Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn trả lời các vấn đề nóng của ngành giáo dục

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều câu trả lời thẳng thắn liên quan đến các vấn đề nóng của giáo dục đại học, định hướng nghề nghiệp cũng như vấn đề du học.

Hôm nay (6/6), Quốc hội bước sang ngày thứ 3 của phiên chất vấn và trả lời tại Kỳ họp thứ 5. Đây cũng là ngày cuối cùng của phiên chất vấn trước Quốc hội. Cũng trong hôm nay, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

3 vấn đề nóng được đem ra chất vấn Bộ trưởng bao gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: báo Lao Động.

Mô hình thí điểm tự chủ Đại học bước đầu có kết quả rất tốt, có những thành tựu nhất định

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tâm điểm của giáo dục đại học trong thời gian tới là thực hiện tự chủ đại học. Hiện, Bộ đã có lộ trình để tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc tự chủ đại học. Bộ chỉ hoạch định chiến lược, các trường sẽ được tự quản và chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng.

Thực hiện theo Nghị quyết 77 NQ/CP năm 2014 về thí điểm tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện tự chủ. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu có kết quả rất tốt, các cơ sở giáo dục được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận.

Bộ trưởng khẳng định, xu hướng tự chủ đang rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, thời gian tới sẽ tiếp tục và nhân rộng hơn bằng nghị quyết tự chủ sẽ trình Chính phủ.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ tiến dần tới cơ chế đảm bảo các trường công lập được tự chủ cao hơn về mọi mặt, hạn chế việc can thiệp hành chính của bộ, họ được quyền quyết định trong phạm vi của mình và chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng trước xã hội.

Sẽ nhập các giáo trình đào tạo tiên tiến về nước để không phải đi du học nữa

“Liên quan đến vấn đề du học, Bộ trưởng trả lời rằng: “Mỗi năm chúng ta mất khoảng 3-4 tỷ USD cho học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Đây là số tiền rất lớn. Việc đưa con em đi ra nước ngoài học tập không chỉ vì nhiều gia đình có kinh tế khá giả mà còn liên quan đến văn hóa của người Việt. Trong xu thế chung của thế giới, người dân nước đang phát triển thường gửi con em mình đến các nước phát triển để nhận được điều kiện tốt hơn.

Chúng ta hiện nay có chính sách tốt bởi Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục. Vấn đề cần là sự tham gia của các thành phần kinh tế vào giáo dục Việt Nam. Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ đề án các nguồn lực xã hội, nguồn lực tư nhân vào giáo dục. Vấn đề là làm sao để giáo dục trong nước tốt, người dân không phải gửi con ra nước ngoài“.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, giáo dục chất lượng cao, Bộ trưởng Nhạ cho biết, bộ đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao.

Theo đó, ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, không phải đi du học. Tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VNE.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với thị trường lao động

Bộ trưởng Giáo dục cho hay thực trạng hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp “là có thật” và gốc của vấn đề nằm ở chất lượng giáo dục. Để giải quyết được một cách căn cơ vấn đề trên, ông cho hay sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này…

Bộ cũng yêu cầu các Trường đại học không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đến đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như với thị trường lao động.

“Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước nữa”, ông Nhạ nói.

Ảnh: Zing.vn

Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: 7/10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có sự phát triển đặc biệt ấn tượng của hệ thống giáo dục Trung Quốc và Việt Nam. Vui mừng với sự đánh giá này của Ngân hàng Thế giới, tuy nhiên, đại biểu vẫn băn khoăn về giáo dục đại học.

Thực tế là, Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. “Bộ trưởng có ý kiến gì về đánh giá của Ngân hàng Thế giới? Nền giáo dục đại học của chúng ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực, của châu Á và thế giới? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam”, đại biểu chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận: Về chất lượng giáo dục đại học, có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản, giáo dục đại học Việt Nam còn thấp, chưa đạt yêu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo còn lạc hậu, vẫn chủ yếu là do thầy cô giáo xây dựng dựa trên hiểu biết, tính toán chứ chưa nghiên cứu xây dựng căn cứ vào nhu cầu của thị trường.

Theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ sẽ xử lí nghiêm những giáo viên có phẩm chất, năng lực yếu kém. Ảnh: TTO.

Bộ trưởng chỉ rõ, so sánh với các nước trên thế giới, nhìn chung tỷ lệ tiến sĩ ở các trường đại học rất cao (khoảng 40 - 50%), thậm chí 60 - 70%; trong khi đó, ở Việt Nam mới chỉ từ 22 - 23%. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện cơ bản để nghiên cứu chất lượng cao; học phí còn rất thấp so với các nước. Với chi phí như vậy thì chất lượng đại học rất khó mong đợi được cao.

Từ thực tế này, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết, tới đây sẽ phân loại các trường đại học chứ không bình quân, dàn trải mà sẽ cơ cấu lại, những trường chất lượng cao thì giữ lại, những trường chất lượng thấp thì phải nâng cao chất lượng, thậm chí xem xét giải thể. Tự chủ là một trong những “điểm nghẽn” khiến các trường không phát huy được sự chủ động, sáng tạo, nội lực của mình; vì thế tâm điểm của Bộ sẽ thực hiện hiệu quả tự chủ đại học.

So với thế giới, chất lượng đại học của Việt Nam đạt thấp. Tới đây, Bộ sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học, đồng thời tham mưu Chính phủ đầu tư vào những trường trọng điểm, những ngành xuất sắc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tổng hợp

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm