Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nữ thủ khoa dân tộc Mường từng gạt nước mắt từ bỏ giảng đường: 'Nhờ cô giáo và mọi người, em được đi học rồi!'

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Sự nỗ lực và quyết tâm đã giúp Nhung có thể tự tin bước về phía trước. Có thể những ngày qua thật buồn và nhiều nước mắt, nhưng nhờ những con người xa lạ, ước mơ giảng đường của em đã được chắp cánh.

Biết mình đỗ thủ khoa, nhưng đâu dám vui…

Thôn Làng Pheo thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây đất đai cằn cỗi, cư dân thưa thớt và là địa bàn có nhiều người Mường sinh sống. Phần đông các gia đình nơi đây đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc cũng chỉ đắp đổi qua ngày.

Chúng tôi quyết định tìm về thôn Làng Phèo sau lời chia sẻ của một cô giáo. Từ tận đáy lòng mình, cô Lê Thị Hoa (giáo viên môn Ngữ Văn - trường THPT Thọ Xuân 5) mở lời về lứa học trò tuy sống trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng đầy bản lĩnh.

Em Hà Thị Nhung - Thủ khoa ngành Tâm lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục.

“Đã mấy đêm rồi cô mất ngủ vì suy nghĩ miên man về những học trò nghèo khó nhưng hiếu học. Trong 12 năm đi dạy, chưa bao giờ cô có học sinh đậu thủ khoa như năm nay. Nhưng cô chẳng dám vui vì em bảo rằng: “Cô ơi! Em cũng muốn được đi học Đại học lắm nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn nên em sẽ đi làm”. Cô đã cố gắng động viên gia đình em để em được tiếp tục thực hiện ước mơ nhưng…. Cô buồn quá em à!”.

Em Hà Thị Nhung (học sinh lớp 12 trường THPT Thọ Xuân 5) là một trong những lứa học sinh xuất sắc của cô giáo Hoa. Người con gái 18 tuổi dân tộc Mường thực sự bản lĩnh với nỗ lực 200% đã giành điểm số 25,75 tổ hợp 3 môn Văn - Sử - Địa để trở thành thủ khoa ngành Tâm lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục (TP. Hà Nội).

Chẳng ai như Nhung cả, biết tin mình đỗ thủ khoa nhưng em lại chẳng dám vui. Nhà nghèo quá, Nhung tính bỏ học đi làm công nhân kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Căn nhà nhỏ của Nhung nằm tại một làng nghèo ở vùng núi Thanh Hóa..

“Chúng tôi không đủ tiền trang trải 4 năm Đại học cho con”

Nên duyên vợ chồng từ thời mười tám, đôi mươi, chú Hà Văn Sáu và cô Hà Thị Thoa dắt nhau từ vùng quê nghèo Triệu Sơn lên Làng Phèo để lập nghiệp. Sinh được 7 người con, Nhung là con thứ 7 - đứa con “dốt” trong gia đình. Để có thể tìm đến căn nhà gỗ cấp 4 của chú Sáu, cô Thoa, đoạn đường bùn đất, thỉnh thoảng sạt lở là một thách thức cực lớn. Bà con nơi đây quanh năm cứ đến mùa mưa lại nơm nớp lo sợ thiên tai.

Cả gia đình Nhung là người dân tộc Mường, chủ yếu bám vào sào ruộng là chính. Năm ngoái, cô Thoa bị tê cứng thần kinh dẫn đến liệt nửa người. Sang năm nay, đến lượt chú Sáu phát bệnh. Sau một lần cấp cứu tưởng chết, bác sĩ chẩn đoán chú bị suy tim giai đoạn cuối. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà bây giờ đều một tay cô Thoa gánh vác, chú Sáu không làm được gì nữa. Chú thỉnh thoảng đi lại ngoài sân rồi quẩn quanh trong vườn, chú hầu như không nói gì, chỉ im lặng và quan sát mọi người.

Bố mẹ Nhung - cô Thoa và chú Sáu.

Chú Sáu bị bệnh nặng, đều đặn mỗi tháng nhập viện một lần.

Nhà nghèo, cô chú tích cóp mãi cũng không mua nổi cho Nhung con xe đạp đi học, trong khi nhà cách trường phải đến 10 cây số. Thế là Nhung đi bộ. Ngày nắng không sao nhưng hễ trời mưa, con đường làng trở nên trơn trượt và đầy rẫy rủi ro.

Một thời gian sau, bố mẹ cố gắng mua chịu con xe đạp giá một triệu cho bé út đi học.

“Được sự dạy dỗ, chăm sóc tận tình từ các thầy cô giáo, em nó phấn đấu học tập và cũng nhận được nhiều giấy khen của trường, huyện và tỉnh. Gia đình nỗ lực từng ngày cho con ăn học nhưng nghèo quá, chúng tôi nghĩ không đủ tiền trang trải 4 năm Đại học cho con” - cô Thoa tâm sự.

Mọi gánh nặng trong nhà đều một tay cô Thoa lo liệu.

Xác định tư tưởng thi xong THPT Quốc gia sẽ lên thành phố đi làm kiếm tiền, Nhung xách ba lô thẳng tiến công ty may Hải Dương xin một suất làm công nhân. Thậm chí, khi có điểm thi và biết mình đậu Đại học, Nhung vẫn không có ý định đăng ký xét tuyển để theo học. Sau 2 tuần, Nhung nhận được một cuộc điện thoại đặc biệt.

“Nhung à, em đỗ Thủ khoa rồi, thôi về nhà đi em”. 

Cô Hoa gọi điện thuyết phục đứa học trò nhỏ xuất sắc của mình. Một phép màu đã lóe sáng nơi thôn Làng Phèo quanh năm nghèo khó, nơi có cô thủ khoa đầu tiên với nghị lực và bản lĩnh phi thường. Nghe lời cô giáo, Nhung bỏ may, về nhà.

Trước khi quyết định về nhà chuẩn bị nhập học, Nhung từng là một công nhân may ở Hải Dương.

“Cảm giác nghe tin con đỗ thủ khoa rất là vui mừng, thế nhưng cũng hơi áy náy. Nghĩ cũng thương con nhưng điều kiện quá khó khăn. Chúng tôi đành phải từ chối với thầy cô giáo thôi, nhà nghèo lắm rồi”.

Bố mẹ Nhung không đồng ý cho con gái mình lên thành phố học Đại học, mà chính xác hơn sự nghèo đói nó không cho phép. Câu chuyện tương lai của Nhung vừa mới lóe sáng đã chực tắt. Nhung khóc và suy nghĩ rất nhiều. Nếu em đi học chắc chắn bố mẹ sẽ vất vả hơn, không có điều kiện để trang trải cuộc sống.

Bằng khen treo đầy nhà em Nhung.

Bằng khen treo đầy nhà em Nhung.

Thực ra ước mơ to lớn nhất trong suy nghĩ của cô học trò nghèo, vẫn là một lần được bước vào cánh cổng Đại học. Giữa lằn ranh từ bỏ hay tiếp tục, đã có lúc Nhung khóc và ra sức thuyết phục bố mẹ mình: “Bố mẹ, xin cho con được đi học!”.

Đáp lại con gái, cô Thoa chỉ biết ngậm ngùi. “Con ơi bây giờ điều kiện nhà mình khó khăn lắm, học 4 năm bố mẹ chẳng biết lấy tiền đâu nuôi con”.

Một lần nữa, Nhung tính ra Hải Dương tiếp tục nghề may, dù con đường phía trước em tươi sáng hơn rất rất nhiều lần ánh đèn trong xưởng sản xuất. “Em rất vui mừng vì mình không làm thầy cô và mọi người thất vọng, nhưng hoàn cảnh không cho em cơ hội đi học.

Nếu có một phép màu được ra Hà Nội, em sẽ cố gắng hết sức học tập”.

Căn nhà nhỏ của người dân tộc Mường, những đứa em họ của Nhung.

Người mẹ thứ hai mang tên cô giáo và lòng tử tế của những người lạ

Nếu nói không ngoa thì Nhung có hai người mẹ. Cô Thoa là mẹ đẻ của Nhung, còn cô giáo Lê Thị Hoa là người giúp em có cơ hội “đổi đời”. Với tâm huyết hơn 12 năm làm nghề, cô Hoa nhiều đêm trăn trở về lứa học trò năm nay của mình. Ba em học sinh xuất sắc nhất đều xuất thân từ vùng quê Làng Phèo quá nghèo khổ. Bản thân mỗi em đều có thực lực nhưng tương lai chỉ dựa vào mỗi thực lực thôi vẫn chưa đủ.

