Có lẽ với học sinh THPT, Đại học là một giấc mơ đẹp khi tất cả các khuôn khổ bị phá vỡ từ sự quản lý chặt chẽ của gia đình trong chuyện học tập, yêu đương đến của nhà trường. Chúng ta sẽ thoải mái tung bay ở 1 vùng trời riêng. Sẽ không còn những bài giảng môn chúng ta không thích. Nghe thông rất nhiều người đã cố gắng nỗ lực vượt qua quãng thời gian học sinh.
Thế nhưng, sự thật ẩn sâu còn khó khăn vẫn an nhàn ngồi đợi chúng ta ở phía trước. Bài ca “thi lại, học lại” sẽ được ngân vang mỗi dịp kỳ thi cuối kỳ đến, thậm chí nghỉ hè phải xách mông đi học lại để kịp tiến độ ra trường. Để rồi chúng ta nhận ra có những môn học còn “khoai” gấp mấy lần toán, lý, hóa, văn, sinh, sử, địa.
Những môn học “ác mộng” khiến sinh viên thiếu tư duy trừu tượng ngao ngán khi nhắc đến:
Triết học Mác - Lenin
Đây có lẽ là môn học khiến nhiều học sinh phải run lên một cái khi nghe đến, dường như hầu hết các sinh viên đều coi đây là môn học “tử thần” bởi tỉ lệ “trượt vỏ chuối” cao ngất ngưởng. Đặc biệt khi vừa bước chân vào cổng trường Đại học, tân sinh viên đã phải tiếp cận Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê Nin.
Môn học này bao gồm rất nhiều quan điểm, học thuyết mang tính hàn lâm và trừu tượng trong một cuốn giáo trình dày cộp. Môn học luôn đòi hỏi sinh viên phải tư duy cao nên người chân ướt chân ráo bước vào trường thì đây là chuyện không dễ dàng. Thậm chí nếu chúng ta cố gắng học thuộc như 1 chú vẹt thì khi được thầy cô hỏi lại chúng lại như kiến thức hoàn toàn mới cứ mông lung, mơ hồ. Hơn nữa, môn học này những năm gần đây đều áp dụng hình thức thi vấn đáp.
Logic học đại cương
Cũng giống như Triết học, Logic học đại cương cũng khiến nhiều sinh viên e ngại, xác suất “tạch” cũng ngang ngửa 80%.
Môn học này yêu cầu khả năng xử lý số liệu cao, tư duy logic và suy đoán có căn cứ trước những dữ kiện trong bài bằng những mối tương quan, liên quan, mối quan hệ theo định luật cụ thể. Nghe mô tả môn học rất nhiều sinh viên khối xã hội toát mồ hôi hột. Khối tự nhiên có tư duy tốt hơn tuy nhiên rất nhiều người rơi vào tình trạng học thì hiểu nhưng thi thì lạc đề, không biết lời giải sao cho đúng.
Xác suất thống kê
Môn học này không chỉ khiến dân khối xã hội lo sợ mà khối tự nhiên cũng rùng mình mỗi khi nhắc đến. Nếu môn học “tử thần” này không xuất hiện trong danh sách môn của trường nào thì sinh viên trường đó cảm thấy may mắn.
Môn học đòi hỏi chất xám và sự chăm chỉ cao độ nên đa số sinh viên đều “tạch” môn này hoặc chỉ đủ điểm qua để không phải học lại, thi lại. Tình trạng sinh viên đăng ký học lại khiến giảng viên dạy môn này đã quá quen mặt như lớp học cấp 3 là chuyện “thường tình” như việc sáng dậy phải đánh răng rửa mặt.
Nâng cao tinh thần chiến đấu với môn học “tử thần” này hàng loạt “mặt trận” nơi sinh viên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức học tập và thi cử ra đời. Ấy thế mà tình trạng vẫn chưa khả quan khi mùa thi vẫn có hàng nghìn “sinh viên” hi sinh trên chiến trường xác suất thống kê.
Toán cao cấp
Chỉ cần nghe tên thôi nhiều sinh viên đã mường tượng ra các dãy số dài cũng phương trình bậc 3, bậc 4. Chính vì thế những công thức toán ngày cấp 3, bỗng trở nên đơn giản.
Toán cao cấp vẫn luôn là môn học đại cương gần như là bắt buộc ở tất cả các trường đại học nhưng thực sự là ứng dụng của nó không nhiều. Tình trạng sinh viên học mà không hiểu mình học gì, áp dụng ở đâu luôn là thắc mắc muôn thuở không có lời đáp. Gồng mình lên để nhồi nhét những công thức toán học “khủng” đó rốt cuộc chỉ để giải quyết vấn đề nan giải đó là thi hết môn.
Tiếng Anh
Hiện tại các trường đại học đang đồng loạt yêu cầu sinh viên ra trường có bằng tiếng Anh từ A2 trở đi. Trong khi đa phần sinh viên học sinh chỉ có một số nhỏ giỏi môn học này bởi nền tảng kiến thức không vững chắc. Thực trạng dạy và học “cưỡi ngựa xem hoa” là thực trạng chung đã và đang diễn ra ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng hiện nay.
Dù biết học tiếng Anh rất cần thiết nhưng chương trình giảng dạy so với học sinh cấp 3 không có gì mới, phương pháp giảng dạy khô khan và không có sơ hội thực hành các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết mà chỉ chăm chăm học từ mới và ngữ pháp theo kiểu học thuộc lòng. Mặt khác, khả năng nói tiếng Anh của sinh viên có phần khác biệt. Những bạn nói tốt thì không muốn nghe “hello, how are you? I’m fine, thank you” từ các bạn kém hơn nên chọn đến học các trung tâm. Bạn học kém thì ngay từ đầu đã không muốn học nên càng ngày càng chán.
Thể dục
Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đa phần sinh viên các trường đều lo ngại với môn học yêu cầu thể lực này. Một phần do môn học không ảnh hưởng đến bảng điểm ra trường, chỉ cần qua môn, mặc khác cơ sở vật chất của các trường đa phần còn thiếu thốn. Đặc biệt, thể dục còn bao gồm các môn năng khiếu nên sinh viên ít người được chọn môn thể thao yêu thích. Ngoài ra, rất nhiều sinh lên Đại học mới tiếp cận với bóng bàn, bơi, thể dục dụng cụ, erobic…
Theo PV VTC ghi lại, mỗi năm 2 đợt đầu năm học và ra Tết, sinh viên trường ĐH KHXH &NV, ĐH QGHN lại nô nức kéo nhau đi học lại thể dục. Có người trượt liên tiếp 4 kì học thể dục liền, lại có những SV chỉ vì nợ môn thể chất mà không được nhận bằng tốt nghiệp. Chính vì thế đừng nghĩ môn học tưởng chừng đơn giản này lại không gây khó khăn gì cho bạn.