Chiều 15/6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018. Tham dự chỉ đạo hội nghị có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và TC đào tạo giáo viên trong toàn quốc.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến qua 5 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.
Tại đầu cầu TPHCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bày tỏ băn khoăn về công tác coi thi THPT quốc gia phải thực hiện nghiêm để đảm bảo cho việc vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH. PGS.TS nói: “Cần có quy định chung đảm bảo công tác coi thi nghiêm túc. Một số năm xảy ra một số tiêu cực, thí sinh nộp giấy trắng nhưng sau đó lại được rút ra viết bài vào đo đó, phải yêu cầu thí sinh gạch chéo ngay trước mặt giám thị. Đặc biệt, phải đưa thêm một số điều kiện để phòng tình huống tiêu cực xảy ra”.
Trả lời việc này ông Nam Nhật Minh, Phó phòng Quản lý thi và tuyển sinh, Cục quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT khẳng định rằng không thể có chuyện bài thi lấy ra để tô lại hoặc bổ sung bài làm được. “Thùng đựng bài thi phải có khóa niêm phong và có công an bảo vệ 24/24… Năm nay thanh tra Bộ GD-ĐT và thanh tra Sở giám sát việc chấm thi trắc nghiệm, đảm bảo theo đúng quy định chặt chẽ”.
Phát biểu đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh cho biết mục đích tổ chức hội nghị là bàn về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018. Bộ trưởng Nhạ nhìn nhận, ba năm nay chúng ta thực hiện kỳ thi “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp vừa phục vụ tuyển sinh. Năm đầu có nhiều thành công nhưng cũng bộc lộ không ít vấn đề. Năm 2016 và 2017 kỳ thi đã tốt lên nhiềunhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Bộ trưởng Nhạ cũng lưu ý, năm nay cần khắc phục những bất cập để thực hiện kỳ thi tốt hơn nữa. Đặc biệt từ công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không sơ sót, không lọt lạc đề thi như việc lọt đề thi vừa rồi ở kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội vừa qua.
“Việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh cũng phải bài bản, đúng theo quy chế. Kinh nghiệm cho thấy nguyên nhân gốc rễ của những sai sót là giám thị không nắm rõ quy chế, không đọc, đọc tắt quy chế”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra một số hạn chế của công tác xét tuyển năm trưc như; nguyện vọng xét, điểm đầu vào, chỉ tiêu… Bộ trưởng cho rằng, các trường được phép tự chủ nhưng phải chịu trách nhiệm, trước hết là chất lượng đầu vào và sinh viên đầu ra.
Lưu ý về công tác tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng đề nghị các trường ĐH, dù khó khăn nhất cũng không thể “vơ” bằng mọi cách. Thương hiệu trường được xây dựng từ điểm đầu vào, điểm đầu vào thấp quá vừa không đào tạo được vừa ảnh hưởng chất lượng đào tạo.