Trong một bài viết đăng tải trên trang tin Medium, tác giả Srinivas Rao (người sáng lập trang web Unmistakablecreative) sau hành trình 10 năm làm việc, đọc hàng trăm cuốn sách và phỏng vấn hơn 700 người, đã nhận ra có những kỹ năng sống lẽ ra chúng ta cần được dạy trong nhà trường, nhưng rốt cuộc thì không.
Theo ông Chase Jarvis, giám đốc điều hành của nền tảng giáo dục online CreativeLive, chúng ta đang tiến tới một giai đoạn mà những đứa trẻ đang lớn lên hôm nay có thể có cùng lúc tới 5 công việc khác nhau. Thế nhưng mô hình giáo dục hiện thời để chuẩn bị cho chúng trước tương lai đó lại không hề tồn tại.
Dưới đây là những điều lẽ ra nhà trường phải dạy cho học trò, nhưng rốt cuộc họ đã không làm:
Kiểm soát tâm lý bản thân
Kiểm soát tâm lý là điều cực kỳ quan trọng, giúp mỗi người vượt qua những thách thức trên đường đời. Thế nhưng nó lại chưa từng được dạy trong trường.
Thay vào đó người ta đánh giá học sinh bằng điểm số, xếp hạng và áp lực phải thi đỗ vào một trường danh giá.
Tệ hơn nữa khi quan điểm này tiếp tục ngấm sâu vào tư duy sau này khi những học trò ngày ấy trở thành người lớn, họ lại chạy theo các giá trị bản thân được đánh giá qua những công việc danh giá, lương cao và những người vợ/chồng tiềm tàng các giá trị ấy.
Nhà trường hầu như không bao giờ dành thời gian để dạy học trò về cách tự quản lý các mối quan hệ của chính họ, mặc dù đó là những mối quan hệ thiết yếu nhất.
Thế nên bất kể bạn đang nỗ lực làm gì, đang khởi nghiệp, đang có một tình yêu lãng mạn hay đang hoàn thành một dự án sáng tạo, nhất định bạn phải học cách để quản trị tâm lý của bản thân.
Tự chấp nhận và an nhiên
Tự chấp nhận có nghĩa là bạn đủ dũng cảm để thể hiện bản thân mình với cả những khiếm khuyết, yếu ớt, dễ tổn thương, không che đậy những gì có thể bị người khác cho là kỳ quái, không giống số đông
Việc người khác không chấp nhận bạn không quan trọng, vì sự đánh giá của họ không phải là nhân tố quyết định tới việc bạn nghĩ gì về mình. Bạn có thể tự mình phán xét về những quan điểm thực sự có ý nghĩa của người khác.
Tuy nhiên điều này cũng không được dạy ở trường và kết quả là rất nhiều đứa trẻ cảm thấy mình không được bạn bè yêu mến, lạc lõng và sinh ra chán nản.
Có những ranh giới nghiêm khắc
Vì lo ngại làm mích lòng người khác, nhiều người chúng ta thường có xu hướng nới lỏng những ranh giới nguyên tắc của bản thân.
Họ chấp nhận những hành xử mà bản thân không hài lòng, cho phép người khác lấn lướt và rốt cuộc là uất ức, cáu giận với họ. Cách hành xử cố gắng nhẫn nhịn này trên thực tế còn là biểu hiện nhiều hơn của sự thiếu tự tôn, là cách ta tự hạ thấp giá trị bản thân.
Khi thiết lập những ranh giới nghiêm khắc, có thể ta sẽ khiến ai đó không vui, song chắc chắn sẽ giảm bớt khả năng ta tự đẩy mình vào những tình huống uất ức và tự đầu độc tâm trạng. Những ranh giới mạnh mẽ sẽ củng cố thêm giá trị bản thân chúng ta.
Biết đủ
Như một thứ văn hóa bản năng, chúng ta luôn bị ám ảnh với ý nghĩ có một thứ gì đó còn thiếu hụt trong cuộc sống của mình. Và rằng nếu ta có thể lấp đầy khoảng trống giữa kỳ vọng và hiện thực, ta sẽ thấy “ok”.
Nhưng rồi sau một quá trình liên miên, ta chỉ phát hiện ra sự thật: không có gì và cũng không ai có thể khỏa lấp được khoảng trống vô hình của cuộc sống và trái tim mà ta luôn nghĩ tới đó. Nói cách khác, chúng ta luôn cảm thấy mình thiếu hụt ở một phương diện nào đó.
Bền chí
Sẽ có rất nhiều thời điểm khó khăn trong đời bạn phải đối mặt: thi trượt, mất người thân, mất việc hay thất tình… Những lúc như thế này bạn thường có xu hướng chỉ trích bản thân gay gắt, ước gì mình đã hành xử khác đi ở một việc nào đó trong quá khứ.
Mọi khó khăn và nghịch cảnh sẽ trở thành điều bình thường nếu bạn có thể vượt qua và vẫn có thể sống trọn vẹn cuộc sống của mình.
Hãy học hỏi từ những thất bại. Trở ngại chỉ là một trong những bài kiểm tra quan trọng nhất với sự tự nhận thức giá trị của chúng ta. Và đúng như ai đó đã nói: “Những gì không giết chết ta thì chỉ làm cho ta mạnh mẽ hơn mà thôi”.