Nắng tháng 5 về, hun bỏng từng con đường. Mới vài tuần trước, người ta còn chẳng nhận ra cái oi ả của đặc trưng tiết trời đầu hè, thì giờ đây, tiếng ve con đã râm rang trên những liếp lá xanh, hoa đỏ màu phượng vĩ.
Cứ độ này hàng năm, vào cái mùa tháng 5 ấy, lại có một sự bồi hồi xuyến xao sắp sửa diễn ra. Mùa chia cấp 3. ‘Nhớ đó, tui xí trước hai trang này, tui có nhiều điều muốn viết lắm. Lát tui đưa áo đồng phục, tranh thủ viết cho tui vài dòng nha.’ - tui còn nhớ mãi cái tấm áo trắng gọi nhau í ới của đứa bạn thân. Để rồi, cuốn lưu bút truyền tay nhau dần lấp đầy màu mự và nước mắt. Mai đây rồi, bế giảng đang gần kề.
Năm nay, tới lượt thế hệ 2001nói lời tạm biệt với mái trường cấp 3. Đó là dấu mốc mà bạn, hay tôi, đều phải trải qua như một chứng nhận cho thanh xuân, nơi ở đó, chúng ta đều có cho mình những điều thật hiển hách. Thật kỳ lạ. Chỉ khi vội vàng chuyền nhau những trang lưu bút viết vội, chúng ta mới nhận ra mình đã bỏ quên biết bao nhiêu điều. Nhỏ nhặt, nhưng bỗng hoá to đùng vào cái khoảnh khắc này.
Tôi đã trải qua nhiều cuộc chia ly, nhưng chẳng có lời tạm biệt nào được chuẩn bị cẩn thận, chỉn chu trong một khoảng thời gian dài mà vẫn thấy bộn bề, day dứt chồng lên tiếc nuối như cách chúng tôi rời xa ngôi trường cấp 3 của mình. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng khi lục lại quyển lưu bút năm nào, hình ảnh từng đứa bạn học gửi gắm nhau những trang giấy, vẫn vẹn nguyên nằm đó. Đứa này trịnh trọng đưa lưu bút cho đứa kia với đầy sự yêu mến, hy vọng lẫn hồi hộp. Nó đã nghĩ về mình thế nào, nó sẽ viết về mình ra sao, nó còn nhớ những chuyện cỏn con năm ấy không.
Ký ức đẹp được lưu trên những dòng kẻ, chất chứa cả niềm vui, nỗi buồn và tiếc nuối. Dẫu cùng, chỉ còn lưu bút ở lại, trở thành minh chứng cho những tháng ngày mà bạn và tôi cùng nhau đi qua, cho những bâng khuâng trước những điều đã hứa mà chẳng kịp làm.
‘Tôi đã hứa, ngày hôm đó sẽ không trốn giờ chào cờ thứ hai đầu tuần’
Con gái mặc áo dài, con trai mặc sơ mi trắng sơ vin chỉnh tề. Cắp chiếc ghế nhựa đặt thành hàng dọc theo khối lớp mình, chúng tôi bước vào giờ sinh hoạt đầu tuần, lắng nghe danh sách xếp hạng thi đua mà đợi mãi chẳng thấy tên lớp được đọc.
Chúng tôi làu làu lời giới thiệu với nhịp ngắt nghỉ ‘10 lần như 1’ mỗi khi thầy Hiệu trưởng bước lên sân khấu dặn dò tuần học mới. Đôi lúc, chúng tôi chẳng mặn mà chút nào với việc sinh hoạt dưới cờ. Đôi lúc, chúng tôi trốn tiệt trên lớp chỉ để hoàn thành nốt đống bài tập ngổn ngang, thuộc hết bài thơ hôm nay cô sẽ kiểm tra miệng, rồi nằm dài trên băng ghế để tránh né đội trực tuần. Chúng tôi đã làm nhiều điều để bỏ qua thói quen được lặp lại mỗi 7 ngày. Và quả thật, nó đã chấm dứt sau 3 năm thanh xuân ấy.
Chúng tôi đều có mặt đầy đủ trong ngày tri ân cuối cấp, dù nắng hè tháng 5 chưa bao giờ thôi bỏng rát. Chỉ là, đó không phải buổi chào cờ đầu tuần. Đó là ngày mà thay vì bản nhận xét dài dằng dặc những ưu, nhược điểm trong hoạt động học tập của toàn trường, thầy Hiệu trưởng của chúng tôi chỉ mỉm cười hiền hậu: ‘Vậy là sau ngày hôm nay, các con không còn nằm trong sự bảo bọc của thầy cô nữa. Những cuộc chiến khác đang đợi chờ các con mạnh mẽ vượt qua’.
Bỗng dưng, tôi chẳng còn nhớ thầy của mình đã từng nghiêm khắc đến thế nào. Tôi đã bỏ qua quá nhiều giờ chào cờ đầu tuần, và giờ đây, tôi ước mình đừng làm vậy.
‘Tôi đã hứa, ngày hôm đó sẽ không đi học muộn’
Dù nắng nóng hay giá rét, chúng ta đều có cho mình cái cớ để được đi học muộn. Có học sinh nào chưa từng trải qua cơn hoảng loạn khi mở mắt ra, đồng hồ đã điểm 7 giờ? Phóng thục mạng tới trường, ai may mắn thì không bị giám thị bắt, kẻ đen đủi thì ngậm ngùi đọc tên và lớp, nhẩm tính trong đầu rằng ‘Điểm thi đua tuần này của lớp mình là bao nhiêu nhỉ…?’.
Những dẫu cùng, chẳng có nơi nào mà cả tập thể lại quan tâm tới việc đi trễ của bạn như lớp cấp 3. Hãy tin tôi. Khi bạn trưởng thành và bước vào cuộc sống của người lớn, chỉ mình bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho tác phong bản thân.
‘Tôi đã hứa, sẽ chuẩn bị kỹ hơn cho bài kiểm tra hôm ấy’
Dành thời gian ôn kỹ hơn một chút, tin tưởng vào bản thân nhiều hơn một chút, gắng sức kiên trì hơn một chút,… có lẽ tôi đã không phải nhận nhiều nuối tiếc khi cầm bài kiểm tra trên tay. Bên cạnh những ấm ức điểm số và thứ hạng, cảm giác ấy mang tới nhiều nỗi buồn vì khả năng của bản thân chưa tới, vì thua bạn kém bè, vì cha mẹ, thầy cô phiền lòng. Giá mà khi ấy, ta thử hỏi han kinh nghiệm kiểm tra của lớp khác, trau dồi cho mình cơ hội hiểu thêm về kỹ năng giải quyết đề thi, về cách tự trấn an bản thân vượt qua nỗi lo trước mắt.
Rồi sau này, chúng ta sẽ nhận ra bài kiểm tra năm nào vẫn còn quá đơn giản. Bởi chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán nan giải hơn nữa trong cuộc sống sau này, nơi sự giỏi giang đi đôi với một loạt kỹ năng mềm khác mà chẳng có điểm số nào đánh giá nổi. Nếu ta cố gắng nỗ lực ngay từ đầu, chắc chắn những cơ hội tốt đẹp sẽ chẳng từ chối ta đâu.
‘Tôi đã hứa, sẽ nói lời cảm ơn đứa bạn ngồi cạnh…’
Vì đã đồng hành cùng tôi suốt những lắng lo, giận hờn của tuổi thanh xuân ấy. Vì đã trở thành ‘đồng phạm’ trong bao phi vụ cúp tiết, ngủ gật, ăn quà vặt, trốn làm bài tập… bất hảo.
Lời cảm ơn ấy, tôi ghi vội vàng vào lưu bút. Không nói nên lời.