Cô Hoa quyết định giúp đỡ và thuyết phục bố mẹ Nhung. Cô xuống tận nhà học sinh để xin phép cô Thoa và chú Sáu cho Nhung được đi học. Việc suy nghĩ trước mắt là tương lai sau này của con cái, còn tiền bạc cứ để mọi người xung quanh giúp đỡ.

Sau nhiều cố gắng, cuối cùng Nhung đã thuyết phục được bố mẹ cho em đi học Đại học.

Sau lời kêu gọi của cô giáo Hoa, đã có rất nhiều cá nhân, các mạnh thường quân xin đứng ra hỗ trợ chi phí học tập 4 năm cho em Nhung. Các mạnh thường quân cho biết sẽ gửi tiền học phí đến thẳng giảng đường nơi em học, đảm bảo Nhung có thể đến lớp mà không lo về học phí. Hiện tại, cô Hoa đã ngưng nhận tài trợ vì số tiền học phí đã đủ cho 4 năm học của Nhung.

“Nhung là học sinh chăm chỉ, sống hòa đồng với bạn bè, luôn nhiệt tình và có ý thức xây dựng tập thể. Đặc biệt em rất nỗ lực trong học tập. Trước đây em ấy đặt mục tiêu là học Đại học, sau đó là vì điều kiện gia đình nên luyến tiếc từ bỏ ước mơ. Bao đêm em nhắn tin tâm sự với tôi về việc gia đình không đồng ý.

Nhưng tuyệt vời quá rồi, cuối cùng Nhung cũng đã được đi học. Ngày em báo tin “Cô ơi, em được đi học rồi”, tôi vui lắm” - cô Hoa tâm sự.

Cả gia đình vui mừng chờ ngày làm mâm tiệc nhỏ mời bà con đến trước khi Nhung lên Hà Nội học tập.

Ngày 16/8 tới, Nhung sẽ chính thức là tân sinh viên của Học viện Quản lý giáo dục. Nghĩ về viễn cảnh trước mắt, em háo hức lắm. Nhung dự định sẽ ra sớm 2 ngày để chuẩn bị làm thủ tục và gặp gỡ bạn bè. Để tiết kiệm chi phí cho gia đình, em sẽ đăng ký ở ký túc xá. Và nếu lịch học rảnh rỗi, Nhung cũng sẽ đi làm thêm để kiếm tiền đỡ phần nào cho cha mẹ.

“Ước mơ sau này của em là trở thành nhà tư vấn tâm lý. Em cảm ơn nhất là bố mẹ đã sinh và nuôi em khôn lớn. Em biết ơn cô Hoa - cô giáo chủ nhiệm, người đã nâng đỡ em, giúp em bước vào giảng đường Đại học. Cô đã dìu dắt em rất nhiều. Trong thời gian ôn thi, cô cố gắng dạy em, đưa em về nhà dạy miễn phí. Và cả những mạnh thường quân em chưa gặp bao giờ, em mang ơn họ rất nhiều.

Em xin hứa cố gắng học tập thật tốt để sau này có công việc ổn định, trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Sự nỗ lực và quyết tâm đã giúp Nhung có thể tự tin bước về phía trước. Có thể những ngày qua thật buồn và nhiều nước mắt, nhưng cái chính là bầu trời trong xanh vẫn đang trước mắt mình đấy thôi. Đôi khi nhờ những con người xa lạ, bằng một cách nào đó đã chắp cánh cho những số phận không may mắn.

Rời vùng quê Làng Phèo nghèo khó, chúng tôi quyến luyến hỏi Nhung một câu cuối.

Nụ cười hồn nhiên trong sáng của Nhung.

“Hết buồn rồi đúng không? Đừng khóc nữa em nhé!”.

Nhung cười, một nụ cười tươi và trong trẻo. Dù đoạn đường sau này chắc chắn còn nhiều gian lao, nhưng chúng tôi tin, bằng bản lĩnh của mình cô học trò nhỏ sẽ phát huy được sức mạnh tiềm tàng của người dân tộc Mường. Luôn hướng về tương lai, về phía ánh sáng, em nhé!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất