Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Tất tần tật những điểm bất thường hậu công bố điểm thi THPT quốc gia 2018 khiến dư luận xôn xao

Ý Như (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa được được đánh giá là một kỳ thi có quá nhiều bất thường khi đề thi chưa đạt chuẩn, nhiều người đặt câu hỏi về công tác coi thi, chấm thi có vấn đề...

Nghi vấn điểm thi cao bất thường tại Hà Giang

Sau khi các hội đồng thi THPT quốc gia công bố điểm của thí sinh, trên mạng xã hội hiện xuất hiện những thông tin đặt ra nghi vấn. Khi cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước.

Trong khi đó cả nước có hơn 925.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018, gấp gần 168 lần số lượng thí sinh ở Hà Giang là 5.500 thí sinh.

Theo phổ điểm môn Vật lý của địa phương này, có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên và chỉ có 28 thí sinh đạt mức điểm 8 từ đến dưới 9.

Với môn Toán cũng vậy, số thí sinh có mức điểm 8-8.8 chỉ có 50 thí sinh, số điểm 9 trở lên tới 57 thí sinh.

Phổ điểm Toán của Sở GD&ĐT Hà Giang. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Phổ điểm môn thi Vật lý, Hóa học của Sở GD&ĐT Hà Giang. Nguồn: Bộ GD&ĐT.

Mặt khác, phân tích các số liệu điểm thi còn nhận thấy nghịch lý xuất hiện trong điểm thi ở Hà Giang trong kết quả kỳ thi này. Trái ngược với số lượng điểm giỏi cao hơn mặt bằng chung, điểm trung bình tất cả môn thi ở địa phương này lại thấp hơn mức trung bình cả nước.

Điểm trung bình chung các môn của Hà Giang thấp hơn nhiều so với cả nước. Nguồn dữ liệu: Bộ GD&ĐT.

Dù điểm của nhiều thí sinh khá cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 của Hà Giang đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất nước. Con số này của cả nước là 97,57%.

Trước những nghi vấn trên, hôm qua (12/7), Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 đã có công văn yêu cầu Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi và báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 17/7.

Các thành phố lớn có quá ít học sinh điểm cao môn Toán

Nhiều người nhận ra bất thường khi Bộ GD-ĐT công bố danh sách thí sinh có điểm cao nhất của kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Những địa phương có điều kiện học tốt hơn, lâu nay có thành tích tốt hơn như Nam Định, Nghệ An, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có quá ít học sinh điểm cao môn Toán. Rất nhiều câu hỏi đặt ra khi có tỉnh miền núi chiếm ưu thế về số học sinh điểm cao ở một số môn thi.

Trong danh sách 14 thí sinh đứng đầu về điểm môn Toán THPT Quốc gia 2018, nhiều thí sinh ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là Hà Giang.

Đặc biệt là ở Hà Giang xuất hiện 3 thí sinh nằm trong danh sách này. Nói về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) thẳng thắn: “Kết quả thi cao như vậy có thể nói là quá lộ liễu. Cũng có trường hợp đột biến, nhưng thường chỉ rơi vào một vài em, chiếm một số rất nhỏ thôi”.

Thí sinh thi thử điểm cực thấp, thi thật lại cực cao

Dư luận đang đặt nghi vấn trường hợp em Trần Ngọc Diệp (Sơn La) đạt điểm tuyệt đối ở môn Lịch sử và tiếng Anh. Điểm các môn thi khác của em cũng rất cao, Toán 9,6 điểm, Văn 9 điểm và Địa lý 8,25 điểm. Nếu tính 6 môn thi, Ngọc Diệp chính là thí sinh có điểm thi ở nhiều tổ hợp xét tuyển cao nhất cả nước.

Đáng nói, ngay cả Phó hiệu trưởng THPT chuyên Sơn La và cô giáo chủ nhiệm của em này đều tỏ ra khá bất ngờ với kết quả mà học trò đạt được.

Điểm thi các môn của nữ sinh Trần Ngọc Diệp, tỉnh Sơn La.

Trên mạng xã hội ngay lập tức dấy lên nghi vấn về điểm thi của nữ sinh này khi đưa ra một thông tin khác là điểm thi trong kỳ thi thử THPT quốc gia tại trường mà Ngọc Diệp theo học. Tại kỳ thi thử, điểm của em lại đạt điểm khá thấp. Cụ thể, môn Toán là 6,4; môn Ngữ văn 6,5; môn tiếng Anh 5,8; môn Lịch sử 5,5; môn Địa lý 4,25; GDCD 5,5.

Thông tin những điểm thi thử này cũng được đăng tải trên website của Trường THPT Chuyên Sơn La.

Bên cạnh trường hợp của Diệp, một số thí sinh có kết quả thi cao năm nay ở Hà Giang cũng bị “soi” và so sánh với kết quả thi thử tốt nghiệp ở trường. Theo đó, thì kết quả thi thử của các thí sinh này thấp hơn hẳn với kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.

Đề thi môn Lịch sử có sai sót

Phổ điểm môn Sử chính thức từ Bộ GD-ĐT cho thấy con số thấp kỉ lục về điểm môn Sử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay.

Điểm trung bình môn Sử thi THPT Quốc gia năm 2018 thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ đạt 3,79 điểm. Trong khi đó, điểm trung bình môn Sử vào năm 2016 là 4,49 điểm còn năm 2017 là 4,6 điểm.

Điểm thi Sử thấp kỷ lục trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, kỳ thi THPT quốc gia 2018 thành phố có khoảng 28.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử nhưng không có thí sinh nào đạt điểm 10. Đáng chú ý có đến 80,9% thí sinh tại TPHCM đạt điểm dưới trung bình ở môn thi này và chỉ 19,1% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.

Điều này cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác. Cụ thể, Đà Nẵng là địa phương có điểm thi Lịch sử thấp nhất cả nước với 90% thí sinh điểm dưới 5. Tại Đồng Nai, môn Lịch Sử chỉ có 12,76% thí sinh trên 5, có 7,24% thí sinh bị điểm dưới 5 và 180 thí sinh nhận điểm dưới 1. Tỉnh Quảng Trị cũng có 83% thí sinh điểm dưới 5 môn Lịch sử (4328 TS). Tại Phú Thọ cũng chỉ có 20,36% thí sinh được điểm trên 5 môn này.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An bày tỏ: “Tôi rất buồn, môn Lịch sử là môn có phổ điểm thấp nhất. Điểm trung bình môn Sử là 3,79 điểm, điểm trung vị 3,50 điểm thì rõ ràng là một là kết quả tệ hại. Tuy nhiên, tôi khẳng định, nguyên nhân của tình trạng này không đến từ phía giáo viên hay học sinh”.

Những lý giải từ các chuyên gia giáo dục

Bình luận vấn đề danh sách các thí sinh đứng đầu môn Toán và điểm số cao bất ngờ của nhiều thí sinh ở các tỉnh miền núi, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia Toán học cho rằng, nguyên nhân sâu xa vẫn là ở đề thi.

TS Nhất chỉ ra rằng đề thi không chuẩn như quá nặng so với thời gian làm bài, “trắc nghiệm hoá” các bài thi tự luận sẽ khiến mọi chuyện bất ngờ có thể xảy ra từ thước đo không chuẩn.

“Tôi đã khẳng định từ trước khi thông báo điểm: “Phổ điểm không chứng minh điều gì về đề thi!” và bây giờ khẳng định thêm: “Phổ điểm cũng không phản ánh điều gì về năng lực học sinh!”. Nếu có bất ngờ về điểm số thì đó chỉ là hậu quả do đề thi và cách chọn hú hoạ khi thi trắc nghiệm tạo ra. Xin mọi người cũng nhìn ra sự thật để bớt vui, bớt buồn trong những ngày này” - TS Lê Thống Nhất chia sẻ.

“Đến thời điểm này, tôi vẫn xin khẳng định mệnh đề: Đề khó (không chỉ môn Toán) không phù hợp với thời gian làm bài đã đẩy học sinh phải hoàn thành bài thi bằng cách hú họa nên những điểm 10 và kể cả phổ điểm môn Toán không chứng minh được điều gì về đề thi môn Toán THPT quốc gia 2018!”, TS Lê Thống Nhất phân tích thêm.

Về vấn đề điểm và đề thi Sử, GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, các thí sinh đạt điểm 10 Lịch sử năm nay là do ăn may.

Ông không đồng ý với quan điểm của Bộ GD-ĐT cho rằng việc phổ điểm Lịch sử năm nay quá thấp là do cách dạy chứ không phải do đề.

“Tôi đặt câu hỏi là tại sao năm ngoái điểm Sử cao, không lẽ nào năm nay điểm lại là là mặt đất. Không phải các giáo viên, vẫn những con người ấy mà năm nay dạy kém hơn năm ngoái. Mà vấn đề cốt lõi ở đây tôi khẳng định là do đề. Trong đề có những câu hỏi mà bản thân tôi có cho cả năm cũng không biết chọn câu nào cho đúng”.

Ông Bình chi ra vấn đề ở câu số 31, chính ông không biết câu nào đúng cả dù đã là giáo viên Sử hàng chục năm. Ông cho rẳng, ở câu này, đáp án đưa ra là của người ra đề chứ không phải đáp án của chân lý.

Thêm ví dụ ở đề 40, GS Bình cho rằng học sinh chuyên Sử chưa chắc đã giải đáp được, bởi để trả lời được câu hỏi này, phải tích lũy rất nhiều kiến thức mà bắt học sinh lớp 12 trả lời thì làm sao được.

Ông cũng chỉ ra có câu đưa ra những cụm từ, khái niệm chưa từng nghe trong lịch sử. Ví dụ như: Cụm từ âm mưu lâu dài của Chiến tranh Đặc biệt thì lại gọi là “âm mưu chiến lược”. Trong SGK viết là “âm mưu cơ bản” hay “âm mưu lâu dài” của Chiến tranh Đặc biệt.

Ở câu này, đáp án Bộ GD-ĐT đưa ra là đáp án A: Chia cách lâu dài đất nước nhưng đáp án đúng phải là Đáp án B: Dùng người Việt đánh người Việt. Thế những người ta gài chữ “chiến lược” để lái cho thí sinh suy luận hướng vào đáp án A, đấy là sai” .

GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Thầy Bình cho biết, đề Lịch sử có nhiều câu rất khó. Đây chính là lý do tại sao điểm thi Lịch sử năm nay thấp kỷ lục trong các năm. Nhiều người cho rằng giáo viên dạy chưa tốt hay Bộ GD-ĐT chưa quan tâm môn Sử, đó chỉ là một phần nhưng không đáng kể.

GS Đỗ Thanh Bình cũng không đồng tình với việc thi Lịch sử bằng hình thức trắc nghiệm và cho rằng hình thức này hầu như không có ưu điểm gì.

“Ngày xưa thi viết, Bộ GD-ĐT có hạn chế chỗ nào không? Nhưng quyền ra đề là ra bất cứ chỗ nào trong cả chương trình học. Thật ra, ngày xưa chỉ cần học sinh viết một câu cũng đã có thể đánh giá là giỏi hay không giỏi rồi” - thầy Bình nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ý Như (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc