Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Tâm thư 'gây bão' của nam sinh ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn trước tình hình KTX ĐHQG TP.HCM được trưng dụng làm khu cách ly

Mới đây, trước việc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐHQG TP.HCM thông báo cho sinh viên rời khỏi nơi đây trong một khoảng thời gian ngắn, cấp bách đã khiến cho nhiều bạn trẻ lưu trú tại đây cảm thấy lo lắng, bối rối trong việc tìm kiếm nơi ở mới, đặc biệt là về phần đồ đạc của mình còn để tại phòng.

Để chuyển ký túc xá ĐHQG TP.HCM trở thành khu cách ly tập trung do dịch COVID-19, mới đây, Trung tâm quản lý Ký túc xá ĐHQG TP.HCM đã có thông báo yêu cầu sinh viên rời khỏi KTX trước ngày 20/3.

Ký túc xá ĐHQG TP.HCM được đưa vào để chuyển công năng trở thành khu cách ly tập trung trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùy

Đáng chú ý, thông báo trên được đưa ra trong khoảng thời gian gấp rút đã khiến cho nhiều cô cậu sinh viên bối rối, loay hoay trong việc tìm kiếm nơi ở mới. Bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên cũng bày tỏ lo lắng rằng đồ đạc cá nhân để lại trong phòng KTX sẽ bị xáo trộn, mất mát sau thời gian được trở lại KTX sinh hoạt… Chính vì thế, những chia sẻ trái chiều trên mạng xã hội đã xuất hiện trong ít ngày gần đây xung quanh câu chuyện trưng dụng ký túc xá cũng như việc quản lý đồ đạc của sinh viên còn để lại tại phòng.

Trước những ý kiến của các cô cậu sinh viên bàn tán rôm rả trên nhiều diễn đàn, nam sinh Lê Thái Bão (Bộ môn Ngữ văn Ý, Trường ĐH KHXH&NV) đã có những trải lòng trên trang cá nhân và được nhiều người đồng cảm, tán thành. Theo đó cậu bạn cho rằng, việc ký túc xá ra thông báo gấp rút như thế là do tình hình dịch bệnh cấp bách; bản thân cậu bạn cũng thất vọng về việc làm của ban quản lý ký túc xá, nhưng khi suy nghĩ thấu đáo mọi việc, cậu nhận ra bản thân đã sai và ích kỉ khi không muốn rời khỏi KTX ở thời điểm cấp bách này.

Nam sinh này cho rằng, việc BQL ký túc xá yêu cầu sinh viên không cần trở lại TP.HCM để thu dọn đồ đạc là có lý do chính đáng. Anh chàng lý giải việc làm trên xuất phát từ nguy cơ lo ngại lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng mà ví dụ điển hình có thể thấy hiện nay chính là tình trạng “vỡ trận”, mất kiểm soát của các quốc gia châu Âu.

Những suy nghĩ của anh chàng sinh viên trẻ phần nào cũng đã nhận được sự đồng cảm từ nhiều bạn sinh viên khác, đã và đang rơi vào trường hợp tương tự. Ảnh: N.Phượng/Fanpage Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM

Nguyên văn tâm thư của nam sinh Lê Thái Bão như sau:

“Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm)

Mình có tiếc của không? Có chứ! Mình để đồ đạc ở Ký túc xá (KTX) nhiều vô số kể, từ đồ có giá trị tinh thần đến đồ có giá trị vật chất. Và trong phòng 6 người hiện tại, người nhiều đồ đạc nhất… cũng là mình.

Nhưng nhìn tình hình này, ổ khóa vừa bẻ xong thì vài tiếng sau đã tiếp nhận người vào cách ly, thì mình hiểu mọi thứ phức tạp và diễn biến khó lường như thế nào.

Hôm trước mình cũng có chia sẻ bài nói về sự thất vọng của mình khi KTX làm việc quá gấp, không cho sinh viên thời gian, nhưng mấy hôm nay mình đã hiểu, rằng không phải KTX gấp mà là vì tình hình dịch bệnh quá cấp bách!

Là mình sai!

Các bạn phàn nàn KTX là vì các bạn lo lắng về đồ đạc, sợ sẽ ảnh hưởng tới tài sản cá nhân của các bạn nhưng mọi người quên là thứ KTX đang cố gắng bảo vệ và hiện giờ vẫn còn chưa bị ảnh hưởng chính là sức khỏe và tính mạng của mọi người.

