Đối với sinh viên năm cuối hay mới ra trường thì khó khăn nhất đó chính là xin được một công việc ổn định để có thể lo toang cho cuộc sống, gia đình. Thế nhưng trước khi bước vào môi trường thực tế này thì các tân cử nhân sẽ trải qua vòng phỏng vấn với HR – Bộ phận tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp. Và với kỹ năng ít ỏi của sinh viên thì việc thiếu kinh nghiệm hay mắc các lỗi trong giao tiếp cũng sẽ trở thành một trong những nguyên nhân khiến nhiều ứng viên bị loại mặc dù sở hữu CV vô cùng hoàn hảo.
Điển hình như trường hợp mới đây của một cô sinh viên năm 4. Theo đó chỉ qua vài dòng đối thoại đơn giản với phía tuyển dụng, cô nàng đã được HR mắng cho một trận “ra ngô ra khoai” chỉ vì một lỗi giao tiếp khá đơn giản. Cụ thể, tất cả bắt nguồn từ dòng tin nhắn mở đầu: “Bên bạn còn tuyển thực tập sinh không ạ?”.
Đáp lại câu hỏi của nữ sinh, phía nhà tuyển dụng hỏi rằng: “Em sinh viên năm mấy rồi”. Tưởng như là mọi chuyện tiến triển rất đỗi bình thường nên cô sinh viên này mới hào hứng đáp lại là “Năm 4 ạ”. Thế nhưng HR này đã phát hiện ra mỗi lỗi vô cùng cơ bản trong giao tiếp thông thường, đó chính là việc thiếu chủ ngữ, vị ngữ trong đối thoại.
Nếu như chỉ nhìn thoáng qua, người xem bình thường sẽ không thể nào phát hiện ra lỗi này, thậm chí một số còn cho rằng cách trả lời của nữ sinh có phần dễ thương, lịch sự khi từ “ạ” được đưa vào cuối để lột tả biểu cảm vui vẻ, thân thiện với đối phương. Thế nhưng phản ứng của HR xem ra là khá tức giận, người này đáp:
“Trước tiên nói chuyện thì phải có chủ ngữ đàng hoàng em nhé. Em đang đi tìm việc. Ngân hàng chị còn tuyển, nhưng xin lỗi chị không nhận CV của em”.
Ngay sau khi đoạn tin nhắn này được chia sẻ, số đông người dùng đã tỏ ra hài lòng với cách làm của nhà tuyển dụng, đồng thời nhận xét rằng, đây chính là tình trạng phổ biến và thường gặp nhất ở các cô cậu sinh viên mới ra trường khi đi xin việc. Bên cạnh đó, việc dạo đầu bằng cách xưng hô “bạn” cũng dễ khiến đối phương bực bội bởi lẽ, chưa biết người kia nhỏ tuổi hay lớn tuổi hơn mình nên cách xưng như trên là đều không nên một chút nào.
- “Bạn HR nói rất chính xác, đây không chỉ là kỹ năng xin việc mà còn là cách giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống. Nên thẳng thắn như thế để cho nữ sinh nhận thấy lỗi sai của mình, từ đó mà không lặp lại trong tương lai”.
- “Không biết mọi người nghĩ sao chứ đi đến đâu gặp người lạ toàn xưng anh/chị, ai lớn tuổi một chút thì xưng bằng cô/chú, kể cả nhìn mặt trẻ hơn mình cũng xưng anh, chị để thể hiện phép lịch sự. Đó cũng là một cách ứng xử mà”.
Tuy nhiên, một số khác cũng lên tiếng bênh vực nữ sinh rằng, HR không nên quá gay gắt như trên vì đây là lỗi của phần lớn sinh viên hiện nay, cũng không quá nghiêm trọng và chưa hề ảnh hưởng gì đến danh tiếng, uy tín của công ty. Thay vì không nhận ứng viên thì phía nhà tuyển dụng chỉ nên nhắc nhở để nữ sinh tự rút kinh nghiệm và cho cô bạn này thêm một cơ hội.
- “Mình thấy có đuôi 'ạ' ở cuối câu thì trở nên lễ phép, lịch sự. Nhiều khi nói tắt nhưng thêm đuôi ở cuối là thành câu rất bình thường rồi, không đáng soi mói”.
- “Ứng viên đến nhà mình phỏng vấn còn bá đạo hơn nhiều, bạn này còn khá lịch sự rồi, chỉ là tư duy và ngôn ngữ chưa hợp nhau thôi. Mà trong trường hợp này HR cũng khá gắt, hi vọng lần sau tiết chế hơn cho người ra cơ hội”.
- “Mình thấy nhiều bạn còn quá đáng hơn như thế này gấp hàng chục lần rồi, mong nhà tuyển dụng đừng quá gay gắt, dù gì thì các bạn cũng là sinh viên mới ra đời làm việc thôi, kinh nghiệm chưa được nhiều. Nên phải trải qua một thời gian mới có thể yêu cầu khắt khe như thế được”.
Hiện đoạn tin nhắn này vẫn đang là chủ đề được cư dân mạng tranh cãi dữ dội trên nhiều diễn đàn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.