‘Tôi đã hứa, sẽ nói lời xin lỗi thầy cô…’
Chúng tôi bị cuốn mình vào những bài tập ôn luyện cho các môn thi chính trong kỳ thi Đại học. Những môn nằm ngoài phạm vi kỳ thi, chúng tôi tự cho mình cái quyền được bỏ qua. Thật buồn, nhưng đúng là như vậy.
Giờ Công nghệ, Giáo dục Công dân,… mặc thầy thao thao giảng giải với cái bảng kín chữ, lũ chúng tôi cặm cụi giải bài tập Toán, tìm đáp án trắc nghiệm trong bài tập Anh, học thuộc ý tứ phân tích trong đề Văn ngày hôm qua. Tuyệt nhiên, không đứa nào ngẩng lên nghe lời thầy nói. Sự đáp trả đầy vô tình cho những tâm huyết trong nghề của người thầy già từ lũ học trò, vẫn ám ảnh tôi tới ngày hôm nay.
Tôi đã hứa, sẽ xin lỗi thầy. Nhưng lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.
‘Tôi đã hứa sẽ nói với cậu ấy rằng, tớ thích cậu mất rồi’
Rung động tuổi học trò là thứ tình cảm trong trẻo, đẹp đẽ và đơn giảm lắm. Chỉ vài cái liếc trộm, chỉ vài lời nhắn nhỏ nhoi, chỉ vài lần chạm nhau nơi sân trường,… cũng làm trái tim nhỏ này thao thức không yên. Tôi thích cậu ấy, thích nhiều nhiều nhiều và nhiều lắm.
Thế nhưng rồi, cũng vì ngại ngùng, vì môi mím chặt ngày cuối, chúng ta cũng chỉ là thời thanh xuân gió nhẹ trôi qua. Tôi thích bạn vậy thôi!
Tôi, bạn, chúng ta đều có cho nhau những lời hứa, nhỏ thôi, nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình nắm trong tay thời gian, nhưng đó lại là thứ dễ vượt qua khỏi tầm với nhất. 3 năm - hơn 1.000 ngày, ai cũng nghĩ đó là khoảng thời gian rất dài. Thế rồi chỉ trong chớp mắt, chúng ta đều đã đứng ở trang cuối của thanh xuân học trò. Lời hứa gói ghém năm nào, cuối cùng cũng chẳng còn cơ hội để thực hiện. Bao nhiêu bức ảnh vội vàng chụp chung, bao lời thổ lộ, trần tình vào những ngày cuối trước khi chia xa, cũng chẳng đủ để chúng ta thấy rằng mình đã có một thời học sinh oanh liệt và trọn vẹn kỷ niệm.
Nhưng bạn tôi ơi, cuộc hành trình nào có khởi đầu, rồi cũng sẽ có điểm kết. Chúng ta đã khóc, đã buồn, rồi ngẩn ngơ ngắm nhìn mọi sắc màu đang vụt qua trong ngày chia ly, bởi chúng ta hiểu rằng, mọi điều dù có là kỷ niệm đáng nhớ, rồi cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Nhưng hãy thử nghĩ mà xem, ta đã có tới 3 năm tuổi trẻ để cùng cảm thấy tiếc nuối khi chia xa, đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc ư?
Khi tiếng trống cuối cùng vang lên, một hồi tươi đẹp của tuổi trẻ đã khép lại, sẵn sàng mở ra những hồi mới đầy thử thách và rực rỡ hơn. Nắng tháng 5 năm nào cũng gay gắt, chỉ có chúng ta là thay đổi với những dự định nơi chân trời mới. Dẫu còn bao nhiêu tiếc nuối vẫn chưa thành toàn, bao lời hứa hẹn vẫn chưa trọn vẹn, bạn và tôi, chúng ta cùng cất lại vào trang lưu bút rồi nói với nhau rằng: Chia tay nhé, rồi ngày vui, ta gặp lại nhau.