Vấn đề ưu tiên là sức khỏe của cả cộng đồng và tinh thần “chống dịch như chống giặc” đang được KTX thực hiện rất tốt. Các bạn hãy thử nghĩ? KTX làm việc chắc chắn phải có sự chỉ đạo từ các cơ quan, ban ngành cấp trên chứ đâu thể có những quyết định độc lập cho những việc hệ trọng, nhất trong tình hình hiện tại.

Thử đặt trường hợp nếu KTX cho một thông báo chính thức về việc sinh viên quay lại lấy đồ đạc thì mấy mươi ngàn sinh viên từ tứ phương sẽ về lại TP.HCM, chỉ cần một sinh viên nhiễm bệnh rồi lây lan thì cả một hệ thống sinh viên ĐHQG-HCM và sinh viên các trường lân cận coi như “thất thủ”.

Các bạn hãy tưởng tượng việc các bạn nhận thông báo rồi lên dọn đồ đạc có ảnh hưởng tới bảo vệ, tới Ban Quản lý KTX, tới các anh chị Trưởng nhà không? Mở cửa vào rồi dọn đồ mang về thôi sẽ chẳng ảnh hưởng tới ai cả? Có thể mọi thứ sẽ tốt đẹp như vậy nhưng cũng nhiều khả năng là không.

Điều quan trọng phải nhắc lại lần nữa, là dịch bệnh, dịch bệnh không chừa một ai cả, chỉ cần một câu chào hỏi xã giao chưa đầy một phút giữa bạn và bạn bè, rồi lại một câu khác với một người khác nữa là lây lan ngay, rồi bạn mang dịch về lại quê hoặc mang dịch từ quê vào.

Trường hợp đó mà xảy ra thì TP.HCM của chúng ta - đầu tàu kinh tế của đất nước - sẽ là một ổ dịch. Hãy nhìn cách mà các nước châu Âu vỡ trận để hình dung những rủi ro và nguy hiểm ghê gớm của đại dịch nếu Việt Nam chúng ta không có các biện pháp cương quyết từ trên xuống dưới.

Có thể đọc tới đây mọi người nói mình tưởng tượng quá lố, nhưng mọi chuyện rất có khả năng sẽ xảy ra như vậy nếu KTX không có những quyết định kịp thời - thứ mà các bạn đã cho rằng nó là quyết định cồng kềnh và trái với ý kiến của sinh viên như vậy.

Mọi người lo lắng cho tài sản của mình là đúng và hợp lý nhưng buông lời khó nghe vào thời điểm này liệu có là lẽ phải?

Mọi người có thể bắt tay nhau phản đối nếu sau này đồ đạc có thất thoát nhiều để KTX có thể xem xét. Còn bây giờ, mình nghĩ rằng, mọi bức xúc của các bạn là vô ích vì sinh viên đã được yêu cầu rời hết khỏi KTX.

Và rất nhanh chóng, KTX đã được lấp đầy ngay bởi những cô chú, anh chị được cách ly. Mọi thứ rất kịp thời trước thực tế cấp bách.

Những trụ cột tri thức tương lai của đất nước, các bạn đang làm gì vậy, các bạn đang phàn nàn những người đang cố gắng bảo vệ tính mạng của bạn, tính mạng gia đình bạn, sức khỏe của cộng đồng trong lúc các lực lượng chức năng như y tế, quân đội của chúng ta đang miệt mài quên đi mệt mỏi để nhanh thật nhanh dọn dẹp mọi thứ, khử trùng cho khu cách ly, mang dịch bệnh cách xa khỏi các bạn.

Là sinh viên một trường công lập, còn được ở KTX nữa, hơn ai hết, mình ý thức được việc mình đã được Nhà nước hỗ trợ những gì và “nợ” Đất nước những gì.

Đây có lẽ là “giặc trong thời bình”, là lúc Đất nước cần thì sinh viên phải đứng lên. Chứ không phải là lúc để chúng ta nói ra những lời khó nghe và quên hết những gì mà mình đã nhận được.

LÊ THÁI BÃO

(Sinh viên Bộ môn Ngữ văn Ý, Trường ĐH KHXH&NV - Tòa D6, KTX ĐHQG-HCM)”

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nhật Minh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Phòng Khám Đa Khoa Hồng Phúc – Được Ưu Tiên Lựa Chọn Tại Cẩm Mỹ Đồng Nai