Mới đây, dự thảo Thông tư ban hành quy chế HS-SV trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm, trong đề cập đến việc “Sinh viên sư phạm bị đuổi học nếu hoạt động mại dâm lần thứ 4″ đang gây xôn xao dư luận.
PV Dân trí ghi nhận chia sẻ của các học giả Việt đang công tác, học tập tại nước ngoài về quy định xử lý sinh viên nói chung/ sinh viên sư phạm nói riêng có hành vi bán dâm ở nước sở tại.
Đuổi học sinh viên mua/ bán dâm là tước quyền học tập của công dân
Tiến sĩ Đinh Công Bằng (tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Khoa học thông tin, Đại học bang Florida, có hơn 20 năm làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin; hiện là nhà hoạt động cộng đồng trong các lĩnh vực giáo dục quốc tế, việc làm, và định cư tại Mỹ) cho biết: Ở Mỹ, cả mua dâm và bán dâm đều là vi phạm luật hình sự. Mỗi trường có một bộ quy tắc ứng xử riêng và trong đó quy định là hành vi nào hoặc vi phạm nào thì bị đuổi học.
“Việc mua bán dâm, cũng như các vi phạm hình sự khác, thường không dẫn đến việc bị đuổi học. Vì nếu làm như vậy thì rất nhiều người bị tước quyền học tập. Ví dụ nhiều nước cho tù nhân học đại học miễn phí chẳng hạn.
Tuy nhiên, nghề dạy học ở Mỹ là nghề phải có giấy phép, chứng chỉ hành nghề, được cấp bởi cơ quan chuyên môn. Cơ quan này có thể không cấp chứng chỉ/giấy phép, hoặc tước chứng chỉ nếu thầy/cô vi phạm pháp luật, hoặc có hành vi nghiêm trọng về đạo đức nhà giáo”, ông Bằng chia sẻ.
Tiến sĩ Việt tại Mỹ bày tỏ: “Trong chủ đề này, tôi quan tâm đến nữ quyền hơn vì ngành sư phạm nhiều nữ sinh. Tôi nghĩ rằng cả dự thảo cũng như dư luận quá tập trung vào vấn đề bán dâm nữ, trong khi bản chất vấn đề không phân biệt nam nữ. Ngoài ra, ở đây cần phân biệt giữa việc có bằng ĐH sư phạm và làm nghề sư phạm. Ở Mỹ, giấy phép hành nghề sư phạm là thước đo phân biệt. Ở Việt Nam có lẽ đang gộp thành một.
Việc sinh viên bán/mua dâm là vi phạm dân sự, không nên dẫn đến việc đuổi học. Vì như vậy là tước đi một quyền và cơ hội rất quan trọng của một con người. Tuy nhiên, để làm việc trong ngành giáo dục, thì người thầy cần tuân thủ theo một khuôn mẫu đạo đức tối thiểu”.
“Theo tôi phạt hành chính/hình sự mà tước quyền học đại học là quá nặng nề. Ở Mỹ, dù mua/ bán dâm là vi phạm hình sự thì họ cũng không dùng cái đó để tước quyền học tập của ai. Những vi phạm như quay cóp, gian lận điểm… ở Mỹ mới là nặng và bị đuổi học vì cái đó đánh thẳng vào nền tảng và hoạt động hàng ngày của giáo dục”, ông Đinh Công Bằng cho biết thêm.
