Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn

Logo Saostar - Special special

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn

Copy Link
Chia sẻ
Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 1

Nghĩ là làm, Huỳnh Đức đã gọi điện xin phép bố mẹ ở lại đồng hành cùng Sài Gòn những ngày tháng khó khăn này. Dù trong lòng có nhiều lo toan nhưng thấy con trai quả quyết, hơn nữa đây lại là việc làm ý nghĩa nên bố mẹ vẫn đồng ý với quyết định của Huỳnh Đức.

"Khi hay tin thành phố bắt đầu giãn cách xã hội, bố mẹ mình ở quê nhiều ngày liền gọi vào hỏi thăm, bày tỏ mong muốn mình trở về nhà cho bố mẹ yên tâm. Tuy nhiên, 4 năm qua vừa học vừa sinh sống ở Sài Gòn, mình cảm thấy mang ơn mảnh đất này, do đó, khi thành phố "trở bệnh", mình thực sự mong muốn làm gì đó để đưa thành phố trở lại vẻ náo nhiệt vốn có", Huỳnh Đức chia sẻ. 

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 2

Huỳnh Đức cho biết, giữa tháng 7/2021, Đức đã gửi đơn đăng ký tham gia công tác tình nguyện viên do Thành Đoàn TP.HCM phát động. Một tuần sau đó, Đức được gọi đi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và làm nhiệm vụ xuyên suốt từ đó đến nay. 

"Thời gian đầu, công việc của mình là tham gia hỗ trợ đôi ngũ y tế lấy mẫu tầm soát diện rộng ở TP Thủ Đức. Lúc đầu mới tham gia, bản thân mình cũng còn nhiều lúng túng với công việc, lại chưa quen biết các bạn trong đội tình nguyện nên đôi khi cũng bị rơi vào trạng thái lạc lõng. 

Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày, mình đã làm quen được với nhiều bạn tình nguyện viên, thậm chí, các bạn còn chủ động làm quen và hướng dẫn công việc cho mình. Rất nhanh, bọn mình đã trở thành những người bạn thân thiết, thương nhau như người nhà, đồng hành cùng nhau trên hành trình hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu và bà con vô gia cư ở Sài Gòn", Huỳnh Đức kể. 

Từ ngày 8/8 đến nay, Huỳnh Đức và đội nhóm gồm 12 thành viên đã chuyển sang hỗ trợ phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nhóm của Huỳnh Đức đảm nhận tất cả các công việc của phường, trong đó, các bạn vừa hỗ trợ y bác sĩ điều phối người dân, đo huyết áp trong quá trình tiêm vắc - xin, vừa tiến hành nhập số liệu sau mỗi ngày tiêm. 

Đặc biệt, Huỳnh Đức và các bạn của mình cũng chính là những người trực tiếp tiếp xúc với các F0, chở họ tới bệnh viện, khu cách ly, khu điều trị, vận chuyển bình oxi...

Chưa kể, khi hoàn thành xong những công việc nói trên, nhóm tiếp tục vận chuyển rau củ, lương thực thực phẩm, thức ăn rong ruổi khắp nơi ở thành phố, phát từng phần ăn cho những người vô gia cư. 

"Nhóm tình nguyện của mình có bạn là sinh viên, có bạn còn đang ở độ tuổi học sinh. Bọn mình trước đó đều là những người lạ, thế nhưng, sau thời gian ngắn làm công tác tình nguyện với nhau, bọn mình giờ đây như những người cùng một nhà. 

Trong hoàn cảnh đặc biệt của Sài Gòn như hiện nay, bọn mình lại càng yêu thương nhau nhiều hơn, cảm thấy mỗi ngày trôi qua thật nhiều ý nghĩa", Huỳnh Đức chia sẻ. 

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 3

Có lẽ, không chỉ Huỳnh Đức mà bất kỳ ai tham gia công tác hỗ trợ tuyến đầu đều có chung cảm giác lo lắng khi nguy cơ lây nhiễm là điều khó nói trước. Thế nhưng, bằng ý thức trách nhiệm cùng tinh thần nhiệt huyết, nỗi sợ ấy dường như nhỏ bé lại để nhường chỗ cho sự dũng cảm và lăn xả của các tình nguyện viên. 

"Khi quyết định đi tình nguyện, mình đã xác định bản thân có thể rơi vào trường hợp xấu nhất là trở thành F0. Tuy nhiên, mình cũng đã được học nhiều kỹ năng để tự bảo vệ bản thân nên phần nào yên tâm. 

Thú thực, khi chứng kiến những trường hợp bệnh nhân trở nặng, lúc đó, mình không còn nghĩ đến nguy hiểm hay nguy cơ lây nhiễm gì nữa, chỉ cố gắng nhanh nhất có thể để đưa trường hợp F0 đó đi điều trị", Huỳnh Đức nói. 

