Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nữ sinh lọt top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô: 'Giành HCV Olympic cũng chỉ vui như lúc khám phá ra đáp án vì sao lại thế'

Lớp 11 giành HVB Olympic Quốc tế Sinh học, lớp 12 giật tiếp HCV và hiện đang là sinh viên ngành Y sinh - một trong những ngành học khó nhưng tiếp xúc với Nguyễn Phương Thảo, người ta lại thấy đó là cô gái tự tin, sâu sắc chứ không phải "mọt sách" đeo kính cận như nhiều người vẫn hình dung.

Học môn Sinh vì muốn tự mình trả lời 10 vạn câu hỏi vì sao lại thế?

Giành nhiều thành tích đáng nể với môn Sinh học nhưng ít ai biết, trước kia Phương Thảo từng là học sinh chuyên Toán, có điểm thi môn Toán vào 10 cao vượt trội so với các môn còn lại. Giữa lúc mọi người tin chắc cô bạn sẽ chọn Toán để theo đuổi thì Thảo lại đột ngột rẽ ngang với một lời khẳng định chắc chắn: Sẽ dốc sức theo đuổi môn Sinh.

Nguyễn Phương Thảo - Một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2018.

“Hồi đó lớp chuyên Toán toàn con trai nên vừa nhìn mình đã thấy hãi rồi. Với lại cô giáo Đỗ Thị Thanh Huyền bên trường chuyên Khoa học Tự nhiên dạy Sinh quá hay nên mình nghĩ nếu học cô, mình sẽ có một tương lai lâu dài hơn.

Ngoài ra vì ôn Toán cần rất nhiều thời gian. Nếu muốn thi Olympic Toán phải cày cuốc từ những năm lớp 6-7. Vì thế, mình nghĩ Sinh học là lựa chọn đúng đắn, phù hợp hơn“, Thảo chia sẻ lý do theo đuổi con đường Sinh học của mình.

Tuy nhiên đối với nữ sinh, tất cả những nguyên cớ trên cũng chỉ là điều thứ yếu. Lý do quan trọng nhất của Thảo có lẽ là từ ngày còn bé xíu, cô nàng đã có niềm đam mê bất tận với thế giới động - thực vật.

Từ nhỏ, Thảo có đã có đam mê nghiên cứu về thế giới động, thực vật.

Trong cuộc đời cô, người có ảnh hưởng nhiều nhất đến niềm đam mê ấy có lẽ là bà ngoại. Ngoại Thảo từng làm bác sĩ ở chiến trường và có 1 cuốn sách gối đấu giường là “Cây cỏ Việt Nam”. Bà thông thạo từng loại cây, biết rõ công dụng, tác hại của chúng và sử dụng để làm thuốc. Khi còn sống, bà thường rất thích trồng cây và dành riêng một khoảnh đất để lúc nào cũng có thể miệt mài với việc gieo trồng tất cả những thứ mình thích.

Lúc còn bé hay ngay cả khi đã lớn, Thảo đều thích về thăm bà, được cùng bà chăm cây và nghe bà kể về những loại cây mới lạ. Cô bé ngày ấy có tính tò mò cực cao và luôn tự đặt cho mình 10 vạn câu hỏi vì sao. Đơn cử như chỉ vì muốn biết dễ cây phát triển như thế nào, Thảo đã đem cây trồng ngang trên giá đỡ và bất ngờ phát hiện ra, dù cố gắng sắp đặt ra sao thì dễ cây vẫn luôn chúc đầu xuống đất để phần ngọn hướng thẳng lên trên.

“Lúc ấy mình rất tò mò vì sao lại như thế và cứ mỗi ngày thì lại có thêm nhiều câu hỏi khác. Ví như vì sao trồng giá đỗ mà che anh sáng thì chiếc giá lại mập và ngắn hơn? Vì sao y học lại có thể ghép tạng cho con người… Có lần mình xem 1 đoạn clip, khi người ta nuôi được một mô cơ tim thành công thì mô cơ ấy luôn đập trong môi trường thí nghiệm. Mình rất bất ngờ vì cứ nghĩ, chỉ khi nào ở trong lồng ngực thì trái tim mới có thể co bóp. Sau này mình mới hiểu, tế bào cơ tim là loại tế bào có tính tự động và luôn đáp ứng phản xạ dù không còn nằm trong cơ thể.

Trong rất nhiều môn học, mình nghĩ Sinh học là môn hiện hữu khắp mọi nơi và có tính ứng dụng nhất”.

Thảo thích học Sinh vì nó có thể giúp cô trả lời 10 vạn câu hỏi vì sao.

Học giỏi Sinh học đã giúp Thảo giải thích được rất nhiều câu hỏi ngày nhỏ thường băn khoăn. Cô hiểu vì sao ông bà mình nhiều tuổi, sau khi tập dưỡng sinh không nên lập tức ngồi mà phải đi bộ vài vòng để tránh gây áp lực lên tim. Nữ sinh cũng lý giải được vì sao không nên ăn cơm nguội, hoa để trong tủ lạnh vì sao không thể nở, cho trái cây vào ngăn đá tại sao khi giã đông lại thường bị nát bét…

Thế giới tự nhiên có bao điều kỳ thú diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Chúng ta vẫn thường quan sát thấy tất cả những điều ấy nhưng lại hiếm khi tự đặt cho nó một câu hỏi rằng rốt cuộc vì sao lại thế? Thường thì phần lớn mọi người cho đó là điều hiển nhiên, là kinh nghiệm cuộc sống, biết vậy để tránh chứ ít khi hiểu cặn kẽ nó dưới góc độ khoa học.

Đối với mình, mỗi khi khám phá ra một cơ chế mới trong tự nhiên, một lý do nào đó lý giải hiện tượng gần gũi xung quanh thì lại cảm thấy rất vui. Cảm giác ấy giống như là đang chiến thắng và vượt qua chính mình. Mình nghĩ, có lẽ lúc giành HCV Olympic thì cũng chỉ vui đến như vậy mà thôi”.

Người từng có ảnh hưởng sâu sắc đến Thảo là bà ngoại cô đã mất vì bệnh ung thư đại tràng. Cô nghi ngờ trong gia đình mình có gen gây ung thư khi cả bà và ông trẻ đều mất vì cùng một căn bệnh.

“Lúc bà mất, mình chỉ ước sau này sẽ tìm ra cách trị bệnh ung thư. Thế nên mình càng quyết tâm học sinh và theo đuổi ngành Y sinh để tìm ra những loại thuốc, phương pháp chữa bệnh mới cho các bác sĩ áp dụng“.

Học để thi Olympic không khó, cái khó nhất là học để giúp mình biến thành người có tài có tâm

Để chuẩn bị cho kỳ thi Olympic, Thảo đã từng có những ngày mải miết học từ 12-15/24h. Cô dành nhiều thời gian sống ở thư viện, phòng thí nghiệm và những quán cafe sách quen thuộc. Ở đó, Thảo mày mò, nghiên cứu đủ mọi thứ.

Có thể nhiều người sẽ nghĩ học hành như vậy quá căng thẳng và áp lực. Tuy nhiên với Thảo, Sinh học lại là một niềm đam mê bất tận nên thay vì chán nản, cô bạn này chỉ thấy vui chứ không biết mệt.

Thảo dành hầu hết thời gian cho việc học tập, nghiên cứu.

Mình nghĩ học sinh Việt Nam rất giỏi, nhất là nền tảng lý thuyết. Mấy năm nay, do điều kiện kinh tế phát triển, phần thực hành cũng được đầu tư nhiều. Vì thế, mình nghĩ giành HCB hay HCV trên đấu trường Olympic Quốc tế cũng không phải là chuyện quá khó khăn“, Thảo nói.

Điều khó nhất với Thảo là học sao cho thành tài. “Ở trường mình thấy các anh chị khóa trên đã lập nhóm nghiên cứu và tìm ra các hoạt chất chống ung thư hiệu quả nhất so với các hoạt chất đang có. Vì ước mơ của mình là tìm ra cách chống căn bệnh này nên mình rất hâm mộ họ.

Thực sự đến giờ Thảo vẫn chưa có một nghiên cứu nào vĩ mô như thế và thấy chặng đường từ HCV Olympic đến một nghiên cứu hữu ích thú vị như thế vẫn còn là thử thách ở trước mắt”.

Nữ sinh tin rằng, trong sự nghiệp học vấn, cái khó nhất không phải là học để đi thi bất cú một kỳ thi hay giải đấu này. Điều khó nhất của việc học là nâng cao hiểu biết của chính mình và biến những kiến thức trong đầu thành cái hiện hữu ngoài thực tế, cống hiến cho xã hội này những điều có ích.

Định nghĩa thành công là không ngừng tiến về phía trước

Nhiều người nghĩ con gái thì không nên làm nghiên cứu khoa học nhưng từ khi chọn đi theo con đường nghiên cứu Sinh học, Thảo lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà ngoại và mẹ.

Bà và mẹ đều đam mê làm nghiên cứu nhưng lại chưa có đủ điều kiện hiện thực hóa giấc mơ ấy. Vì thế, lúc biết mình có ước mơ học Sinh, bà, mẹ đều nhiệt tình ủng hộ”.

Tốt nghiệp cấp 3, dù gia đình ở ngay Hà Nội nhưng Thảo vẫn được bố mẹ động viên thuê ký túc xá để sống cuộc đời sinh viên tự lập. Trở thành sinh viên năm nhất, phải sống xa gia đình, tự lo cho mình từng miếng ăn, giấc ngủ, có đôi lúc Thảo thấy choáng ngợp và mệt mỏi.

Nhưng hễ ngỏ ý muốn về nhà là bố mẹ lại động viên ở lại KTX. Bố mẹ chỉ sợ mình học nhiều bị ngố nên một mực đẩy đi. Thế mà mình ở mãi cùng thành quen và mình nghĩ, quả thực đời sinh viên phải ở trọ hay ở KTX, phải xa gia đình thì mới có cơ hội để trưởng thành hơn”.

Gia đình Thảo rất đặc biệt. Bố mẹ cô quan tâm các con nhưng luôn dành cho chúng phần đất riêng để tự do phát triển. Ngoài việc ủng hộ Thảo sống độc lập, bố mẹ cô còn chấp nhận để em trai Thảo học nghề thay vì học tiếp lên cấp 3.

Lúc đầu mọi người cùng muốn em mình học cấp 3, học ĐH nhưng rồi khi nhận thấy niềm đam mê của em ấy thì mọi người liền ủng hộ. Từ khi em mình học nấu ăn, cậu bé tỏ ra rất vui vẻ, thích thú, quyết tâm trở thành một đầu bếp giỏi.

Mình nghĩ con người ta sinh ra không ai giống ai. Mỗi người có đam mê, sở thích riêng. Mỗi người sẽ làm một công việc khác nhau. Nếu ai cũng giống ai thì thế giới này chắc sẽ nhạt nhẽo lắm. Vì thế, phương châm sống của tất cả các thành viên trong gia đình mình là không ngại sự khác biệt”.

Theo Thảo, có được suy nghĩ này là bởi các thành viên trong gia đình cô đều quan niệm rất thoáng về khái niệm thành công. Mọi người thường tin, thành công không phải điều gì đó ghê gớm mà đơn giản chỉ là vượt qua hoặc chạm tay tới điều mà mình mong đợi. Vì cuộc sống luôn thay đổi nên thành công ở mỗi thời điểm cũng thay đổi theo.

Bố mẹ mình tin con cái họ thành công là sống tốt hơn những gì đã và đang có, không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình. Thành công có thể chỉ là sửa 1 thói quen xấu, học cách chấp nhận thất bại và không đổ lỗi… Thế nên dù có đi theo con đường nào, làm nghề gì, chỉ cần mình và em trai luôn gắng sức tiến về phía trước thì bố mẹ đã vui lắm rồi”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phi Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 15 vẫn là lựa chọn tốt vào năm 2025?