Tấn công tình dục là vấn nạn nhiều quốc gia đã và đang phải đối mặt. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ đã đưa ra nhiều biện pháp để lên án kẻ biến thái: poster tuyên truyền được dán trên phố, các buổi hội thảo tại trường học nhằm nâng cao nhận thức,…
Ở Nhật Bản, nhằm cảnh báo về nạn tấn công tình dục, trên những chuyến tàu điện thường xuất hiện tấm poster về chikan, tức “kẻ biến thái” thường giở trò sờ soạng phụ nữ ở nơi đông đúc mà nạn nhân chủ yếu là nữ sinh.
Nhiều tổ chức, sở cảnh sát cũng sử dụng nhiều biện pháp để khuyến khích nạn nhân báo cáo về vụ tấn công tình dục cũng như lên tiếng bảo vệ nữ sinh chống lại chikan.
Tấm poster của một trường học cảnh báo nguy cơ từ váy ngắn thay vì nhắm vào những kẻ biến thái đã bị nhiều người lên tiếng chỉ trích, theo Sora News24 ngày 20/1. Trên tấm poster là dòng chữ “Chiếc váy ngắn mà bạn nghĩ là dễ thương sẽ dẫn đến tấn công tình dục”, “Hãy coi chừng chikan” cùng hình vẽ nữ sinh mặc váy có độ dài trên đầu gối.
Một người dùng Twitter đã đăng hình ảnh tấm poster do em gái nhìn thấy và gửi cho cô cùng bình luận: “Điều này thật lố bịch”. Bài đăng sau đó bị xoá nhưng hình ảnh vẫn được nhiều người lưu giữ và đã nhanh chóng xuất hiện trên các mặt báo. Phần đông đều có phản ứng dữ dội với thông điệp của tấm poster và cho rằng độ dài ngắn của đồng phục cũng như nạn nhân không đáng bị đổ lỗi cho những hành động của kẻ biến thái.
Một trong những nhà sản xuất đồng phục học sinh lớn nhất Nhật Bản, Kanko, đã tạo ra tấm poster này. Trên website chính thức của công ty cho biết tấm poster ra đời năm 2012, được thiết kế như một phần của chương trình nâng cao nhận thức về nạn tấn công tình dục, cung cấp mẹo tự vệ và kiến thức cần thiết cho học sinh mà công ty này phối hợp tham gia cùng cảnh sát.
Kanko thừa nhận tuyên bố váy ngắn dẫn đến nạn tấn công tình dục đã ngầm đổ lỗi cho phụ nữ. Nhà sản xuất đồng phục gửi lời xin lỗi đến mọi người về thông điệp sai lệch và hứa sẽ không tái phạm. Sau đó, ngày 15/1, tấm poster đã bị gỡ bỏ khỏi các trường học Nhật Bản.
Phải mất đến sáu năm để tấm poster được chú ý rộng rãi và thông điệp trên đó bị phản đối gay gắt. Tuy nhiên, những trường hợp do chikan gây ra vẫn chưa có dấu hiệu biến mất. Từ chikan trở nên rất phổ biến khi được chính phủ Anh sử dụng trong hướng dẫn trực tuyến về du lịch Nhật Bản.
Những tranh cãi xung quanh tấm poster này phần nào nhắc nhở phụ nữ cần lên tiếng, báo cáo với nhà chức trách để góp phần xoá bỏ vấn nạn. Dù mặc trang phục gì, phụ nữ không có lỗi trong các vụ tấn công tình dục bởi đụng chạm người khác khi không được phép là hành vi sai trái cần lên án.