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 4

Hơn một tháng xông pha hỗ trợ tuyến đấu, liên tục phải tiếp xúc với F0, bản thân Đức đã có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Trong đó, phải kể đến lần Đức hỗ trợ lấy mẫu trên diện rộng ở TP Thủ Đức, một em bé chỉ khoảng 2- 3 tuổi phải lấy mẫu khoảng 6 lần mới có kết quả chính xác. 

Dù còn khá nhỏ, việc lấy mẫu khiến bé bị đau nhưng bé lại rất ngoan, không òa khóc, không hoảng loạn khiến các bác sĩ lẫn đội tình nguyện viên ai cũng thương cảm. Để động viên, đội tình nguyện viên đã liên tục làm trò, nhảy múa để giúp bé quên đi cơn đau.

Có lần Huỳnh Đức cùng cán bộ y tế đến lấy mẫu xét nghiệm cho gia đình 12 người trước đó là F0 ở phường 24, quận Bình Thạnh. Khi tất cả các thành viên đều cho kết quả "âm tính" thì không chỉ là 12 người trong gia đình ấy xúc động mà bản thân Huỳnh Đức, các tình nguyện viên cùng các y bác sĩ đều có cảm xúc tương tự, cảm giác không khác nào người thân của mình vừa đi qua cơn hoạn nạn. 

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 5

Huỳnh Đức kể, ban ngày Đức và đội nhóm của mình sẽ trở thành tình nguyện viên, hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu trong tất cả các công việc từ tiêm vắc-xin đến lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển F0 đi điều trị...

Tuy nhiên, đến 6h tối mỗi ngày, Đức và các bạn vẫn không nghỉ ngơi mà tiếp tục công việc phát cơm nước cho những người vô gia cư.

"Nhiều ngày từ điểm làm việc trở về khu trọ, mình nhận ra có rất nhiều người vô gia cư, họ không nhà cửa, không đồ ăn, nước uống, đời sống khó khăn chồng chất. Trong thời điểm khó khăn này, cuộc sống lại càng cơ cực hơn, họ chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các đội nhóm tình nguyện...

Thấy vậy, mình đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và một bếp ăn hỗ trợ, rất may mắn, mọi việc đều diễn ra thuận lợi, nhờ đó mình và các thành viên đã giúp đỡ được nhiều bà con", Huỳnh Đức chia sẻ. 

Mỗi ngày, Huỳnh Đức và các thành viên sẽ phát khoảng 300 - 500 phần cơm, bắt đầu từ 6h tối mỗi ngày.  Không chỉ giúp đỡ người dân gặp khó khăn ở Sài Gòn, Huỳnh Đức và nhóm tình nguyện còn mở rộng giúp đỡ bà con ở những vùng lân cận. Mới đây, ngày 20/8, Huỳnh Đức đã đứng ra kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ một dãy trọ ở phường Bình Hòa (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương).

"Người dân ở đây thời gian qua bị phong tỏa do có ca F0 nên không thể ra ngoài dự trữ lương thực, chưa kể, dịch bệnh khiến họ không có việc làm, không có kinh tế nên họ liên tục kêu cứu. Nhận được thông tin, mình ngay lập tức sắp xếp và xin được một số phần quà, hỗ trợ các phòng trọ ở đây", Huỳnh Đức kể.

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 6

Với Huỳnh Đức, suốt từ giữa tháng 7/2021 đến nay, nam sinh làm việc liên tục không ngừng nghỉ, cảm giác mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng càng mệt, Huỳnh Đức càng cố gắng nhiều hơn chứ chưa bao giờ chán nản hay có ý định dừng lại công việc tình nguyện này.  

"Mệt mỏi là điều tất nhiên, mình và các bạn hầu như làm việc cả ngày từ sáng tới tối, có hôm, phát cơm tới khuya, không chỉ mệt mà còn sợ nữa vì đường phố lúc này vắng tanh. Thế nhưng, càng sợ càng mệt, mình lại càng động viên bản thân phải cố gắng tiếp tục. 

Chuyện thiện nguyện cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chẳng phải chỉ phát cho mỗi người mỗi bữa cơm là xong được, nhiều trường hợp gia đình vô gia cư có con nhỏ, họ cần sữa, cần nhiều thứ hơn một bữa ăn. Chưa kể, Sài Gòn những ngày này buổi tối khá lạnh, thi thoảng còn có mưa nên họ cũng cần có chăn gối mùng mền. Những thứ phát sinh đó, mình và các bạn lại loay hoay đi kêu gọi rồi đến trao tận tay bà con.

Thú thực, đi nhiều mình mới tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn và mình biết họ thực sự cần mình lúc này. Nghĩ vậy, mình càng muốn làm nhiều hơn, giúp đỡ họ nhiều hơn, ít nhất là đến khi dịch bệnh được khống chế, cuộc sống phần nào được ổn định", Huỳnh Đức chia sẻ những điều đã trải qua trên hành trình làm công việc thiện nguyện. 

