Cụ thể, bác bảo vệ được nhắc đến bác Vũ Tiến Dũng (sinh năm 1964, làm nhiệm vụ trông xe tại trường Đại học Hà Nội (HANU). Các thông tin trên MXH còn có nội dung bác bảo vệ này từng làm giảng viên dạy Tiếng Anh, đã về hưu được 10 năm và chỉ đi làm vì "đam mê".
Tuy nhiên, chia sẻ với VietNamNet, bác Vũ Tiến Dũng phủ nhận thông tin này. Bác cho biết, mình chỉ nói được một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Nga, cũng là ngôn ngữ đã gắn bó nhiều năm với mình khi còn đi xuất khẩu lao động.
“Năm 1983, tôi có 3 tháng học tiếng và 3 tháng học nghề rồi đi xuất khẩu lao động tại Nga. Sau đó, tôi đi làm rồi tự học tiếng Nga bồi thông qua việc tiếp xúc và sử dụng hàng ngày với đồng nghiệp tại nơi làm việc. Vì thế, tôi mới có thể nói thông thạo tiếng Nga, nhưng không thể viết.
Một thời gian sau, tôi gặp vợ tôi – vốn là người gốc Triều Tiên. Cuộc sống của cả gia đình ở Nga cũng rất chật vật. Vì thế, đến tháng 8/2009, vợ và các con quyết định theo tôi trở về Việt Nam để sinh sống”.
Cũng trao đổi vơi báo Lao Động, bác Vũ Tiến Dũng cho hay, khi về Việt Nam, bác Dũng làm đã làm qua rất nhiều nghề như sửa chữa giày dép, sửa chữa xe máy, bơm vá xe máy xe đạp,… và gần 1 năm nay tôi làm bảo vệ cho Trường Đại học Hà Nội. Theo bác Dũng, trong quãng thời gian ở đây, bác được gặp gỡ, tiếp xúc với sinh viên hằng ngày và lấy đó là niềm vui, động lực để tiếp tục công việc mỗi ngày. Bên cạnh đó, những sinh viên nào từng gặp qua bác cũng đều nhớ mặt, nở nụ cười thân thiện và luôn miệng gọi "con".
"Người Việt không thương nhau thì thương ai. Tôi coi sinh viên ở đây như con cháu nhà mình. Tôi quan niệm sống để các con biết đạo lý làm người, sống làm sao để các con yêu quý mình.
Tôi không giỏi và cũng không có điều kiện học cao nhưng vẫn động viên các cháu, đã vào được trường đại học phải có ý chí phấn đấu học cho giỏi để thành đạt để cuộc sống sau này được tốt hơn" - bác Dũng tâm sự.