Bài luận tuyển sinh nó không khác gì một buổi phỏng vấn ngắn giữa bạn với bất kì nhà tuyển dụng nào. Bạn có 5 phút để nói bất cứ điều gì khiến họ muốn nghe, khiến họ tò mò, khiến họ hiểu rằng họ cần bạn, bạn hiểu họ, bạn phù hợp với những mục đích mà họ hướng tới. Chứ không đơn thuần “Bạn là ai, bạn giỏi cái gì”.
Nghệ thuật kể chuyện trong phỏng vấn xin việc
“Nguyễn Đình là họ, Tôn Nữ là cháu gái, tên mình có nghĩa là: cháu gái của dòng họ Nguyễn Đình. Bài viết gửi đến Harvard mình có chia sẻ lý do bố đặt tên mình là Tôn Nữ, đó là vì bố muốn nhắc nhở mình, bất kể học được cái gì, làm được cái gì thì đều là để phục vụ cho gia đình, cộng đồng, và đất nước”, cô gái 17 tuổi chia sẻ.
Để ấn tượng với nhà tuyển sinh, nhiều người sẽ chọn viết về những thành công mình đạt được, còn bài luận của Tôn Nữ, ngoài chia sẻ về cái tên, em đã nói về dự án Cộng hưởng, dự án đầu tiên về Giáo Dục mà em đã tham gia. Nhưng không phải từ khía cạnh thành công mà là những thất bại em ấy đã trải qua, những điều mà em đã phải đánh đổi cho lý tưởng mà mình tin, cuối cùng là những điều em đã học được sau tất cả.
Kể đến cô gái Harvard này lại khiến tôi nghĩ đến câu chuyện phỏng vấn, của chàng sinh viên trẻ xin thực tập ở Microsoft. Anh chàng ấy không phải là một sinh viên học về khoa học máy tính, và chưa hề có kinh nghiệm tham gia vào một dự án hay chương trình thực tập nào về lập trình.
Trong buổi phỏng vấn trực tiếp, người tuyển dụng đã hỏi anh ấy: “Tại sao chúng tôi nên thuê bạn? Tại sao lại là Microsoft?”.
Anh chàng suy nghĩ một lát và nói là: “Tôi nên trả lời theo cái tôi đã chuẩn bị hay nên trả lời một cách trung thực?”.
“Tôi có thể nghe cả hai“, người tuyển dụng nói.
“Tôi xin phép sẽ trả lời cái tôi đã chuẩn bị trước. Thưa ông, ông nên thuê tôi bởi vì mặc dù tôi không có kinh nghiệm nhưng tôi có khả năng học hỏi và thể hiện. Và bất cứ điều gì công ty kỳ vọng ở tôi khi làm ở đây, tôi chắc chắn sẽ thực hiện nó với tối đa khả năng và sự chăm chỉ.”
“Khá ấn tượng. Vậy câu trả lời trung thực là gì?“, người tuyển dụng, ngẩng đầu lên một chút, ngồi thẳng lại lưng, chờ đợi cậu trả lời từ chàng trai.
“Vâng, 19 năm trước Microsoft có làm một game tên là Age of Empires. Tôi chắc là ông từng nghe qua. Nó không chỉ là một trò chơi điện tử, nó thực sự đòi hỏi bạn phải phân tích và đưa ra những sự kết hợp và sắp xếp thời gian để quân của bạn dành chiến thắng. Khi tôi thực sự rơi vào chán nản phiền muộn hồi năm ngoái, tôi đã chơi trò này cả ngày lẫn đêm. Tôi đã xem nó như một thách thức để vượt qua. Tôi nghiên cứu nó, tôi đã biết các nền văn minh, các thuật toán tốt nhất cho tất cả các bản đồ. Game này không chỉ giúp ngăn tôi không đi làm việc gì đó ngu ngốc khác mà nó còn giúp tôi duy trì việc tư duy phân tích. Nếu tôi kiếm một thói quen xấu khác để làm, để giải phóng những muộn phiền lúc đó, có thể tôi đã quăng luôn đời tôi. Thưa ông, tôi muốn tạo ra thứ gì đó đơn giản nhưng lại tuyệt vời như trò chơi đó. Đó là lý do mà Microsoft nên thuê tôi”.
Ông ta đã toét miệng cười sau khi nghe xong bài phát biểu ngắn đó của chàng trai trẻ: “Bạn hẳn là sáng tạo. Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?”.
Anh chàng hối hả: “Tôi có được chọn không?”.