Tính đến nay, nhóm phát cơm của Huỳnh Đức đã có hơn 30 thành viên, các bạn đi làm tình nguyện đúng nghĩa "vì đam mê", chỉ cần chứng kiến bà con được giúp đỡ, cả nhóm ai cũng thấy vui mừng và như được tiếp thêm nhiệt huyết với công việc. 

Cảm phục trước tinh thần của nhóm Huỳnh Đức, một chủ khách sạn đã hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho các thành viên, giúp các bạn thuận tiện trong hành trình tình nguyện. Bên cạnh đó, các mạnh thường quân cũng rất quan tâm đến đội nhóm của Đức, thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ phần nào việc ăn uống, xăng xe. 

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 7

Nhiều lần trực tiếp đưa F0 đi điều trị, đi cách ly; tận mắt chứng kiến những trường hợp F0 trở nặng được cán bộ y tế gấp rút cõng trên lưng để đưa ra xe cấp cứu, Huỳnh Đức càng cảm nhận rõ rệt sự sống mong manh đến nhường nào. Từ đó, chàng sinh viên trẻ tuổi ấy càng biết quý trọng hơn cuộc sống này, trân quý những gì bản thân đang có và cố gắng thực hiện nhiều điều ý nghĩa. 

"Ngày hôm nay còn khỏe mạnh, cười nói vui vẻ, nhưng ngày mai đổ bệnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ranh giới giữa sự sống và cái chết khi đó mong manh vô cùng. Lúc này, ai còn mạnh khỏe ở yên trong nhà đã là điều hạnh phúc, hãy biết quý trọng điều đó, đừng thơ ơ với cuộc sống của chính mình và cộng đồng. 

Mình thực sự mong ước, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng này, mỗi người hãy nâng cao ý thức và trách nhiệm, chung tay cùng Sài Gòn sớm đẩy lùi dịch bệnh", Huỳnh Đức bày tỏ. 

Chàng sinh viên nơi tuyến đầu: Khi thành phố 'trở bệnh', mình muốn làm gì đó cho mảnh đất mình mang ơn Ảnh 8

Cũng trong khoảng thời gian này, điều khiến Huỳnh Đức cảm nhận rõ rệt nhất sự vất vả của các y bác sĩ trong nhiều ngày qua chính là khi mặc lên người bộ đồ bảo hộ suốt một ngày dài làm việc. 

"Cảm giác mặc bộ đồ bảo hộ suốt một ngày không khác nào đang ở lò xông hơi, rất nóng, mồ hôi tiết ra cảm giác như có nước chảy ướt đẫm quần áo. Chưa kể, mặc đồ bảo hộ liên tục khiến bọn mình cũng gặp nhiều bất cập trong việc ăn uống, đi vệ sinh. Bởi lẽ, mỗi lần cởi bỏ đồ bảo hộ khá mất thời gian, quy trình nghiêm ngặt; khi muốn tiếp tục công việc thì phải mặc một bộ đồ mới. Do đó, mỗi tình nguyện viên đều ý thức việc cá nhân để tránh làm mất thời gian, cũng như sử dụng hợp lý trang thiết bị y tế.

Chưa kể, các tình nguyện viên phải đeo bao tay cả ngày, đồng thời phải sát khuẩn cồn liên tục, đến khi tháo găng tay ra thì bàn tay đau rát, tê nhức, từng thớ da nhăn nheo như vừa ngâm nước một thời gian dài".

Vất vả, mệt mỏi là thế, tuy nhiên, Huỳnh Đức và các bạn trong đội nhóm tình nguyện luôn cảm nhận được sự hạnh phúc xen lẫn tự hào về những gì bản thân đã làm được.

Với các thành viên, khoảng thời gian thích thú nhất là sau mỗi ngày làm việc và trở về khu trọ. Công việc tạm gác lại, thay vào đó là những khoảnh khắc đời thường như cùng nấu ăn, cùng trò chuyện, thăm hỏi hoàn cảnh của nhau... những câu chuyện nhỏ xíu nhưng lại như "liều thuốc" vực dậy tinh thần để các tình nguyện viên tiếp tục xông pha nơi tuyến đầu. 

Thành phố đang bước vào những ngày quyết liệt để dập dịch Covid- 19, bản thân Huỳnh Đức cũng như các bạn của mình đã sẵn sàng làm việc với cường độ cao hơn, nhiệt huyết hơn, chung tay giúp đỡ đội ngũ tuyến đầu cũng như những bà con có hoàn cảnh khó khăn, sớm đưa Sài Gòn trở về vẻ náo nhiệt vốn có thường ngày.
 

Bài viết

Phương Linh

Thiết kế

Tuấn Lê

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp