Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Sinh viên KTX ĐHQG TP.HCM lo lắng vì liên tục bị kiến ba khoang 'tấn công'

Tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM, rất nhiều sinh viên đang sinh sống bị kiến ba khoang “tấn công” gây ra các vết thương ở nhiều vị trí trên cơ thể khiến các bạn hết sức lo lắng. 

TP.HCM đang vào giai đoạn mùa mưa, chính vì thế, nhiều khu vực ẩm ướt, tạo điều kiện cho các loại côn trùng và các dịch bệnh có liên quan đến côn trùng dễ bùng phát mạnh, trong đó có kiến ba khoang. Đáng chú ý, tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM, rất nhiều sinh viên đang sinh sống đã bị kiến ba khoang “tấn công” khiến các bạn hết sức lo lắng.

Trên mạng xã hội, nhiều bạn sinh viên đang sinh sống và học tập tại KTX ĐHQG TP.HCM đã chia sẻ những hình ảnh bị kiến ba khoang cắn khiến nhiều vùng trên cơ thể bị tổn thương.

Sinh viên phản ánh tình trạng kiến ba khoang “tấn công” tại KTX ĐHQG TP.HCM.

Theo Cao Kim Nhật Luyến (Sinh viên năm 4, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) hiện đang sinh sống tại KTX ĐHQG TP.HCM cho biết: “Thỉnh thoảng đang nằm trên giường, mình và nhiều bạn cùng phòng phát hiện kiến ba khoang không biết từ đâu bò đến nhưng có thể bắt rồi đem vứt đi nên không bị cắn. Tuy nhiên, đêm đến, trong lúc nằm ngủ bị kiến ba khoang cắn khi nào không hay, đến khi tỉnh dậy thì thấy tay rát, đau, nhìn kỹ thì thấy có bọng nước. Da ai mà “độc thịt” thì vết thương lâu lành, thậm chí, chăm sóc không kỹ còn bị bọng nước ấy lan rộng ra”.

Nông Thắm (sinh viên năm 4, ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết: “Kiến ba khoang có thể cắn ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng đa số các sinh viên đều bị ở vùng tay, chân hoặc ai xui xẻo thì bị cắn ở mặt nữa. Đợi cho vết cắn lành lặn đã mất rất lâu, sau khi lành, chắc chắn ai cũng bị sẹo thâm khiến da dẻ trở nên xấu xí hơn”.

Vết thương do kiến ba khoang cắn.

Nếu không chăm sóc kỹ, vết thương có thể lây lan.

Theo tìm hiểu, vào mùa mưa, kiến ba khoang thường tập trung nhiều ở các bụi rậm, đám cỏ… trong khuôn viên Ký túc xá. Kiến ba khoang có nhiều màu sắc, thường có màu đen và đỏ, trông giống như con kiến.

Trong cơ thể của kiến ba khoang có thành phần chất pederin rất độc, tuy nhiên, khi bị kiến ba khoang đốt, lượng chất độc này chỉ tiếp xúc với da rất nhỏ nên không gây nguy hiểm đến tính mạng. Thay vào đó là gây tổn thương da, viêm bỏng da ở những vị trí như vùng đầu mặt, cổ, chân, tay và cả vùng hông lưng.

Vết thương do kiến ba khoang cắn gây đau đớn và để lại sẹo.

Những bọng nước lớn sau khi bị kiến ba khoang cắn.

Trước tình trạng sinh viên bị kiến ba khoang “tấn công”, phía Trung tâm Quản lý Ký túc xá đã tổ chức phun thuốc diệt kiến ba khoang; đồng thời, tổ chức phát quang bụi rậm, cắt cỏ, vệ sinh khuôn viên Ký túc xá. Tổng vệ sinh khu vực hành lang công cộng, cầu thang, tầng hầm.

Sinh viên bắt được rất nhiều kiến ba khoang trong phòng KTX.

Ngoài ra, để chủ động phòng chống dịch bệnh do tiếp xúc với kiến ba khoang, Ký túc xá thông tin đến sinh viên cần dọn dẹp vệ sinh phòng ở gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp, thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế kiến ba khoang bay vào phòng ở, trường hợp nghi viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thì xuống Trạm y tế KTX để được hướng dẫn, tư vấn điều trị kịp thời.

Các phòng ở tại KTX được phun thuốc diệt kiến ba khoang. Ảnh: Thanh Tùy Nguyễn.

Các bụi cỏ ở khuôn viên KTX cũng đã được phun thuốc kịp thời. Ảnh: Thanh Tùy Nguyễn.

Liên hệ với BS Nguyễn Thị Trọng - Trưởng trạm y tế KTX ĐHQG TP.HCM cho biết, qua những biện pháp phòng ngừa từ phía BQL KTX, tình trạng sinh viên bị kiến ba khoang tấn công đã được cải thiện rõ rệt, số lượng sinh viên bị kiến ba khoang cắn đã giảm.

Cũng theo bác sĩ Trọng, với các sinh viên bị kiến cắn cũng không nên quá lo lắng hay hoảng sợ, các bạn nên đến ngay trạm y tế tại KTX để được điều trị kịp thời. Các bạn sẽ được nhân viên y tế thăm khám, kê đơn và phát thuốc bôi hoàn toàn miễn phí, giúp vết thương mau lành và hạn chế để lại sẹo.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?