do nào khiến anh chọn nghề giáo, anh yêu thích nhất điều gì tại ngôi trường Sunrise Mountain, thưa anh?
- Giảng dạy là một điều cơ bản trong sự biểu đạt của con người. Tôi nghĩ mình muốn làm thật giỏi nghề này như một cách để giúp cho nhân tính vượt lên trước những thay đổi hung hăng của hành xử con người có nguồn gốc từ công nghệ và những thế lực khác.
Với công việc hiện tại của tôi, đó là “công việc mơ ước” khi được là một giáo viên và có một tư duy trẻ trung.
Tương lai trong các lĩnh vực chuyên môn của tôi là vô hạn, tôi cảm thấy như vậy, và sự tận hiến của tôi với việc học hành cũng như giảng dạy sẽ giúp tôi vững vàng tiến tới giai đoạn trung niên trong khi phát triển thành thục kỹ năng nghề nghiệp.
* Được biết anh có chia sẻ chỉ thực sự suy ngẫm sâu hơn về nghề giáo của mình trong khoảng 3 năm qua. Tại sao vậy?
- Lần đầu tiên tôi giữ cương vị một người thầy là trong chương trình Teach for America (TFA) với thời gian cam kết 2 năm.
Theo chương trình đó, về cơ bản các sinh viên mới tốt nghiệp ĐH sẽ được đưa về giảng dạy ở những ngôi trường nhiều thách thức nhất trên toàn nước Mỹ.
Cùng với 2 năm đầu tiên giảng dạy ở chương trình TFA, chúng tôi cũng được khuyến khích để đạt được các bằng cấp cao học trong giáo dục, nhất là về các lĩnh vực chúng tôi đang giảng dạy.
Trong 3 năm qua, tôi có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về nghề nghiệp của mình mà không còn quá bận rộn với bài vở như hồi học ĐH, mặc dù tôi vẫn dành một lượng lớn thời gian mỗi ngày để đọc và học thêm.
Nghề giáo không có mấy tiếng tăm trong rất nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng lớn của xã hội, từ các hoạt động chăm sóc trẻ cho tới cả những giảng viên ĐH, chúng ta cần thay đổi điều đó.
* Anh cũng nói anh muốn được gọi là “thầy giáo” mà không phải “nhà giáo dục”. Có sự khác biệt nào chăng?
- Thầy giáo (teacher) dùng kỹ năng sư phạm của họ, vận dụng các kỹ thuật giảng dạy trên cơ sở nghiên cứu và những lý thuyết để truyền đạt sự học cho các bộ óc đang phát triển khác.
Nhà giáo dục (educator), theo tôi, thường tập trung vào việc ứng dụng phương pháp sư phạm ở tầm vĩ mô. Và nữa, giảng dạy là việc tôi đang làm và nghề này xứng đáng có một sự phân biệt thích đáng.
Khơi dậy tình yêu STEM
* Các môn anh đang dạy thuộc nhóm các môn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), những môn không “dễ nhằn” với nhiều học trò. Anh làm sao để thu hút học sinh?
- STEM thường bị coi là khó vì hệ thống đơn vị tính toán cần phải thành thạo. Điều này cũng có nghĩa học sinh thường mất nhiều thời gian hơn để suy nghĩ và học hỏi nghiêm túc về các khái niệm trừu tượng có thể có liên hệ trực tiếp hoặc không với các hiện tượng học sinh gặp trong đời sống hằng ngày.
Chuyện này dễ dàng hơn khi tôi khuyến khích học sinh áp dụng những phương diện khác nhau của STEM vào những mối quan tâm riêng của chính các em.
Tôi cho phép học sinh được thoải mái sử dụng một công nghệ cụ thể, ví dụ như là in 3D, để tạo ra thứ gì đó giá trị với cuộc sống các em, trong khi vẫn học các kiến thức tiêu chuẩn theo yêu cầu của chương trình, trong trường hợp này là sử dụng phần mềm Computer-Aided Design (CAD - thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính).
Thay vì ép buộc học sinh phải tuân theo những mô hình kiểm tra cứng nhắc và những bài thử mạch điện, tôi tin việc kí.ch thích những quan tâm của các em thông qua tư duy cá nhân sẽ giúp người học trưởng thành và phát triển tình yêu với STEM.
* Sau một số năm giảng dạy, anh thấy đâu là điều quan trọng nhất để giáo viên giúp học sinh thành công, thưa anh?
- Một phần quan trọng trong những gì tôi học hỏi được từ những bộ óc trẻ trung, và cũng không khác với những gì tôi đã trải nghiệm hồi ở ĐH, đó là sự tích cực suy nghĩ và tư duy phản biện.
Theo đó, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh giải thích lập luận của các em, cho phép các em phát triển một cách hiểu vấn đề. Tuy nhiên, nếu cách hiểu đó chưa đúng, giáo viên sẽ vận dụng những kiến thức phù hợp để định hướng lại cho các em cách học.
Với cách này, học sinh có thể tự tìm ra cách học mà không có cảm giác phải tuân theo mọi ý muốn của giáo viên.
“Tôi rất tự hào là người Việt Nam”
* Anh có thể kể thêm về chuyến trở lại quê hương Việt Nam lần đầu vào năm 2011 của anh?
- Tôi luôn khao khát được hiểu về quê hương mình. Tôi nghĩ việc hiểu về nguồn cội là trách nhiệm của mỗi người. Trong chuyến trở về Việt Nam năm 2011, tôi làm t.ình nguyện viên, dạy học tại trại trẻ mồ côi Thủy Xuân ở thành phố Huế.
Lần đó tôi được gặp GS Trần Thanh Vân và vợ ông, bà Lê Kim Ngọc. Tôi cũng may mắn được gặp nhà hảo tâm người Pháp Odon Vallet có rất nhiều đóng góp từ thiện ở Việt Nam mà sau này tôi mới biết. Ông ấy đã tặng tôi cuốn sách và dành những lời chúc tốt đẹp cho tôi. Kể từ sau khi gặp họ, tôi biết mình đã có một mục tiêu để hướng tới.
Trong những ngày cuối tuần, tôi về thăm lại ngôi làng quê cũ của mình ở làng cá Hải Nhuận (xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - PV).
Tôi vẫn đang viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình, có lẽ khoảnh khắc này trong đời sẽ thôi thúc tôi hoàn thành nó. Tôi rất tự hào là người Việt Nam và chuyến đi chỉ 2 tháng trong năm đó đã tạo nên tất cả thay đổi với cuộc đời tôi.
Ralph Perry Jr. - sinh viên năm 2 khoa khoa học máy tính, Viện Bách khoa Worcester ở Worcester, bang Massachusetts - đã được học thầy Ben Hoàng Nguyễn trong 2 năm ở Trường THPT Sunrise Mountain cho biết so với các thầy cô khác, điểm nổi bật của thầy Ben Hoàng Nguyễn là việc tạo ra hứng thú qua cách dạy truyền rất nhiều cảm hứng của thầy.
“Tôi thích việc thầy dạy cách ứng dụng vào cuộc sống những kiến thức tự động hóa, drone, robot.
Thầy còn thiết kế những cuộc thi để chúng tôi tranh tài, giúp chúng tôi trải nghiệm những điều chúng tôi có thể sẽ gặp trong ngành này. Mặc dù giờ không còn học thầy nữa nhưng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với thầy” - Ralph Perry Jr. chia sẻ.