Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Những vui buồn của giáo dục đại học năm 2017

Năm 2017, được xem là năm sôi động của ngành giáo dục với nhiều nỗ lực thay đổi tích cực trong đó có giáo dục đại học. Tuy vậy, vẫn còn đó những sự kiện để thấy rằng còn nhiều khoảng cách mà đại học Việt Nam mới theo kịp quốc tế.

Lần đầu tiên xếp hạng đại học Việt Nam và sự “ngậm ngùi” với xếp hạng thế giới

Tháng 9/2017, một nhóm chuyên gia độc lập xếp hạng đại học Việt Nam đã công bố xếp hạng đối với 49 trường đại học Việt Nam sau ba năm thực hiện với lựa chọn trong hơn 100 trường trong cả nước.

Những vui buồn của giáo dục đại học năm 2017 Ảnh 1

Sinh viên học ĐH tại TP.HCM

Điều gây ngạc nhiên là một số trường đại học trẻ, ít được biết đến hơn lại chiếm lĩnh vị trí cao trong bảng xếp hạng. Trường ĐH Tôn Đức Thắng vươn lên đứng thứ 2 về tổng thể, chỉ sau ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ xếp vị trí thứ 5, còn trường ĐH Duy Tân vì thứ hạng thứ 9.

Việc các trường trẻ được xếp hạng cao được lý giải là do thành tích vượt trội về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách khuyến khích các tác giả trong và ngoài nước tham gia hợp tác để có ấn phẩm quốc tế đứng tên trường.

Dù gây nhiều xôn xao tranh cãi nhưng bảng xếp hạng này cũng có thể là một tín hiệu vui, mang giá trị để các trường ĐH tham khảo và tự soi xét lại các hoạt động và kết quả của mình.

Đánh giá và xếp hạng đại học đang là xu thế diễn ra của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, dù Bộ GD-ĐT đã có chủ trương phân tầng và xếp hạng các trường đại học và cao đẳng nhưng, hiện chưa có một bảng xếp hạng toàn diện các cơ sở giáo dục đại học chính thức nào được công bố. Do đó, bảng xếp hạng 49 trường ĐH được công bố nhằm khuyến khích các trường đại học minh bạch hóa thông tin về cơ sở của mình cũng như đẩy nhanh quá trình đổi mới tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Thực tế dù hội nhập quốc tế nhưng để được các tổ chức uy tín trên thế giới xếp hạng cao sẽ phải là một nỗ lực rất lớn đối với các trường trong thời gian tới. Theo kết quả xếp hạng năm 2017 khu vực châu Á được tổ chức xếp hạng QS (Anh)công bố vào tháng 10/2017, Việt Nam có 5 ĐH, trường ĐH lọt vào bảng xếp hạng này. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội chiếm vị trí 139; ĐH Quốc gia TP.HCM được xếp ở vị trí 142; 3 trường ĐH còn lại nằm trong các nhóm 291- 400. Trong khi đó, dẫn đầu bảng xếp hạng này lần lượt thuộc về Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hay mới đây nhất tạp chí Times Higher Education (THE - Anh) vừa công bố Bảng xếp hạng những trường Đại học (ĐH) hàng đầu châu Á. Bảng xếp hạng năm nay có hơn 350 trường tới từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng không có một trường ĐH Việt Nam nào nằm trong danh sách này.

Theo TS Lê Văn Út, trưởng Phòng Quản lý Phát triển Khoa học, Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì “không phủ nhận là do Tổ chức xếp hạng THE yêu cầu các trường ĐH phải nộp dữ liệu để xem xét nên không rõ ĐH của Việt Nam có nộp hay không. Nhưng tổ chức này cũng có tiếng nhất định, việc xếp hạng có ảnh hưởng nên cũng thật ngậm ngùi khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ xếp hạng thế giới”. Bên cạnh đó, một số chuyên gia giáo dục nhìn nhận rằng dù không nghiêm trọng nhưng các trường ĐH trong nước cần thấy rõ nguy cơ nếu không tiến nhanh thì coi chừng bị lạc hậu so với các nước.

Điểm chuẩn đại học năm 2017 cao và nỗi buồn sư phạm

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được tổ chức nghiêm túc, an toàn và tiết kiệm, thể hiện rõ định hướng đổi mới tích cực của ngành giáo dục. Kết quả kỳ thi khá cao là căn cứ chính giúp công tác xét tuyển vào các trường đại học. Đáng chú ý trong đó có tơi 13 thí sinh cả nước đạt 30 điểm tuyệt đối ở tổ hợp 3 môn thi xét đại học. Thanh Hóa dẫn đầu số lượng thủ khoa với 3 thí sinh, Hà Nội và TPHCM cũng đều có 2 thủ khoa. Hàng loạt tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Vĩnh Long và Đà Nẵng đều có một thủ khoa 30 điểm.

Những vui buồn của giáo dục đại học năm 2017 Ảnh 2

Thí sinh thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên

Năm 2017 điểm chuẩn các ngành đào tạo của các trường ĐH đều nằm trong khoảng từ 18-26 điểm. Đặc biệt, các trường khối Công An, Quân Đội và Ngành Y đa khoa của một số trường ĐH danh tiếng có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên. Thậm chí vài trường hợp dù hơn 29 điểm lại trượt nguyện vọng 1.

Trái ngược với bức tranh điểm chuẩn cao ngất của các trường khối công an, quân đội, y - dược, trừ hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM có điểm đầu vào năm 2017 ở mức ổn định so với các năm trước (có ngành lấy trên 27 điểm) còn phần lớn các trường sư phạm khác đều có điểm chuẩn rất thấp so với mặt bằng chung.

Nằm trong số 7 trường đại học được đặt hàng xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng giáo viên phổ thông thế nhưng điểm chuẩn của nhiều ngành sư phạm của trường ĐH Vinh (Nghệ An) thấp kỷ lục. Ngoài một số ngành học là Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20-27 điểm, tất cả các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm. Nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Huế cũng lấy điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn… Lãnh đạo trường sư phạm đã phải thốt lên rất “đau lòng” về việc này.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, ngành sư phạm phải tập trung những nhà khoa học giỏi vào giảng dạy. Đặc biệt, trường sư phạm phải đi đầu trong các công nghệ. Sư phạm cần phải có đổi mới quyết liệt về chương trình, chính sách và phải có đầu tư thích đáng. Nếu để như hiện nay thì ngành sư phạm không “ngóc” lên được. Do đó, phải có chính sách khác đối với sư phạm.

Đặc biệt, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Dong cho rằng, đào tạo giáo viên phải đi trước một bước. Đào tạo giáo viên chương trình nào thì ra dạy chương trình đó thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Nâng chuẩn GS, PGS và sự băn khoăn về “chuyến tàu chót mang số hiệu 174”

Tháng 4/2017, dự thảo mới nhất về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) vừa được Văn phòng Chính phủ đưa ra lấy ý kiến. Một loạt điểm mới của dự thảo được đánh giá là nâng tiêu chuẩn GS, PGS cao hơn hẳn so với quy định hiện hành. Điểm mới quan trọng của bản dự thảo so với quy định hiện hành là tiêu chuẩn của người được công nhận chức danh GS phải có bài báo quốc tế, với yêu cầu khác nhau giữa các nhóm ngành khoa học tự nhiên - công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn.

Theo dự thảo, để đạt chức danh GS, đến năm 2019, ứng viên nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là tác giả chính và đã công bố ít nhất 2 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus hoặc ít nhất 1 bài báo thuộc hệ thống ISI, Scopus và 1 quyển/chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản uy tín trên thế giới…

Những vui buồn của giáo dục đại học năm 2017 Ảnh 3

Trao giấy chứng nhận GS,PGS năm 2016

Tương tự, ứng viên GS nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn cũng phải là tác giả chính và đã công bố ít nhất 1 bài báo trên tạp chí ISI, Scopus.

Tuy nhiên, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2017. Theo đó, tổng số người đạt tiêu chuẩn năm 2017 là 1.226 người, tăng gần 60% so với năm trước. Không chỉ có sự gia tăng đột biến khó hiểu số lượng GS,PGS thì dư luận không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi về liệu chất lượng có đảm bảo.

Lý giải việc tăng đột biến này, GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước về xét tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2017 cho rằng số lượng GS,PGS được phong năm nay tăng khoảng 60% so với năm trước. Lý do, năm nay ngày hết hạn nộp hồ sơ lùi lại nửa năm (năm nay 5/1), theo đó, các bài báo, sách xuất bản, đề tài nghiệm thu của các ứng viên… cũng được lùi lại nửa năm.

Ông Nhung cũng nhìn nhận, “Tâm lý chung nữa là năm nay có sự thay đổi về quy chế phong GS,PGS nên các ứng viên mong muốn mình đi về “chuyến tàu chót mang số hiệu 174 - (Quyết định 174)”.

Được biết, trong số 85 GS được xét duyệt lần này thì chỉ có 56 GS có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus với số lượng 924 bài, chiếm gần 66%. Như vậy khoảng 34% GS được phong năm nay không có bài báo quốc tế. Còn đối với PGS, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%, tức là trên 53% phó giáo sư được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus.

Trước nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước. Bên cạnh đó là nhiều lo ngại về chất lượng như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.

Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một “đợt vét” trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước…

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.

Dự thảo luật giáo dục ĐH sửa đổi nhiều tự chủ hơn cho các đại học

Dự thảo dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung liên quan tới bốn chính sách cơ bản: mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế, đổi mới quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện tự chủ đại học.

Những sửa đổi, bổ sung này nhằm gỡ bỏ các vướng mắc để phát triển giáo dục đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT cho rằng trong quá trình triển khai tự chủ ĐH cho thấy các quy định về tài chính trong GDĐH còn chưa phù hợp. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định nhiều vấn đề theo hướng giao quyền chủ động hơn cho các trường. Dự thảo đề xuất các vấn đề về cơ cấu tổ chức của ĐH và các phương án công nhận hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng.

Về học phí, cơ sở GDĐH chuyển sang quy định về giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với Luật giá và Luật Phí và Lệ phí. Cơ sở GDĐH được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất