Tại buổi trao đổi, Trương Nhựt Cường, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng xảy ra nhiều vụ cháy nổ trong cả nước thời gian gần đây, nhất là sau vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (quận 8) làm 13 người chết, hơn 90 người bị thương.
“Vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cần được nhìn nhận sâu xa hơn, xuất phát từ phải phòng hơn chữa. Tuần vừa rồi, Thành Đoàn cũng đã họp bàn về đề tài triển khai các kỹ năng thực hành xã hội. Em nghĩ rằng, nên chăng đưa hẳn kỹ năng phòng vệ, thực hành xã hội như kỹ năng PCCC, thoát hiểm trong đám cháy, chống đuối nước cho các em thanh, thiếu nhi vào trong chương trình học”, Cường đề xuất.
Cũng theo sinh viên này, các kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát hiểm khác cần được biên soạn thành các tài liệu chính thức, quy định là môn học bắt buộc trong nhà trường. Đó cũng là một bộ quy chuẩn dựa vào đó hướng dẫn sinh viên, học sinh cách xử trí như thế nào khi gặp các tình huống đó.
“Sau vụ cháy vừa qua, nhiều người dân mua mặt nạ chống khói, dây an toàn. Những kiến thức sử dụng, thoát hiểm là do người bán tuyên truyền. Tại sao sinh viên không thể là người hướng dẫn cho người dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng?”, Cường đặt vấn đề.
Còn Trần Minh Phương Nam, sinh viên trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) thì góp ý rằng cần đẩy mạnh hệ thống y tế viễn thông, tăng cường hệ thống bác sĩ gia đình và góp phần giảm tải cho hệ thống bệnh viện đang quá tải cho thành phố.
Tương tự, Trần Thị Hương Quỳnh, sinh viên Khoa Y ĐH Quốc gia TPHCM đặt vấn đề tại sao không có cơ sở dữ liệu chung ở các bệnh viện. Nếu có sẵn các dữ liệu này, sẽ giúp ích cho nhiều bệnh nhân khi cấp cứu ở các bệnh viện, bác sĩ sẽ biết được trước đó bệnh nhân đã từng bị bệnh gì và thuận tiện hơn khi điều trị.
Còn Nguyễn Thanh Huy, sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng lại lo ngại về vấn đề khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên trong thời buổi hội nhập. Theo sinh viên này, TPHCM hiện có nhiều trung tâm Anh ngữ, thu hút đông học sinh, sinh viên theo học nhưng chất lượng đầu ra không đảm bảo, nhiều sinh viên phải đi du học ở Phillippines để trau dồi khả năng tiếng Anh. Huy đề xuất việc nhập các giáo trình ngoại ngữ để giảng dạy trong nhà trường, cải thiện khả năng giao tiếp cho sinh viên.
Lắng nghe ý kiến của sinh viên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, “nhiều ý kiến đóng góp của sinh viên rất sâu sắc và có trách nhiệm, các em đã quan tâm và hiểu thành phố này”.
Theo ông Phong, hiện có khoảng 80 trường ĐH,CĐ đóng trên địa bàn, ngoại trừ ĐHQG TPHCM thì có hơn 9.000 giáo sư, tiến sĩ với số lượng tri thức cao như thế thì đó là nguồn lực to lớn đóng góp cho thành phố. Với gần 1 triệu sinh viên đang học tại TPHCM, ông Phong cho rằng “đây là những nhà trí thức tương lai, mang trí tuệ của mình đóng góp cho thành phố này.Thành phố sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện để sinh viên thỏa sức suy nghĩ, sáng tạo”.
Ông Phong cho biết, trong dài hạn thành phố xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ, những ngành có giá trị gia tăng cao, tăng cường ứng dụng công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo. “TPHCM đặt mục tiêu trở thành một trong nhóm 10 thành phố trên toàn cầu, sẽ tập trung mọi nguồn lực xây dựng đô thị thông minh, đẩy nhanh xây dựng khu đô thị sáng tạo ở khu phía Đông, thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao - vốn là hạt nhân thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0”.
Ông Phong kêu gọi sinh viên đóng góp ý tưởng trong mọi lĩnh vực, trọng tâm là nhiệm vụ xây dựng khu đô thị sáng tạo, thành phố thông minh. Mới đây, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ chuyên gia, nhà khoa học, lao động sáng tạo trẻ tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Ông Phong cũng nhắn nhủ rằng, lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành cùng các bạn sinh viên trong học tập, lao động. Rất mong các bạn có thêm các ý tưởng, nỗ lực để hiện thực hóa nó, nỗ lực học tập, tiếp cận và làm chủ tri thức.