“Nữ sinh bán dâm trang trải học phí ở các thành phố đắt đỏ không hiếm”
Theo anh Lê Nam - Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Dublin, Ireland: Nhìn chung kể cả Tây Âu vẫn chưa có nhiều quốc gia chấp nhận mại dâm là một ngành nghề hợp pháp (do còn liên quan đến buôn bán phụ nữ), ngoại trừ Hà Lan,… Ở những quốc gia này họ sẽ xử phạt và lên án hành vi mua dâm thay vì bán dâm
“Chính vì thế, trở lại trường học, theo những gì mình được biết thì một số trường lớn ở Anh & Ireland không có quy Định xử phạt như là buộc thôi học nữ sinh hành nghề mại dâm. Mọi thứ nếu xảy ra là do pháp luật quản lí, và nữ sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm. Việc nữ sinh bán dâm ở các thành phố đắt đỏ để lấy tiền đóng học phí - sinh hoạt phí không phải là hiếm ở đây. Nếu có quy định, thì là do văn hóa của từng trường đại học - không thấy có luật nào chung của Bộ Giáo dục”, Lê Nam chia sẻ.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Việt cho biết: “Tại Ireland, mại dâm là hợp pháp. Nhưng mua dâm thì từ 2017 bị xử phạt tiền. Do đó, sinh viên nữ có thể đi làm gì nếu muốn để trang trải cuộc sống, có điều nếu để lộ ra, thì thường xấu hổ mà tự bỏ học, chứ trường không đuổi”.
“Còn đối với người giáo viên, mình từng biết một cô giáo ở New York bị nhà trường buộc thôi việc khi phát hiện cô bán dâm vì như thế làm xấu hình ảnh người giáo viên. Tuy nhiên, thường trường học không có quy định cứng - vì thực tế không ai mong muốn chứng kiến điều đấy với những người làm giáo viên. Còn khi là sinh viên thì không thấy ai nói gì. Cái này dường như tùy vào “văn hoá” của nơi công tác, họ chấp nhận hay không. Hiếm khi thấy văn bản cứng nào quy định từ đầu, nhưng khi có trường hợp xảy ra, họ vẫn xử lí tùy từng trường hợp”, anh Nam nói.
Còn tại Canada, tiến sĩ Ngô Anh Văn (Nghiên cứu sau tiến sĩ Đại học Calgary, Canada cho biết: “Ở quốc gia này, không có quy định nào về việc cảnh cáo/ khiển trách/ buộc thôi học với sinh viên nữ bán dâm”.
“Tại Canada, bán dâm nói chung là bị cấm nhưng không có bất kỳ một điều khoản nào nhắm vào sinh viên cả. Giả sử sinh viên có bán dâm để mua điểm hay để thuận lợi cho việc tốt nghiệp hay xin việc thì người ta thường sẽ điều tra tới nơi tới chốn ai người mua dâm. Thường các trường có quy định rất chặt chẽ về xâm phạm tình dục. Nếu giáo sư chỉ cần gợi ý thôi, nếu có đủ bằng chứng, có thể bị thôi việc”, tiến sĩ Ngô Anh Văn chia sẻ.
Hà Lan được xem là quốc gia hiếm hoi ở phương Tây chấp nhận bán dâm là một nghề hợp pháp. Chị Lê Thị Thanh Tịnh, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Leiden, Hà Lan cho biết: Ở Hà Lan, bán dâm là một nghề hợp pháp cho người từ 18 tuổi trở lên. Do đó sinh viên sẽ chẳng bị xử phạt/ xử lý gì nếu họ chọn nghề này làm part time (nghề bán thời gian).
Chị Thanh Tịnh cho biết: “Trường mình - Đại học Leiden sẽ có thể đuổi việc ông thầy xâm hại tình dục sinh viên của ông chứ không phạt sinh viên đi bán và ông đi mua. Theo quan điểm của mình thì công dân vi phạm luật thì để nhà nước xử lí. Trường đại học không nên quy định từng tội như bán dâm hay trộm cắp thì sẽ phạt thế nào vì nó không phải chức năng của giáo dục. Sau khi sinh viên bị xử lí thì họ có quyền được tiếp tục hoặc làm lại cuộc đời. Các quy định liên quan tới đạo đức người học ở đại học Hà Lan thường toàn gắn liền với cuộc sống học tập”.
“Giáo dục là để hoàn thiện, làm tốt hơn con người chứ không phải là món quà chỉ dành cho người tốt hay người hoàn hảo. Được đi học là quyền của mỗi người, và cũng là cách để làm xã hội tốt hơn. Trường học không nên nhầm lẫn chức năng với Bộ Công An”, nữ nghiên cứu sinh viên tại Hà Lan nêu quan điểm.