Hôm nay (9/8), gần 867.000 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là một kỳ thi chưa từng có trong tiền lệ vì được tổ chức trong những ngày tháng 8, khi mà những tưởng các năm học trước, đây là khoảng thời gian ai cũng đã tìm được trường đại học phù hợp với bản thân.
Tình hình dịch COVID-19 khiến công tác tổ chức thi đặt trong sự chặt chẽ, cẩn trọng tối đa. Tại các điểm thi lực lượng an ninh, sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi, nhân viên y tế, giáo dục hỗ trợ tốt nhất cho các phụ huynh và học sinh.
Đợt thi THPT quốc gia lần này quyết định tương lai, số phận của các sĩ tử. Bên cạnh học lực thì tâm lý các thí sinh là yếu tố rất quan trọng. Nhiều phụ huynh dù nhà cách điểm thi không xa nhưng thay vì về tất cả đều ngồi vật vờ ngoài cổng trường trong nắng, mưa chờ đợi con mình. Tất cả phụ huynh đều muốn con mình thi thật tốt.
Ngồi bên ngoài cổng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, bà Mai Lan Anh (nhà ở đường Văn Cao, quận Tây Hồ) chia sẻ, quãng đường từ nhà đến điểm thi của con chỉ khoảng 15-20 phút thế nhưng bà muốn đứng chờ con bên ngoài.
“Cả đời con có ngày thi quan trọng nhất nên tôi cũng chẳng yên tâm khi về nhà. Tôi muốn ở đây chờ thấy con bước từ phòng thi ra. Có lẽ thấy mẹ chờ bên ngoài tâm lý con sẽ yên tâm, tự tin hoàn thành bài thi tốt hơn", bà Lan Anh bày tỏ.
Theo bà Lan Anh kỳ thi năm nay diễn ra muộn hơn do dịch COVID-19 thế nhưng các trường có kế hoạch điều chỉnh phù hợp cho con. Lo tâm lý của con áp lực bà dành thời gian quan tâm con trai nhiều hơn.
Nhiều đêm chuẩn bị đồ ăn để con ôn thi tốt. Năm nay nguyện vọng của con bà Lan Anh muốn xét tuyển vào Trường Khoa học xã hội và Nhân văn và Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
“Sợ con cuồng học nên lúc nao cũng phải để ý đến con, những ngày này mẹ cũng hạn chế tụ tập với bạn bè ở nhà chăm con. Trước khi con bước vào phòng thi tôi nắm tay dặn con bình tĩnh tự tin con nhé, đâu rồi sẽ vào đó. Mẹ ở ngoài chờ con.
Con trai tôi sợ mẹ nắng nên bảo ‘mẹ ra chỗ mát ngồi nhé’. Tôi sẽ bên cạnh đồng hành cùng với con. Tôi mong con cùng những thí sinh khác vượt qua vũ môn một cách tốt nhất”, bà Lan Anh chia sẻ.
Ngồi gần bà Lan Anh, bà Hạnh nhà ở quận Tây Hồ cũng tỏ ra vô cùng lo lắng. Bà bảo: “Con thi có nỗi lo của con còn cha mẹ có nỗi lo của cha mẹ”. Những ngày qua bà Hạnh cùng người thân luôn động viên con trai nghỉ ngơi, ôn thi phù hợp.
“Ngày nào cũng nghĩ xem con ăn gì, giấc ngủ của con. Con trống thời gian nào thì lại chèn đồ ăn cho con vì sợ đói. Con tôi sợ mẹ mệt cứ bảo mẹ suốt ngày nghĩ ăn với uống, dịch COVID-19 tôi cũng sợ con ốm”, người mẹ này nói.
Ngay từ khi học lớp 10 bà Hạnh đã định hướng cho con học và có lịch trình học, ôn luyện sớm. Chính vì vậy tháng cuối cùng trước khi thi bà muốn “con có tâm lý thoải mái, ôn thi cả năm dành tháng cuối nghỉ ngơi”.
Bà Hạnh thành thật chia sẻ: “Con có nguyện vọng vào trường Đại học giao thông vận tải. Hôm nay và ngày mai con thi nhưng tôi sẽ không hỏi con làm bài có được không. Tôi muốn con bình tĩnh lo thi tốt đã. Khi nào con thi xong sẽ hỏi con sau. Nay tôi đưa con đi thi còn chồng ở nhà phụ giúp lo cơm nước để con yên tâm thi tốt nhất”.
Ngồi trên xe máy đợi ngoài cổng trường, ông Trần Đăng Khoa (ở Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi động viên con bình tĩnh. Cả đời con thi 1 lần nên muốn đợi con bên ngoài cho con yên tâm. Mình không đặt nặng việc thi của con, chỉ mong sao con thoải mái nhất. Tôi lo đưa con đi thi rồi đón về còn vợ thì ở nhà lo cơm nước cho con”.
Ngồi ngoài cổng Trường Lương Thế Vinh, chị Nhung (44 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trước khi vào phòng thi chị động viên con bình tĩnh, tự tin. Chị Nhung cũng dặn con đeo khẩu trang đảm bảo an toàn.
“Tôi không lo lắng bởi vì công tác tuyên truyền của cả nước mình đã làm rất tốt và các con cũng hiểu điều đó trong đợt dịch COVID-19 thứ 2. Đặc biệt công tác chuẩn bị cho kỳ thi thi đều rất tốt và các thầy cô cũng dặn dò các con rất kỹ. Tâm lý của mẹ vẫn luôn hướng theo con, vẫn nhìn theo bước chân của con xem con thế nào có bước vào tự tin hay không, với mẹ và con vẫn luôn có mối dây liên hệ tình cảm”, chị Nhung bày tỏ.