Thi THPT quốc gia 2018: Quá trình chấm thi được bảo mật để đảm bảo sự công bằng tuyệt đối
Bài thi tự luận môn Ngữ văn: Bảo mật nghiêm ngặt từ quá trình rọc phách chấm thi
Quá trình đánh phách cho bài thi tự luận
Theo yêu cầu của bộ GD&ĐT, những bài thi tự luận phải được đánh và rọc phách trước khi chấm, trong đó, số phách là thứ phải được bảo mật tuyệt đối.
Trong quá trình này, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ là người quyết định phương thức đánh phách. Có hai cách đánh phách được áp dụng, đó là đánh phách 1 vòng hoặc đánh phách 2 vòng độc lập.
Đối với đánh phách 1 vòng, số phách sẽ được phần mềm máy tính chọn ngẫu nhiên sao cho mỗi bài thi chỉ ứng với duy nhất một số.
Đối với phương thức đánh phách 2 vòng độc lập, mỗi bài thi sẽ đảm bảo có 2 khóa phách do 2 lãnh đạo giữ. Số phách vòng 2 chỉ được sinh sau khi phách vòng 1 đã hoàn thành.
Cán bộ làm phách phải được cách ly
Đối với cách đánh phách 1 vòng, bộ GD&ĐT quy định ban Làm phách phải được cách ly triệt để cho tới lúc bài thi tự luận được chấm xong.
Đối với cách đánh phách 2 vòng độc lập, Ban Làm phách cũng phải được cách ly trong thời gian làm phách. Bên cạnh đó, các cán bộ làm phách sẽ chia thành 2 nhóm riêng biệt (nhóm làm phách vòng 1 và vòng 2). Các nhóm này sẽ làm việc độc lập và cách ly với nhau cho tới khi hoàn thành công việc.
Phiếu trả lời trắc nghiệm: Xử lý chấm qua 4 pha, phát hiện nhiều lỗi của thí sinh
Đối với các bài thi trắc nghiệm, quá trình xử lý và chấm bài thi cũng được bảo mật tuyệt đối.
Để đảm bảo công bằng về điểm số cho các thí sinh, những bài thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ được xử lý chấm qua quá trình 4 pha như sau:
Pha 1. Quét ảnh: Dùng máy Scanner tốc độ cao để quét các bài thi theo từng lô, sau đó đưa vào các thư mục chứa ảnh.
Pha 2. Đọc ảnh: Ảnh bài thi được xử lý để đọc các thông tin từ ảnh (số báo danh, mã đề, đáp án). Sau đó xuất báo cáo cho Bộ GD&ĐT về trạng thái ban đầu của bài làm thí sinh. Bước này chưa bao gồm việc sửa lỗi.
Pha 3. Sửa lỗi của thí sinh: Những lỗi dẫn đến bài thi không chấm được (không tô SBD, tô nhầm SBD, tô sai mã đề thi, tô mã đề không đúng quy cách, đáp án tô mờ hoặc bị tẩy xóa, gấp sai phiếu…) sẽ được cán bộ sửa lại để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh. Toàn bộ kết quả sửa sẽ được lưu lại cùng biên bản và báo cáo lên bộ.
Pha 4. Chấm bài thi: Bài thi được chấm bằng máy dựa trên đáp án do Bộ GD&DDT cung cấp. Kết quả chấm sẽ được lưu lại, phân tích và sau đó báo cáo lên bộ.
Quá trình quét phiếu trả lời và chấm thi trắc nghiệm đều được giám sát chặt chẽ và có sự tham gia của các cán bộ công an. Cán bộ tham gia xử lý bài thi bị nghiêm cấm mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm. Phiếu TLTN cùng phiếu thu bài sẽ được niêm phong, lưu giữ cũng như bảo mật nghiêm ngặt tại đơn vị trong toàn bộ quá trình quét và chấm thi.
Chấm thi THPT 2018: Các lực lượng chức năng cũng tham gia bảo vệ và giám sát
Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Dân trí, ông Nguyễn Văn Tuế (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh) cho biết, tất cả các phòng chấm thi đều được trang bị camera giám sát.
Chưa dừng lại ở đó, khu vực chấm thi và làm phách đều được bố trí riêng biệt và được tiến hành bảo vệ, bảo mật đúng theo quy định.
Đặc biệt, tất cả các bài thi của thí sinh sẽ được bảo vệ an toàn tuyệt đối 24/24. Mỗi khu chấm thi đều có hai cán bộ công an PA 83 trực sẵn. Toàn bộ các bài thi sẽ do 2 cảnh sát PC45 và cán bộ bảo vệ của nhà trường trông giữ hàng ngày.