Mới đây, trên MXH đã xôn xao câu chuyện của một nữ sinh đi làm thêm và bị trừ hết lương, thậm chí còn phải đóng thêm tiền cho chủ. Qua lời kể, nữ sinh cho rằng mình là một người tích cực trong công việc, tuy nhiên khuyết điểm lớn nhất chính là đi trễ do không thể giậy sớm.
Nếu đi làm đủ số giờ đã đăng ký, tính ra mỗi ngày cô gái được trả 154.000 đồng, tuy nhiên mỗi ngày đi muộn nữ sinh bị trừ 5.000 đồng/phút. Vì bị phạt đi làm muộn nên có những ngày cô gái còn phải “trả ngược” cho quán từ 80.000 – 700.000 đồng.
Cô gái còn cho biết thậm chí có ngày đã xin đi muộn nhưng vẫn bị trừ 875.000 đồng cho 175 phút. Thế nên, cô gái than thở rằng biết đi làm phải có đúng giờ nhưng quy định quá hà khắc thì không còn tình người nữa.
Khi nhìn vào bảng lương viết bằng tay, có thể thấy rõ 1 tháng 30 ngày thì cô gái này đi muộn và nghỉ không phép đã hết 17 ngày. Thực tế, chuyện sinh viên đi làm thêm xưa nay đã không còn xa lạ. Nhưng không phải vì chỉ làm bán thời gian mà thiếu trách nhiệm với công việc của mình. Đã đi làm thì cần phải đảm bảo khối lượng và chất lượng công việc mình được giao.
Nói về thói đi làm muộn của nhân viên, trong một hội thảo, Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài đã gay gắt phản ánh. Câu chuyện ông đưa ra là: nếu họp lúc 8h thì nhân viên phải sẵn sàng ngồi vào bàn đúng 8h, và cuộc họp sẽ được khởi động.
Lần thứ nhất họp, một vài bạn đến muộn với lý do kẹt xe. Lần đó, ông Tài chấp nhận.
Lần thứ 2 họp, đúng 8h ông Tài khởi động cuộc họp. Ngoài cửa phòng được dán một tấm bảng với nội dung: “Ai đến trễ, vui lòng đợi đến giờ giải lao đi vào”. Những người đến muộn chỉ 5 phút cũng phải đợi tới 9h30, 10h – đúng giờ giải lao – mới được vào họp.
Sau 1 – 2 tháng, vị chủ tịch yêu cầu ngoài phòng họp dán bảng với nội dung “nặng đô” hơn: “Ai đến trễ xin vui lòng đi về”. Kể từ đó, chỉ cần có yêu cầu 8h họp là chắc chắn trước 8h mọi người đã sẵn sàng.
Cũng bày tỏ về vấn đề muộn giờ, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương thẳng thắn: “Lý Quang Diệu từng nói với thanh niên rằng: Ê tuổi trẻ, bán cho tao 1 năm tuổi trẻ, tao trả cho mày 1 tỷ đô (Singapore)“.
Như vậy, cứ 1 năm tuổi trẻ trôi qua là bạn mất 1 tỷ đô đấy! Thế nên, khi thấy nhiều bạn trẻ đem lòng ngưỡng mộ các tỷ phú thế giới mà tôi thấy xót xa thay. Vì chính các bạn mới là tỷ phú. Bởi có thời gian là có tất cả.
Người đi trễ thường có 2 kiểu:
– Trễ tuyệt đối: Sai giờ
– Trễ tương đối: Hiệu suất/giờ
Đi trễ gây ra hậu quả gì?
– Đứng về góc độ cá nhân, đôi khi đi trễ mang lại tai họa cho chính mình.
– Về góc độ xã hội, đi trễ là vô văn hóa.
– Đứng về góc độ kinh doanh, đi trễ được xem là tham nhũng hàng đầu. Bởi thứ tham nhũng kinh khủng nhất chính là tham nhũng thời gian.
Nguyên nhân của đi trễ là gì?
– Ý thức hệ: Do người ta không nhận thức được mặt lợi mặt hại của người đi trễ. Đó là lý do chỉ cần phạt tiền nhiều người sẽ ý thức đi sớm hơn.
– Hội chứng đám đông.
– Chế tài xã hội không mạnh.
Làm sao để ngăn việc đi trễ?
Đúng giờ dường như đã trở thành một kĩ năng và kĩ năng sẽ sinh ra thói quen.
– Phải tự ý thức được: từ sách, từ mạng Internet, từ cọ xát thực tiễn… Bố mẹ không làm được thì con cái chắc chắn sẽ không cải thiện được.
– Nhờ người kiểm soát bản thân và tự mình cũng phải có trách nhiệm với việc sắp xếp thời gian sao cho hợp lý.