Thông tin trên báo Thanh Niên, Công an P.Quang Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã mời bà L.T.P.T (43 tuổi, ở P.Quang Trung) và con gái là P.L.K.N (20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM) đến làm việc, yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ, hình ảnh… để xác minh, làm rõ vụ việc gia đình liên tục bị “khủng bố”, hăm dọa để đòi nợ.
Sinh viên P.L.K.N kể lại, trong quá trình học tập tại TP.HCM, do không thể đi làm thêm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, N. đã vay của N.H.A (20 tuổi, sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM) số tiền 12 triệu đồng vào ngày 13/3.
Được biết, N. và A. là bạn học thời học cấp 2, cùng ở tại P.Quang Trung, TP.Quy Nhơn.
Khi vay tiền (12 triệu đồng), thực tế N. chỉ được nhận 9,6 triệu đồng, lãi suất 240.000 đồng/ngày. Nếu trong ngày, N. trả tiền lãi sau 19 giờ thì phải trả gấp đôi (480.000 đồng/ngày). Trả tiền lãi sau 24 giờ thì phải nhân 4, tương đương 960.000 đồng/ngày.
Dần dần, lãi mẹ đẻ lãi con nên số tiền nợ ngày càng nhiều thêm.
Trong tháng 7 và tháng 8, khi đã về TP. Quy Nhơn, N.H.A đã bắt N. viết tổng cộng 6 giấy vay tiền (để trả tiền lãi khoản vay trước đó) với tổng số tiền nợ là 120 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 10/7, vay 25 triệu đồng (thực nhận 21,25 triệu đồng), lãi suất 625.000 đồng/ngày. Ngày 17/7, vay 10 triệu (thực nhận 8,5 triệu), lãi suất 250.000 đồng/ngày. Ngày 22/7, vay 15 triệu (thực nhận 11,25 triệu), lãi suất 325.000 đồng/ngày. Ngày 28/7, vay 20 triệu (thực nhận 16,25 triệu), lãi suất 500.000 đồng/ngày. Ngày 7/8, vay 25 triệu (thực nhận 21,25 triệu), lãi suất 500.000 đồng/ngày. Ngày 11/8, vay 25 triệu (thực nhận 21,25 triệu), lãi suất 500.000 đồng/ngày.
Thông tin trên báo Người Lao Động, để có tiền trả lãi "cắt cổ", lúc đầu N. vay bạn bè, người quen. Sau không vay được nữa, N. bán laptop, xe máy và những vật dụng cá nhân để đóng tiền lãi. Hiện tại, N. không thể xoay sở thêm nữa và đã lâm vào cảnh bế tắc.
Thời điểm này N.H.A liên tục gây áp lực, ép P.L.K.N viết thêm giấy nợ mới là số tiền lãi chưa đóng cho khoản vay cũ. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, từ số tiền vay thực nhận chỉ 9,6 triệu đồng, 5 tháng sau N. đã nợ của N.H.A lên đến hơn 300 triệu đồng.
Đến tháng 9/2021, vì không có tiền trả, N. và gia đình ở TP Quy Nhơn liên tục bị A. dẫn theo nhiều người đến hăm dọa, đòi nợ với số tiền 120 triệu đồng đã viết giấy vay.
Không chỉ vậy, A. còn đưa hình ảnh của N. lên mạng xã hội Facebook nhằm bôi nhọ, gây áp lực để trả nợ. Cũng trong thời gian này, gia đình N. liên tục bị tạt sơn , mắm thối, chất bẩn… vào nhà gây hôi thối, khiến hàng xóm rất bức xúc.
Trước việc bị "khủng bố" tinh thần, cả học kỳ này N. phải nghỉ học, không dám đến trường ở TP HCM. Thời gian qua, em đã nhiều lần van xin nhưng bạn A. vẫn không chịu buông tha, liên tục cho người gọi điện thoại hăm dọa, chửi bới.
"Đây là bài học xương máu của đời em. Mong các cơ quan chức năng hãy cứu lấy em để em có cơ hội được quay lại trường, làm lại cuộc đời", N. nói trong nước mắt.