Có những bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khiến các học sinh, sinh viên tốt nghiệp, thậm chí là giáo sư đại học cũng phải lúng túng bởi sự không rõ ràng từ khâu ra đề.
Mới đây, một phép toán nằm trong đề thi lớp 3 của một trường tiểu học tại Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi cho phụ huynh.
Đề bài như sau: Số tuổi của Tiểu Minh là 8. Tuổi mẹ năm sau gấp bốn lần tuổi con. Hỏi mẹ Tiểu Minh bao nhiêu tuổi?
Trên thực tế, câu hỏi này là khá mập mờ. Vế thứ hai trong đề bài "tuổi mẹ năm sau gấp bốn lần tuổi con" thực chất có thể hiểu theo hai nghĩa: Một là tuổi mẹ năm sau gấp 4 lần tuổi Tiểu Minh năm nay, cũng có thể hiểu là tuổi mẹ năm sau gấp 4 lần tuổi Tiểu Minh năm sau.
Có hai cách giải cho bài toán này, cụ thể là:
Trường hợp 1: Tuổi mẹ năm sau gấp 4 lần tuổi con năm NAY
=> Tuổi mẹ năm sau là: 8 x 4 = 32 tuổi. Và tuổi mẹ hiện tại là 31.
Trường hợp 2: Tuổi mẹ năm sau gấp 4 lần tuổi con năm SAU
=> Tuổi mẹ năm sau là: (8 1) x 4 = 36. Và tuổi mẹ hiện tại là 35.
Trong đó, số lượng học sinh đưa đáp án 31 tuổi nhiều hơn. Tuy nhiên, giáo viên thống nhất đáp án đúng là 35 tuổi và các học sinh có câu trả lời 31 đều bị chấm 0 điểm.
Cô giáo sau đó giải thích: Tuổi mẹ năm sau gấp 4 lần tuổi con, đề bài không nói rõ tuổi của Tiểu Minh là năm nay hay năm sau, nên theo cách hiểu thông thường thì sẽ là tuổi vào năm tới, vì vậy câu trả lời phải là 35 tuổi.
Cách giải thích được cô giáo đưa ra khiến phụ huynh không đồng tình và cho rằng con mình không sai, lỗi là ở khâu ra đề. Việc ra đề không rõ ràng này chẳng khác nào đánh đố học sinh và khiến các em dễ mất điểm oan.
Phụ huynh cũng đưa ra quan điểm rằng, khi học sinh tiểu học làm toán, điều quan trọng nhất là phải hiểu ý nghĩa câu hỏi. Do đó, đề bài cần phải tường minh, một nghĩa, một đáp án chính xác để tránh việc trẻ hiểu theo nhiều cách, dẫn đến làm bài sai và mất hứng thú khi học môn học này.