Ông ấy đã dành cho chàng trai một nụ cười và nói: “Câu trả lời của riêng tôi là Yes”.
Đây là một câu chuyện rất đời sống và có thật, của anh chàng Sumit Chaudhary, chia sẻ trên cộng đồng mạng Quora, bài viết của Sumit đã đạt được 688 nghìn lượt xem và hơn 31 nghìn lượt đánh giá tốt.
Những câu chuyện nhỏ làm nên kì tích
Tôi vẫn luôn thấy là, đa số những người đi xin việc hay làm bài luận tuyển sinh đều dễ dàng vấp phải lỗi đó là “Cố tìm cách nói mọi thứ về họ, càng nhiều càng tốt” và nghiễm nhiên họ cho rằng đó là “chìa khóa” để gây chú ý tới ban tuyển dụng, một sai lầm cực kì nghiêm trọng.
Thực tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất, bạn cần hiểu, các nhà tuyển dụng họ không cần biết hết tất cả những thành tích, những kinh nghiệm hoành tráng mà bạn có. Họ sẽ chỉ tập trung vào chiều sâu của một vấn đề, lắng nghe câu chuyện bạn muốn kể. Thậm chí là những câu chuyện hết sức đơn giản nhưng qua đó nó nói lên được con người bạn, người mà họ sẽ đầu tư, sẽ đồng hành trên một con đường dài phía trước. Họ cần thấu hiểu con người phẩm chất của bạn, chứ không phải những gì bạn đạt được. Đừng chỉ nói về chính mình, hãy chỉ nói về chính mình khi bạn hiểu nhà tuyển dụng của mình đủ.
Có một điều cơ bản trong phỏng vấn, hẳn nhiều bạn phải biết rồi, dù là ở đâu, doanh nghiệp hay tổ chức nào, khi bạn đi phỏng vấn, câu đầu tiên không thể thiếu đó là: “Can you introduce yourself, please” (Bạn có thể giới thiệu về bản thân mình một chút được không?).
Và lời khuyên bạn luôn nhận được đó là, hãy cứ nói ra, nói những gì nổi bật nhất mà bạn nghĩ bạn tự tin. “Em từng có kinh nghiệm tham gia khá nhiều hoạt động, phong trào ở trường. Có từng làm ban tổ chức cho nhiều sự kiện, phụ trách cả việc xin tài trợ lẫn phụ trách nội dung. Hiện em đang là sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Truyền thông Doanh nghiệp…”.
“Hãy là chính mình! Cứ là mình đi, thoải mái với bản thân cứ chia sẻ thôi.” Đây có lẽ là những lời khuyên tôi thấy rất sai lầm và có thể dẫn đến hậu quả không mấy vui vẻ với nhiều bạn. Đã từng có cơ hội tham dự một số buổi tuyển dụng của các công ty nước ngoài tại một trường đại học, tôi thấy đa số các em sinh viên đều trả lời rất ngây ngô trước các nhà tuyển dụng và tôi cảm nhận các em vừa già mà lại vừa trẻ.
Già là vì nhiều em có khi yêu đương sành sỏi từ cấp 2, cấp 3, đời sống giải trí vô cùng phong phú. Trẻ là vì tầm tuổi sắp ra trường rồi mà khái niệm về công việc, về cách giao tiếp, về cách ứng xử rất mông lung, thật khó tạo được sự tin tưởng đối với các nhà tuyển dụng.
Trước đây, tôi cũng từng có kinh nghiệm nhảy việc khá nhiều khi còn trẻ. Lúc mới ra trường, lần đầu gửi CV đến một công ty về truyền thông cũng khá uy tín trên thị trường, tôi đã rất lo lắng vì bản thân mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành, dù trong thông báo ứng tuyển họ đã ghi rõ là không cần kinh nghiệm có đào tạo.
Nhưng tôi đã dành gần một tuần để nghiên cứu xem họ là ai, và họ cần gì. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, họ không cần kinh nghiệm vậy họ sẽ coi trọng thái độ. Qua các phương tiện truyền thông, thì tôi được biết họ sắp ra một sản phẩm mới, vì vậy tôi đã dành gần một tuần để tìm hiểu sản phẩm, phân tích đối thủ… và chủ động làm một bản “Chiến lược truyền thông” cho sản phẩm đó, nó cũng không quá đặc biệt, và còn rất nông (sau này tôi mới biết, đương nhiên kế hoạch ấy của tôi cũng không được dùng tới).
Nhưng dù sao trong buổi phỏng vấn đầu tiên, một chị bên nhân sự đã nói nhỏ với tôi sau khi tôi kết thúc buổi phỏng vấn với ban giám đốc. “Em là người duy nhất chuẩn bị hồ sơ rất kĩ, kế hoạch truyền thông em làm, ch ịnghĩ nó là điểm cộng lớn, hi vọng được gặp lại em”. Tất nhiên, sau đó vài ngày tôi nhận được thông báo ứng tuyển.
Cũng có một thời gian, tôi làm trong một công ty startup về công nghệ. Thời gian đầu gây dựng khá là vất vả, công việc thì nhiều nhưng nhân sự luôn thiếu. Đợt ấy chúng tôi quyết định tuyển thêm nhân viên, tôi và anh Lâm giám đốc công ty, đã có buổi phỏng vấn online với một số ứng viên.
Cũng vài năm trôi qua rồi, nhưng cứ nhắc tới việc tuyển nhân sự là tôi lại nhớ về cô bé đó, một cô gái chân thành và thẳng thắn. Cô ấy xin vào công ty chúng tôi với mong muốn làm partime, vì cũng đang cần nhân sự gấp nên chúng tôi đã quyết định thử nói chuyện với cô bé xem sao.
“Quan trọng là hiệu quả mà em đem lại. Còn công ty anh hiện chưa có phòng marketing, nên không nhất thiết em phải fulltime“, anh Lâm mở đầu cuộc phỏng vấn như vậy.
“Em cũng đã tìm hiểu qua thì thấy, hiện nay các kênh truyền thông bên anh như website, fanpage… gần như chưa hoạt động thực sự. Vậy bên anh sẽ cần người làm được tất cả các việc liên quan đến truyền thông. Chứ không có vị trí chuyên biệt như digital marketing, viết content… đúng không ạ?”
“Đúng rồi em, anh sẽ cần những bạn có thể làm được hết tất cả các vị trí”.
''Chỗ cũ em làm phụ trách marketing cũng vậy ạ. Từ việc lên chiến lược, viết content, chạy quảng cáo, seeding ở các cộng đồng… em đều nắm được. Nhưng như vậy em nghĩ anh sẽ cần tuyển fulltime, chứ làm cộng tác viên em sợ mình không đáp ứng được tiến độ bên anh cần”. (“Nghĩ cho nhà tuyển dụng, trời ơi, sao lại có người có thể hiểu chuyện đến vậy, nên tuyển em này sếp ơi” tôi đã nghĩ như vậy trong đầu một cách hào hứng.)
“Em có kinh nghiệm nên chắc hiểu vấn đề của công ty anh rồi. Nếu làm fulltime được là tốt nhất, còn không em hãy cứ làm partime để khai thông con đường đó đã”. Anh Lâm nói từ từ với một nụ cười rất tươi, mà tôi có thể thấy rõ, dù đang ngồi cách xa anh ấy gần chục mét.
“Dạ, vậy em xin phép có thêm mấy ngày để tìm hiểu sản phẩm bên mình, vì trước nay em chưa làm cho mảng công nghệ bao giờ. Làm truyền thông em nghĩ phải yêu công ty, yêu sản phẩm thì mới làm tốt ạ”.
“Cảm ơn em nhé. Em rất thẳng thắn và hiểu nhu cầu của công ty anh. Mong sớm nhận thông tin cụ thể của em, sau đó em có thể bắt đầu đi làm từ tuần sau”. Chúng tôi kết thúc buổi phỏng vấn như vậy, không biết cô bé đã làm được những gì, thành tích ra sao, nhưng chúng tôi biết mình đã nghe được những gì mình cần vào lúc này.
Sau này, Ái Liên đã trở thành trụ cột trong công ty chúng tôi, chính em ấy, đã gần như tạo ra cú hích về truyền thông cho những sản phẩm đầu tiên, cũng như thương hiệu của chúng tôi trên thị trường.
Mỗi lần tuyển người mới, Ái Liên đều khuyên các bạn ứng tuyển một câu, mà tới nay tôi vẫn nhớ: “Nghe thấy điều họ không nói, nói điều họ muốn nghe, nó có sức mạnh tương đương nhau. Để làm được vậy, em sẽ cần biết bản thân mình có cái gì, nhưng đừng bao giờ quên gắn nó với điều mà nhà tuyển dụng của mình cần. Đừng nói nhiều, hãy nói đủ và đúng”.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Megara, tác giả bộ sách “Khéo léo khôn ngoan gặp toàn chuyện tốt” và “Bắt tay chạm ngay linh hồn”.