Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nữ sinh đầu tiên được sinh ra theo cách thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam: Tự hào là 'hot girl' đặc biệt trong lòng gia đình, bạn bè

Sinh ra theo phương pháp đặc biệt, Lưu Tuyết Trân chính là món quà đặc biệt đối với cha mẹ mình. Ngoảnh nhìn lại đã hơn 20 năm trôi qua, cô gái nhỏ bé ngày nào giờ đây đã trở thành sinh viên Đại học, kiên cường lớn lên với niềm mong ước duy nhất là giúp cho mẹ mình được tự hào vì đã sinh cô ra đời.

Món quà kỳ diệu của khoa học và tình thương vô bờ của người mẹ chấp nhận sống đơn thân để nuôi con khôn lớn

Năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam đón chào 3 thiên thần nhí chào đời theo phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Trong số 3 người ấy có Lưu Tuyết Trân - con gái của chị Trần Thị Bạch Tuyết và anh Lưu Tấn Trực ở Mỹ Tho, Tiền Giang.

Sau hơn 9 tháng thai kỳ thấp thỏm lo âu, niềm vui vỡ òa khi gia đình anh chị chào đón cô con gái nhỏ ra đời. Tuyết Trân kể rằng, cho đến lúc đã khôn lớn, mỗi đêm mẹ cô vẫn thường ôm lấy con gái, thủ thì kể về quãng thời gian mang thai vất vả, nuôi con đầy gian nan, khốn khó.

Lưu Tuyết Trân - 1 trong 3 người đầu tiên được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

“Má bảo trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, ba má mình - những người dám đánh liều tất cả để sinh con nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm - chỉ mong con sinh ra lành lặn, khỏe mạnh”.

Thế rồi ngày Trân chào đời, những gì hiện ra trước mắt tuyệt vời hơn cả điều ba mẹ cô tưởng tượng. Trân không chỉ khỏe mạnh mà còn kháu khỉnh, đáng yêu. Sau 8-9 năm chung sống, chạy ngược chạy xuôi chữa trị bệnh hiếm muộn, ngày ngóng đêm mong có con bồng bế thì cuối cùng, điều mà ba mẹ Trân khao khát cuối cũng đã đến. Vì thương con và trân quý niềm hạnh phúc đang có nên cả hai quyết định đặt tên con là Tuyết Trân với hàm ý coi như một báu vật.

Tuyết Trân chào đời chính là một món quà kỳ diệu của vợ chồng chị Tuyết và anh Trực

Đáng tiếc năm 2000 khi Tuyết Trân vừa tròn 2 tuổi thì ba cô đã qua đời vì bệnh ung thư gan. Để kiếm kế sinh nhai, chị Tuyết làm đủ việc từ may đồ chợ, đi tiếp thị sản phẩm. Kinh tế gia đình một tay chị chèo lái. Lúc còn nhỏ, Trân thường đau ốm, một mình chị Tuyết lại phải chạy ngược chạy xuôi để lo chạy chữa cho con. Thiếu vắng người chồng người cha, một mình chị phải vất vả khuya sớm nhưng nhất quyết không muốn đi thêm bước nữa vì tình yêu sâu nặng với người chồng đã mất.

Má nói lúc ba mất, má buồn dữ lắm, chỉ muốn tự vẫn theo ba mà vì thương mình nên mới gắng gượng sống tiếp“, Trân kể. “Ba mất sớm nên má vừa là má mà vừa đóng cả vai ba nữa. Thương mình nên mỗi đêm mình đi làm thêm tới 10h mới về, má đều đi đón chứ chưa bao giờ để mình đi một mình”.

Tuyết Trân chụp ảnh cùng mẹ.

Trải qua hơn 20 năm, cô bé ngày nào giờ đã là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin Đại học Tiền Giang. Vì thương mẹ nên Trân vừa đi học, vừa đi làm thêm đủ mọi việc để đỡ đần phần nào gánh nặng kinh tế.

Tuyết Trân kể, gia đình tuy thiếu ba nhưng từ nhỏ, Trân lại may mắn được lớn lên trong vòng tay hết mực yêu thương của mẹ, họ hàng và một người rất đặc biệt - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - người đã mang kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam).

Không ngại khi bị gọi là hot girl ống nghiệm

Nhắc đến danh xưng hot girl ống nghiệm mà mọi người thường hay gọi mình, Tuyết Trân vui vẻ nói: “Mình thấy mình không dám nhận danh xưng này theo đúng nghĩa nhưng mình nghĩ ai cũng là hot girl - Hot girl trong gia đình, trong lòng bạn bè ấy, người thân. Thực sự mình nghĩ mọi người yêu quý thì mới gọi vui như thế thôi.

Mình cũng rất vui vì có nhiều người tìm hiểu về thụ tinh ống nghiệm và có lẽ vì có cái tít “em bé đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm” đã thu hút họ đọc và biết đến kỹ thuật này”.

Tuyết Trân kể rằng cô rất thương mẹ vì mẹ cô phải cùng lúc đóng vai cả cha lẫn mẹ, tần tảo sớm hôm nuôi cô khôn lớn thành người.

Trân cho biết chưa bao giờ cô thấy buồn hay trăn trở về cách mà mình được sinh ra. Trái lại, nữ sinh cảm thấy rất tự hào vì nhờ có khoa học nên cô mới có mặt trên thế gian này.

“Đôi lúc mình thấy mình rất đặc biệt và may mắn vì nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo mà mình mới có được ngày hôm nay. Mình rất cám ơn và rất quý ngoại Phượng - Bác sĩ Phượng”.

Trân chia sẻ, ước mơ của cô là trong tương lai sẽ trở thành một IT chuyên về thiết bị di động, kiếm được nhiều tiền để chăm sóc bù lại cho mẹ.

Má thương mình nhiều lắm, tối nào ngủ chung mẹ cũng kể khi sinh con, ba má chỉ mong con mình lành lặn khỏe mạnh là vui rồi. Nhưng bản thân mình mỗi lần nghĩ tới ba má đều chỉ muốn mình giỏi giang hơn để má nở mày, nở mặt tự hào về mình nhiều hơn nữa“.

Từ cô gái nhỏ sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm…

…Tuyết Trân giờ đây đã khôn lớn với ước mơ lớn nhất là ngày càng giỏi giang, tự mình kiếm được nhiều tiền để phụ giúp mẹ.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả nên Tuyết Trân là người có tính tự lập rất cao. Cô tâm sự sau này chỉ muốn lấy một người xuất phát từ tình yêu chân thành. “Nhiều người nghĩ con gái phải lấy chồng giàu mới có chỗ dựa vững chắc còn mình thì nghĩ, phụ nữ bây giờ cũng có thể tự lo kinh tế, không cần phải cưới chồng có kinh tế vững chắc”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất