Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm

Trần Vân Anh - sinh viên năm 3 trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Vân Anh cũng chính là cựu học sinh chuyên Văn của THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM). Nữ sinh luôn là niềm tự hào của thầy cô, bạn bè với thành tích học tập cực kỳ xuất sắc.

Nữ du học sinh "ẵm" loạt thành tích đáng nể

Nhắc đến nữ sinh Trần Vân Anh là nhắc đến hình ảnh nữ sinh hoạt bát, năng nổ và sở hữu nhiều thành tích học tập đáng nể. Trong đó, phải kể đến những giải thưởng ấn tượng như: Giải ba ki thi HSG cấp TP môn Văn năm học 2016-2017; HCV môn Văn năm học 2017-2018 và 2018-2019 kì thi Olympic 30/4; Giải Khuyến khích HSG môn Văn năm 2018-2019, 2019-2020; Giải Nhất TP kì thi chọn đội tuyển quốc gia TPHCM năm học 2018-2019, 2019-2020; Giải ba bảng C, cuộc thi Piano Amateur Contest 2016 do Nhạc viện TPHCM tổ chức.

Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm Ảnh 1
Trần Vân Anh - cựu học sinh chuyên Văn tại THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh: NVCC

Hiện tại, Vân Anh đang theo học ngành Communications and New Media (ngành Truyền thông, viết tắt là CNM), trực thuộc khoa Xã hội Nhân Văn (FASS) của trường Đại học Quốc gia Singapore. Chia sẻ về lý do chọn ngành học hiện tại, Vân Anh tự tin cho biết ngành học này phù hợp với khả năng và sở thích của cô nàng.

"Kể từ khi trở thành học sinh chuyên Văn của THPT Lê Hồng Phong, mình không chỉ nhận thức được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của câu chữ trong mọi mặt cuộc sống, mà còn được trau dồi cách sử dụng câu từ sao cho hiệu quả. Từ những điều này, mình cảm thấy ngành truyền thông chính là lựa chọn phù hợp cho 4 năm Đại học sau khi tốt nghiệp THPT", Vân Anh chia sẻ. 

Về cơ duyên đến với trường Đại học hiện tại, Vân Anh cho biết, bản thân cũng từng cân nhắc nhiều ngôi trường khác nhau nhưng sau đó đã đưa ra quyết định gắn bó với Đại học Quốc gia Singapore. 

"Thứ nhất, Singapore không quá xa Việt Nam. Nếu học tại đây, mình sẽ không phải lo lắng về việc bị lệch múi giờ, khác biệt về khí hậu; đồng thời ba mẹ cũng có thể sang thăm dễ dàng nếu muốn. Lí do thứ hai là vì xếp hạng và danh tiếng cao của trường nói chung và khoa CNM nói riêng, sẽ có thể hỗ trợ mình trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm và cho việc học cao học sau này", Vân Anh cho hay.

Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm Ảnh 2
Trần Vân Anh nhận bằng khen Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn năm 2018-2019. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, sau 3 năm gắn bó với ngôi trường danh tiếng này, Vân Anh nhận thấy phương pháp giảng dạy NUS có rất nhiều điều hay ho. Trong đó, NUS không hề yêu cầu sinh viên phải khai báo chuyên ngành cụ thể, việc này tạo cho sinh viên sự tự do trong việc lựa chọn và thay đổi định hướng học của bản thân bất cứ khi nào. Bên cạnh đó, nhà trường cũng trao cho sinh viên tối đa quyền tự chủ trong học tập, giúp sinh viên trải nghiệm nhiều môn học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành truyền thông (báo chí, marketing, PR, v.v) để từ đó tự nhận ra đâu là hướng phù hợp nhất cho mình. 

"Với mình, đây cũng là cơ hội để bản thân được học tập và có thêm kiến thức về những lĩnh vực của ngành truyền thông, để từ đó có khả năng thích nghi và làm việc ở nhiều vị trí, công việc khác nhau sau khi ra trường", Vân Anh nói. 

Ngoài ra, theo Vân Anh, ngành CNM nói riêng và trường NUS nói chung rất khuyến khích sinh viên tự gia tăng trải nghiệm thực tế thông qua đi thực tập và làm việc part-time từ rất sớm. Bên cạnh kì thực tập bắt buộc năm 3 của ngành CNM, còn có chương trình thực tập của khoa KHNV (FASS Internship Programme), hay chương trình NOC (NUS Overseas College) cho các bạn có đam mê khởi nghiệp. Vân Anh cho rằng, việc khuyến khích thực tập hay đi làm thêm còn được thể hiện qua việc trường lập ra các môn học, website và các phòng ban để hỗ trợ sinh viên chuẩn bị hồ sơ thực tập, luyện tập phỏng vấn và liên tục cung cấp thông tin về các vị trí thực tập/công việc bán thời gian ở trường và ở các công ty. 

