Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Sau 'địa chấn' sai phạm thi THPT quốc gia, có nên duy trì kì thi hai trong một?

Theo Đời sống & Pháp lý Theo dõi Saostar trên google news

PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM chia sẻ ý kiến về việc có nên tiếp tục duy trì kì thi 'hai trong một' hay không trước những vụ việc tiêu cực xảy ra thời gian gần đây.

Bỏ thi tốt nghiệp là chuyện lớn

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng: “Dự thảo Luật Giáo dục hiện hành, Điều 32, có ghi học sinh phải thi THPT, nếu đặt lại vấn đề có nên tổ chức thi hay không thi tốt nghiệp THPT thì là chuyện lớn.

Hiện nay nếu không thi tốt nghiệp, thì e rằng học sinh sẽ không có động lực học tập, các trường có thể cho các đánh giá điểm chưa thật chặt chẽ, và hệ quả là hầu như tất cả học sinh sẽ tốt nghiệp, trừ trường hợp rất rất đặc biệt như bỏ học, bỏ thi học kì, hay có liên quan luật pháp… Lúc đó chất lượng nhân lực của cả nước sẽ là vấn đề lớn.

Vậy nên, theo tôi, trước mắt vẫn cần phải thi tú tài, kì thi này sẽ là chế tài, nhằm cung cấp nguồn nhân lực đạt chất lượng nhất định cho thị trường, dù các học sinh sẽ học tiếp lên bậc cao hơn hay tham gia thị trường lao động ngay”.

Theo ông Nghĩa, muốn bỏ thi tú tài, ngành giáo dục cần có chủ trương, biện pháp tăng cường chất lượng công tác đánh giá quá trình thực chất hơn, chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, bàn về việc tuyển sinh ĐH hay CĐ, vì mục đích thi tú tài là đánh giá học sinh phổ thông, không phải đánh giá vào ĐH - CĐ, nên các trường chỉ nên dựa một phần vào phương thức này..

“Dần dần, các trường ĐH phải nâng cao trách nhiệm tự tuyển sinh, bằng cách kiểm tra đánh giá học sinh đủ năng lực học ở trường mình hay không. Quan trọng nhất là xác định đúng yêu cầu của trường và tổ chức tuyển chất lượng, thực chất, chứ không phải chỉ là qui mô.

Nếu đầu vào không tốt, trong quá trình đào tạo công tác kiểm tra, thi cử cũng không thật chặt chẽ, thì rất dễ dẫn đến đầu ra cũng sẽ không bảo đảm chất lượng, trường sẽ không thực hiện được tầm nhìn, sứ mạng của mình như đã công khai phát biểu với xã hội, hơn nữa trường cũng sẽ khó phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cần tăng cường hơn nữa vai trò kiểm soát chất lượng. Không vì chủ trương tăng tự chủ cho các trường mà 'thả phanh', không đảm bảo chất lượng tối thiểu được”, ông Nghĩa nói.

Trước tình trạng gian lận thi cử xảy ra thời gian gần đây, nhiều người đề xuất quay lại hình thức thi tốt nghiệp và đại học độc lập. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa: “Quay lại thi ĐH như trước là không nên. Chúng ta đã mất khá nhiều năm để thay đổi tư duy, hướng theo thông lệ quốc tế, đó là sử dụng nhiều phương thức phong phú nhằm tuyển chọn được và quan trọng là tuyển chọn đúng sinh viên vào học đại học.

Các trường cần chủ động, sáng tạo ra những cách tuyển mới, tốt hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn với bối cảnh riêng của trường mình, chứ không chỉ tuyển thuần túy thông qua đánh giá kiến thức đã học ở cấp dưới”.

“Vẫn cần phải thi tú tài, kì thi này sẽ là chế tài, nhằm cung cấp nguồn nhân lực đạt chất lượng nhất định cho thị trường”, PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa nói. (Ảnh tư liệu minh hoạ: Hoàng Thương)

Tuyển sinh đại học bằng xét học bạ chưa thực sự chuẩn hóa

Hiện nay có rất nhiều trường sử dụng phương án xét học bạ. Ông Nghĩa nhận xét: “Trong khoa học đánh giá, ba yếu tố cốt tử là độ giá trị, độ tin cậy và tính công bằng. Xét học bạ hiện nay đã bảo đảm ba yếu tố ấy hay chưa, vì mỗi trường THPT, thậm chí mỗi thầy cô, sẽ cho điểm khác nhau, đánh giá quá trình học tập khác nhau, chưa thực sự chuẩn hóa?

Trước mắt có thể dựa vào những trường THPT đã khẳng định chất lượng thông qua kết quả thi tú tài nhiều năm. Ví dụ như ĐH Quốc gia TP HCM chỉ tuyển học sinh từ một số trường THPT top đầu cả nước, với chỉ tiêu không cao”.

Ông Nghĩa khuyến cáo, các trường cần nghiên cứu định lượng về học lực các nhóm sinh viên tuyển vào theo các phương thức khác nhau sau các năm thứ nhất, thứ hai…nhằm mục đích điều chỉnh và cải tiến chính sách tuyển sinh cũng như có biện pháp hỗ trợ người học trong quá trình học tập tại trường để đạt được chuẩn đầu ra đã công bố.

Nếu tuyển sinh bằng học bạ như hiện nay, có thể trong một lớp đại học có nhiều mức năng lực khác nhau, chất lượng đào tạo cũng khác nhau, nếu trường chưa có biện pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ, dẫn tới một số hệ lụy như như lãng phí nguồn lực (thời gian, tiền bạc, công sức…) của xã hội, chất lượng đầu ra có thể không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động.

Chúng ta dần dần cần học hỏi và áp dụng kinh nghiệm của các trường đại học nước ngoài trong việc gìn giữ đội ngũ người học, trong đó công tác hỗ trợ người học không chỉ trong học tập mà còn mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày là rất quan trọng.

“Căn nguyên của nhiều việc đã nói trên là công tác đánh giá học sinh ở các trường THPT còn chưa thật sự mang lại độ tin cậy cho xã hội. Toàn ngành cần cải thiện công tác này, tuy biết là khó khăn và lâu dài”, ông Nghĩa kết luận.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Đời sống & Pháp lý

Được quan tâm

Tin mới nhất