"Với mình, việc đi thực tập sớm và có nhiều trải nghiệm làm việc thực tế trong thời gian còn đi học đã trao cho bản thân cơ hội được áp dụng những kiến thức được học ở nhà trường, rèn luyện các kĩ năng mềm. Đồng thời, mình được học hỏi, kết nối mở rộng mối quan hệ bản thân với các anh chị đi trước trong ngành", nữ sinh ngành Truyền thông chia sẻ. 

Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm Ảnh 3
Vân Anh (hàng thứ hai, thứ ba từ trái sang) cùng các HSSV đại diện của VNYA tham gia gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. Ảnh: NVCC

Hiện tại, bên cạnh việc học, Vân Anh còn tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Cô bạn hiện là trưởng ban truyền thông đối ngoại của CLB NUSSU CommIT (ban IT trực thuộc Hội Sinh viên NUS – NUSSU), đồng thời là thành viên ban truyền thông của Hội HSSV Việt Nam tại Singapore (VNYA). Bên cạnh đó, trong năm học sắp tới, Vân Anh sẽ tham gia hỗ trợ quản lý khu KTX với chức vị Quản lý tầng. 

 

Cuộc sống nơi xứ người luôn ấm áp vì có ba mẹ, bạn bè đồng hành

Vân Anh chia sẻ, cô nàng nhập học vào năm 2020, ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới. Do đó, thay vì sang Singapore từ năm nhất, cô bạn đã học online tại Việt Nam trong suốt ba học kì đầu tiên. Không thể không nói, dịch bệnh đã làm thay đổi khá nhiều kế hoạch du học ban đầu của nữ sinh, đồng thời cũng gây ra một số khó khăn trong trong thời gian đầu lúc sang Singapore do những yêu cầu nhập cảnh và xác nhận tiêm chủng Covid-19 của Singapore. 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vân Anh cũng không thể tham gia vào các hoạt động thường niên cho sinh viên mới. Tuy nhiên, bản thân Vân Anh vẫn luôn cảm thấy lạc quan, tích cực; thậm chí, khi đại dịch qua đi, cô nàng thầm biết ơn nhiều hơn vì những điều ý nghĩa mà bản thân đã nhận ra. 

"Thực ra, bản thân mình vẫn tham gia ngoại khóa, vẫn có thể làm part-time trong trường, vẫn có thể giao lưu với mọi người hay tham gia workshop và hội thảo. Có chăng là những hoạt động ấy chỉ chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến mà thôi. 

Bây giờ, khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, nhìn lại thời gian qua, mình cảm thấy thực sự may mắn biết ơn rằng gia đình mình vẫn mạnh khỏe dù sống trong tâm dịch TP.HCM. Dịch bệnh cũng khiến mình nhận ra hơn giá trị của sức khỏe, và thêm quý những giây phút được ở bên người thân, dù là ở cạnh nhau hay chỉ được thấy nhau qua màn hình điện thoại", Vân Anh chia sẻ.

Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm Ảnh 4
Dù cuộc sống du học sinh có lúc khó khăn nhưng Vân Anh luôn cảm thấy may mắn vì có ba mẹ, bạn bè kề bên. Ảnh: NVCC

Khi sang Singapore, Vân Anh mặc dù nhanh chóng thích nghi với cuộc sống du học sinh nhưng cũng không thể nào tránh khỏi những khó khăn. Theo nữ sinh này, điều khó khăn nhất mà cô bạn gặp phải chính là... học nấu ăn. Trước đó, Vân Anh chỉ biết nấu các món đơn giản từ trứng và rau, nhưng kể từ khi đi du học, vì đồ ăn mua ở ngoài không hợp khẩu vị và cũng khá đắt đỏ nên cô bạn đã quyết định tự mày mò học cách nấu những món ăn Việt Nam. 

"Mình phải tự mày mò, học hỏi từ mẹ, tra cứu trên google cách chọn nguyên liệu, cách sơ chế rồi nấu như thế nào cho phù hợp với những gia vị mình đang có. Dù có hướng dẫn, nhưng cũng không tránh khỏi những lần mình nấu thất bại", nữ sinh hài hước chia sẻ.

Cũng theo Vân Anh, cuộc sống du học sinh dù có chút bỡ ngỡ lúc ban đầu, tuy nhiên, cô bạn luôn cảm thấy ấm áp, may mắn vì gia đình luôn sát cánh, đồng hành. 

"Có thể nói, gia đình luôn là điểm tựa và là nguồn động lực cho mình xuyên suốt quá trình học tập, dù là ở Việt Nam hay là ở Singapore. Gia đình thật sự đã sát cánh cùng mình trong suốt hành trình du học, từ việc chọn trường và đất nước phù hợp, hỗ trợ mình ôn luyện cho kì thi tuyển sinh của NUS tới hoàn thành các giấy tờ cần thiết để nhập học và sang Singapore an toàn trong thời điểm dịch bệnh. Không chỉ vậy, trong suốt thời gian học Đại học, gia đình luôn dành cho mình những lời khuyên, niềm tin và sự ủng hộ trong những quyết định mình đưa ra", Vân Anh tự hào. 

Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm Ảnh 5
Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm Ảnh 6
Vân Anh và bạn bè tại các sự kiện diễn ra trong thời gian học tập ở nước ngoài. Ảnh: NVCC

Ngoài sự trợ giúp từ gia đình, Vân Anh cũng luôn nhận được sự hỗ trợ của bạn bè và các anh chị khóa trên ngày từ lúc còn ở Việt Nam học online tới tận khi sang Singapore. Theo đó, mọi người rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ Vân Anh hòa nhập và làm quen với cuộc sống ở Singapore, cũng như hướng dẫn cô bạn hoàn thành các thủ tục hành chính cần thiết (mở thẻ ngân hàng hay khi làm VISA Student Pass, v.v).

 

Lời khuyên cho các bạn trẻ Việt đang có ý định đi du học

Sau một khoảng thời gian dài trải nghiệm cuộc sống du học sinh cũng như tiếp xúc với rất nhiều bạn bè Quốc tế, Vân Anh nhận ra sinh viên Việt Nam dù có nhiều thế mạnh nhưng cũng tồn tại một số hạn chế, trong đó thường thấy là việc các bạn không mặn mà với các hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó, NUS nói riêng và các trường Đại học khác tại Singapore nói chung, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa rất được xem trọng. 

"Tại Singapore, việc tích cực tham gia trong các phong trào ngoại khóa không chỉ đem tới những lợi ích như là mở rộng mối quan hệ hay gia tăng kĩ năng mềm, mà còn là một yếu tố thiết yếu để có được nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống và học tập (ví dụ như xét duyệt học bổng, ưu tiên về việc phân phòng ở KTX, nộp xin thực tập tại các công ty, v.v)", Vân Anh chia sẻ. 

Nữ du học sinh 'ẵm' loạt thành tích khủng, ấp ủ ý định trở về Việt Nam: Phục vụ quê hương là điều nên làm Ảnh 7
Vân Anh cùng bạn bè trong một hoạt động khác. Ảnh: NVCC

Về việc rất nhiều học sinh Việt Nam hiện nay đang có ý định đi du học nhưng vẫn còn băn khoăn nhiều lý do, Vân Anh cũng đó đôi lời muốn nhắn gửi. Cô bạn nhấn mạnh, với những ai đang có mong muốn đi du học phải chuẩn bị thật kỹ. 

"Đầu tiên là xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mỗi người, để từ đó vạch ra một lộ trình rõ ràng và phù hợp cho việc học tập tại nước ngoài. Với mục tiêu ngắn hạn, một ví dụ đơn giản là nếu bạn muốn lấy được học bổng hay đứng Top đầu của khoa, thì cần suy nghĩ tới việc nên học những môn gì vào lúc nào, nên tham gia hoạt động ngoại khóa hay không. Với mục tiêu dài hạn, hãy cân nhắc về các khả năng có thể xảy ra sau khi bạn ra trường. 

Nếu bạn yêu thích và định hướng sẽ đi về nghiên cứu lâu dài, hãy xác định ngành học của bạn liệu có thể đem tới cho bạn cuộc sống ổn định để theo đuổi đam mê nghiên cứu hay không. Nếu bạn muốn học xong và xin việc ở các công ty, hãy xác định xem trong lúc học sẽ cần trau dồi hay học hỏi các kinh nghiệm/kĩ năng gì để thực hiện được mục tiêu ấy.

Thứ hai là phải chuẩn bị về mặt tài chính. Kể cả việc có học bổng, thì cũng cần chuẩn bị kĩ về kinh tế để có thể đáp ứng các nhu cầu hằng ngày và đề phòng cho các tình huống bất ngờ (ví dụ như là dịch bệnh, hoặc bản thân gặp các vấn đề sức khỏe, v.v)", nữ sinh ngành Truyền thông đưa ra lời khuyên. 

Sẽ trở về Việt Nam "phục vụ" quê hương...

Chia sẻ về dự định sau khi tốt nghiệp đại học ở Singapore, Vân Anh cho biết, vẫn ở lại đất nước xinh đẹp này một thời gian để trải nghiệm môi trường làm việc ở nước ngoài. Khi cảm thấy thời gian đủ "chín", cô bạn sẽ trở Việt Nam để sống và làm việc. 

"Mình vẫn luôn có ý định trở về Việt Nam làm việc sau này. Với mình, Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh, đồng thời cũng là một thị trường năng động, hấp dẫn và đầy cơ hội cho những ai có ý chí và năng lực. Quan trọng hơn hết, mình luôn quan niệm rằng, những gì mình có ngày hôm nay cũng là nhờ vào quê hương Việt Nam, do đó, việc mình trở về phục vụ cho quê hương là một điều nên làm", Vân Anh quả quyết.

Xem thêm: Tìm về nhà Ngọc Châu - Tân Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất